Để doanh nghiệp hết 'khát'

Một thực tế đang diễn ra là khi công nghệ càng phát triển, các công ty, doanh nghiệp cơ khí luôn ở trong tình trạng “khát” nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật cao.

Các học viên thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Nhiều chuyên gia nhận định, nhu cầu nhân lực cho ngành cơ khí và chế tạo sẽ ở mức cao trong thời gian tới, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn nữa là phải đào tạo, nâng cao chất lượng lao động ngành này.

* Cung – cầu chưa gặp nhau

Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) dự báo nhu cầu nhân lực liên quan đến cơ khí trong thời gian tới sẽ chiếm khoảng 28% tổng nhu cầu lao động. Trong đó, nhân sự trình độ trung cấp có nhu cầu nhiều nhất, tới 50%, kế đến là cao đẳng – đại học 30%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đến năm 2020, ngành cơ khí, chế tạo chính xác, tự động hóa có nhu cầu lao động trình độ lớn khoảng hơn 20.000 người/năm. Đó là chưa kể đến nhu cầu của các công ty, dự án nước ngoài đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam trong điều kiện hội nhập sâu, rộng.

VAMI cũng cho biết, cả nước có khoảng 14.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm cơ khí. Nhưng chỉ có 12 doanh nghiệp có trên 5.000 lao động và 116 doanh nghiệp có trên 1.000 lao động. Nếu tính theo quy mô vốn trên 500 tỷ đồng thì có gần 100 doanh nghiệp.

Theo ông Đào Xuân Minh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), dù ở các doanh nghiệp Việt Nam hay các doanh nghiệp nước ngoài, những lao động có tính chuyên nghiệp, sáng tạo và có kiến thức về máy móc kỹ thuật cũng luôn được chào đón. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành cơ khí chế tạo luôn rất lớn, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với bài toán thiếu nhân lực cơ khí từ kỹ sư đến công nhân kỹ thuật.

“Đặc biệt, các doanh nghiệp luôn quan tâm tới đào tạo nhân lực đạt chuẩn và trình độ chuyên nghiệp cao, đủ sức cạnh tranh để thắng các hợp đồng EPC, thì vấn đề cơn khát nhân lực lại càng lớn”, ông Minh nói.

Hiện nay, việc gia công đã được tự động hóa tạo thành một quy trình khép kín từ khâu thiết kế đến chế tạo sản phẩm bằng các trung tâm gia công hiện đại; công việc còn lại chỉ là lập trình, đặt chi tiết và nhấn nút. Với những công nghệ như vậy, nhân lực ngành cơ khí càng phải được đào tạo cập nhật trong điều kiện quốc tế hóa ngày càng cao.

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh cho hay, đơn vị đã không ngừng xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực lao động chất lượng cao; tiếp nhận những kỹ sư, kỹ thuật viên trẻ được đào tạo cơ bản với trình độ đại học, cao đẳng, sau đại học và đội ngũ công nhân từ các trường công nhân kỹ thuật, trường đại học kỹ thuật công nghệ. Tuy nhiên, cũng là rất khó để có được những kỹ sư, công nhân tay nghề cao.

Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch VAMI bày tỏ, ngành cơ khí – luyện kim trong nhiều năm qua phát triển “tự phát” và “cát cứ” không theo một quy hoạch tổng thể của nhà nước nên làm phân tán nguồn lực và không thể hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn ngành, khiến cho cung – cầu chưa gặp được nhau.

* Sử dụng nhân lực có hệ thống

Khả năng làm chủ công nghệ, khoa học là rất quan trọng với một doanh nghiệp cơ khí trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0. Để làm được điều đó, doanh nghiệp không thể thiếu nguồn nhân lực cho chất lượng tay nghề cao, tính sáng tạo và nghiên cứu.

Do vậy, việc hợp tác đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp, doanh nghiệp – doanh nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo là hết sức quan trọng, nhằm mục tiêu nâng cao nguồn nhân lực chất lượng, góp phần thu hẹp và tiến tới thực tiễn “đào tạo theo nhu cầu của xã hội và của doanh nghiệp”.

Theo ông Trần Văn Quang, để thu hút và giữ chân những người tài trong việc nghiên cứu phục vụ phát triển của đơn vị, Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh thực hiện trả lương cao tới vài chục triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, mời các kỹ sư giỏi về làm chuyên gia và giao cho các kỹ sư trẻ tiếp cận thực hiện nhiều đề tài khoa học... Cùng với đó, nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, đào tạo phù hợp với dây chuyền sản xuất đã được đầu tư tiên tiến.

Ngoài ra, Tổng công ty cử kỹ sư đi học tập, nâng cao trình độ ở nước ngoài để tìm hiểu bí quyết thiết kế của những nước đi trước; khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động có nguyện vọng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề tại các cơ sở đào tạo, trong và ngoài nước.

Nhờ đó, đến nay, với tỷ lệ nội địa hóa của đơn vị lên đã tới trên 90%, việc chế tạo thành công các máy biến áp truyền tải từ 110 kV đến 500 kV đã trở thành đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 20-30%.

Với một doanh nghiệp cơ khí dầu khí, đạt được nhiều thành công, tiêu biểu như Giàn khoan Tam Đảo 03, Tam Đảo 05... với công nghệ thiết kế, thi công chế tạo rất phức tạp, ông Phan Tử Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty CP Chế tạo Giàn khoan dầu khí (PV ShipYard) cho biết: “Chúng tôi xây dựng nhân lực theo từng bước. Giai đoạn 1: học tập, nhận chuyển giao công nghệ thiết kế, thi công, thiết kế chi tiết, công nghệ thi công chế tạo. Giai đoạn 2: Hoàn thiện công nghệ thiết kế chi tiết, từng bước nghiên cứu, nắm bắt thiết kế cơ sở và giai đoạn 3 là làm chủ thiết kế cơ sở.

Hiện PV ShipYard đang trong giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư vào công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nghiên cứu, thử nghiệm. PV ShipYard đã đề xuất với Nhà nước tiếp tục hỗ trợ đầu tư về đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về thiết kế, chế tạo, chạy thử, hạ thủy và quản lý dự án chế tạo giàn khoan dầu khí.

Trong hợp tác đào tạo, để có hiệu quả nhất, giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo phải xác định rõ được nhu cầu của hai bên, thành lập cơ quan điều phối hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp cơ khí; có các cơ chế thiết lập kế hoạch đào tạo năm...

Ông Đào Xuân Minh cho rằng, đối với các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng nghề phải thực sự đổi mới công tác tuyển sinh đào tạo nhân lực; tuyển sinh đào tạo phải căn cứ vào nhu cầu của xã hội; trong đó chú ý đến cơ khí chế tạo.

Đặc biệt, theo ông Đào Xuân Minh, tăng cường liên kết giữa nhà trường và cơ sở đào tạo với doanh nghiệp cơ khí, đây được xem như giải pháp đột phá. Các cơ sở đào tạo và sử dụng lao động nên quan tâm đến nhu cầu của nhau, tổ chức ký hợp đồng giao kết, hỗ trợ cho nhau trong đào tạo phát triển và cung ứng nhân lực.

Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống công cụ kiểm tra, kiểm sát, kiểm định và đánh giá chất lượng và kết quả đào tạo. Đối với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, cần nhanh chóng nghiên cứu sửa đổi chế độ lương bổng, đãi ngộ với đội ngũ nhân lực cho phù hợp, tạo động cơ phấn đấu và cống hiến của nhân lực trình độ cao.../.

Xem thêm:

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/de-doanh-nghiep-het-khat-/48284.html