Đe dọa hủy diệt Iran, chiến thuật khác của Tổng thống Trump

Sau khi đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán thành công với kết quả là hai Hội nghị Thượng đỉnh, ông Trump muốn áp dụng chiến thuật tương tự với Iran.

Hãng tin CNN dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, sử dụng cùng một chiến thuật “gây sức ép tối đa” để dồn Iran và Triều Tiên đến đường cùng và sau đó buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán. Với Triều Tiên, đó là tối hậu thư “lửa và giận dữ”, mô tả sự căng thẳng đang lên đến đỉnh điểm: “ tốt nhất không nên gây thêm bất cứ mối đe dọa nào đối với Mỹ. Họ sẽ phải đối mặt với lửa và giận dữ mà thế giới chưa từng chứng kiến”. Với Iran, đó là những dòng đe dọa trên trang cá nhân Twitter của ông Trump hôm 19/5: “Nếu Iran muốn chiến tranh, đó sẽ là cái kết chính thức của Iran. Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa".

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln tập trận cùng tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge trên biển Ả Rập hôm 17/5. Ảnh: Reuters.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln tập trận cùng tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge trên biển Ả Rập hôm 17/5. Ảnh: Reuters.

Dồn đối phương đến đường cùng

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã tới “một điểm sôi mới” sau khi chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Tehran lên kế hoạch tấn công người Mỹ tại Trung Đông. Washington đã điều nhóm tác chiến USS Abraham Lincoln và lực lượng đặc nhiệm ném bom tới Vịnh Persian nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Iran. Hiện, Mỹ đã yêu cầu những nhân viên ngoại giao không chủ chốt phải rời Iraq, với lý do quan ngại hoạt động của các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn tại đây.

Chưa dừng lại ở đó, Mỹ và Iran còn cáo buộc lẫn nhau tấn công 4 tàu chở dầu tại Vịnh Ba Tư. Cơ quan tình báo Mỹ tuyên bố Iran phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công, còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran khẳng định “đây là âm mưu của những kẻ xấu nhằm phá vỡ an ninh trong khu vực”, ám chỉ vụ tấn công là cái cớ để Mỹ và đồng minh can thiệp quân sự.

Nhìn qua lăng kính của cả Mỹ và Iran, mỗi một động thái quân sự như vậy đều được coi là “hành động xâm lược” từ phía bên kia, gây xói mòn lòng tin nghiêm trọng. Trong khi đó, các phe cứng rắn ở cả hai phía nhanh chóng tận dụng diễn biến mới này để biện minh cho một cuộc đối đầu quân sự.

Quan hệ Mỹ và Iran dưới thời Tổng thống Donald Trump hoàn toàn khác biệt so với những gì diễn ra dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Nếu ông Obama theo đuổi lập trường hòa giải thì ông Trump theo đuổi lập trường gây sức ép tối đa. Bao quanh bởi các nhân vật có quan điểm cứng rắn, đặc biệt là Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn coi Iran là đối thủ “không đội trời chung” và tìm cách kiềm chế Tehran mở rộng vị thế tại Trung Đông. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích ông John Bolton, cho rằng quan chức mang tư tưởng "diều hâu" này là người đứng sau hối thúc Trump tìm cách thay đổi chế độ lãnh đạo tại Iran.

Lập trường cứng rắn của Mỹ hiện nay đã nhận được sự ủng hộ của các đồng minh trong khu vực, đặc biệt là Israel và Saudi Arabia – những nước đang cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị với Iran. Việc ông Trump thay đổi chính sách về vấn đề Iran được hai quốc gia này đánh giá như sự làm mới lại cam kết của Mỹ nhằm đảm bảo các lợi ích an ninh cho họ. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, do ảnh hưởng của đồng minh, Mỹ sẽ quyết tâm gây sức ép về kinh tế và quân sự đối với Tehran. Trước đó, Washington đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này, quyết tâm đánh tụt xuất khẩu dầu của Iran về số 0.

Từng bước đưa Iran đến bàn đàm phán

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định, động thái của ông Trump không nhằm chuẩn bị cho một giải pháp quân sự mà là sách lược giành ưu thế trên bàn đàm phán giống như những gì ông đã thực hiện với Triều Tiên.

