Để doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng đề án chọn lựa và xây dựng những doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh, giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Lập tức, thông tin này thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn, gồm vốn, tài sản, đất đai. Nếu được khai thác hiệu quả chắc chắn nguồn lực này sẽ có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia.

Thêm nữa, với nguồn lực sẵn có, khi được củng cố về cơ chế, chính sách, phương thức quản trị…, doanh nghiệp sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Thực tế, việc xây dựng các doanh nghiệp nhà nước mạnh là một chủ trương lớn của Đảng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã đề ra chủ trương hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế…

Nghị quyết số 12-NQ/TƯ ngày 3-6-2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 là củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh ở khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt.

Thực tế, từ năm 2005 đến nay, có 13 tập đoàn kinh tế nhà nước được thí điểm thành lập. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế, cũng như tham gia đầu tư phát triển tại những địa bàn khó khăn…

Nhiều thương hiệu như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)… đang khẳng định vai trò chủ lực, “đầu tàu” ở những lĩnh vực quan trọng như viễn thông, công nghệ cao, tài chính - ngân hàng. Không chỉ vậy, những đơn vị này còn vươn đến tầm khu vực, thế giới; liên tục có tên trong bảng xếp hạng thương hiệu lớn toàn cầu.

Song thực tế cũng có một số tập đoàn làm ăn thua lỗ, để lại nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Những cái tên như Vinashin, Vinalines hay những dự án “đắp chiếu” do doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư là ví dụ điển hình.

Nhìn tổng thể, tính đến năm 2020, cả nước có khoảng 650 doanh nghiệp nhà nước, chỉ chiếm 0,07% tổng số doanh nghiệp, nhưng nắm 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn doanh nghiệp trên thị trường. Dù đóng góp 30% tổng sản phẩm trong nước, nhưng các doanh nghiệp nhà nước được đánh giá là chưa phát huy hết năng lực trong thúc đẩy kinh tế phát triển.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 doanh nghiệp nhà nước được chọn làm “sếu đầu đàn” dựa trên các tiêu chí như quy mô doanh nghiệp, thị trường, quản trị, lĩnh vực hoạt động… Đặc biệt, đây là những doanh nghiệp có khả năng chiếm lĩnh thị trường, có tác động dẫn dắt, lan tỏa như cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế, tạo động lực phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này còn phải có khả năng lan tỏa, dẫn dắt nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung; kết nối được với khu vực doanh nghiệp tư nhân; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững...

Để làm được điều đó, vấn đề cốt lõi là cần đổi mới phương thức quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh. Nhà nước quản lý, đánh giá hiệu quả hoạt động, đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi vào từng hoạt động cụ thể; giao quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp; giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp nhà nước phát triển hạ tầng nền tảng để ứng dụng mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ số; tạo cơ chế cùng hợp tác để phát huy nguồn lực.

Đi đôi với đó, doanh nghiệp nhà nước cũng phải đề cao tính minh bạch, đáp ứng chuẩn mực công bố thông tin quản trị theo thông lệ quốc tế; tăng cường kỷ luật tài chính; phân tách rõ nhiệm vụ công ích với hoạt động kinh doanh; thiết lập cơ chế ràng buộc nhiệm vụ đóng góp với ngân sách…

Để xây dựng nền kinh tế tự chủ, ngoài doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân cũng phải đủ mạnh, vì thế cần có những định hướng phù hợp. Đó là doanh nghiệp nhà nước lớn làm những việc lớn, việc khó, việc mới, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân trong những lĩnh vực khác. Mối quan hệ này là xu thế tất yếu, góp phần hiện thực hóa khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/996077/de-doanh-nghiep-nha-nuoc-lon-manh