Chỉ 6 tiếng sau khi đe dọa “hủy diệt” Iran, ông Trump lại dịu giọng nói với tờ Fox News rằng: “Tôi không muốn họ sở hữu vũ khí hạt nhân và họ không thể đe dọa chúng tôi. Tôi không phải là người thích chiến tranh vì chiến tranh làm thiệt hại kinh tế và quan trọng nhất là cướp đi sinh mạng của con người”. Với tuyên bố này, ông Trump dường như muốn gửi thông điệp rõ ràng nhất tới Iran: Ông không muốn một cuộc chiến tranh tàn khốc, nhưng có thể ra lệnh tấn công nếu Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân và đe dọa tính mạng người Mỹ.

Ông Michael Singh, người phụ trách chính sách Trung Đông của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush lý giải, ông Trump có lẽ đang lo ngại các bên không hiểu rõ ý định cũng như những “giới hạn đỏ” của nhau và ông muốn chính phủ Iran biết chính xác lập trường của ông. Theo nhà phân tích này, điều tích cực ở đây là Tổng thống Trump đã lựa chọn nói rõ quan điểm trong giai đoạn rất dễ gây hiểu nhầm này. Bởi vì nếu Iran hiểu sai ý ông hoặc đưa ra những tính toán sai lầm thì căng thẳng giữa các bên có thể biến thành một cuộc đối đầu quân sự đẫm máu.

"Chiến thuật này từng được Trump áp dụng nhằm giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, cứng rắn tới mức chạm ngưỡng hành động quân sự", Thomas Wright, chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings của Mỹ, nhận xét.

Còn nhớ, Tổng thống Trump từng đe dọa Triều Tiên với “lửa và sự giận dữ” sau khi Bình Nhưỡng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm xa năm 2017. Nhưng ngay khi nước này đồng ý đàm phán phi hạt nhân hóa, ông chủ Nhà Trắng nói rằng mối đe dọa đó đã qua, đồng thời chuyển sang ca ngợi lãnh đạo Kim Jong-un. Đó là những gì đã diễn ra cách đây một năm.

Và bây giờ, ông Trump có lẽ cũng “dàn dựng một kịch bản đối đầu” tương tự để buộc Iran đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận mới. Vipin Narang, nhà khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận xét: “Chính quyền ông Trump rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran bởi đó là những gì được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Obama. Nhưng khi xé bỏ thỏa thuận này, họ đang mở ra chiếc hộp Pandora mới. Trên thực tế, nhiều nhân vật tại Iran cũng không hài lòng với thỏa thuận cũ vì cho rằng họ phải nhượng bộ quá nhiều”.

Giới phân tích đã tỏ ra hoài nghi về mức độ thành công của chiến lược mà ông Trump đang áp dụng với Iran, bởi không giống như Triều Tiên, Iran cũng có những tính toán lợi ích riêng của nước này. Bên cạnh đó, dù Triều Tiên đồng ý ngồi vào đàm phán nhưng nước này lại không chấp nhận lập trường của Mỹ.

Bình Nhưỡng muốn tìm kiếm một quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra theo từng giai đoạn cụ thể để xây dựng sự tin tưởng giữa hai bên, nhưng Washington lại lo ngại cách tiếp cận này sẽ dễ bị Triều Tiên lợi dụng. Đó là lý do tại sao Tổng thống Trump muốn Triều Tiên chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân trước khi đưa ra bất cứ nhượng bộ nào.

Một số ý kiến nhận định ông Trump giống như đang chơi một canh bạc, hoặc sẽ thắng lớn, hoặc kết thúc bằng thảm họa. “Thật nguy hiểm khi áp dụng cùng một chiến thuật với Iran bằng niềm tin sai lầm rằng nó sẽ hiệu quả như Triều Tiên, khi mọi thứ đều chưa rõ ràng và hàm chứa sự mâu thuẫn”, chuyên gia Vipin Narang nhận xét./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)
Nguồn CNN, Channel News Asia

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/de-doa-huy-diet-iran-chien-thuat-khac-cua-tong-thong-trump-911816.vov