Để dòng Hiền Lương lưu dấu những trang sử oanh liệt

Bộ Văn hóa - Thông tin - Du lịch và UBND tỉnh Quảng Trị vừa họp báo công bố Lễ hội Thống nhất non sông sẽ được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam tại hai đầu cầu sông Hiền Lương - Vĩ tuyến 17.

Đây là lần thứ ba lễ hội được tổ chức tại địa danh lịch sử này và là lần đầu được tổ chức ở cấp quốc gia. Lễ hội lần này, ngoài các nội dung thông thường còn có sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật hơn 20 tỉnh trong cả nước. Mấy năm qua, với sự đầu tư lớn của nhà nước, cầu Hiền Lương cũ và một số ngôi nhà cũ, cột cờ đã được phục chế và xây mới, và chỉ tập trung ở hai đầu cầu Hiền Lương. Nhưng giới tuyến quân sự tạm thời theo hiệp định Genêve 1954 là Vĩ tuyến 17, trong thực địa lấy sông Hiền Lương làm ranh giới chia đôi hai miền Nam Bắc, từ Cửa Tùng lên biên giới Việt Lào khoảng hơn 40km. Có vẻ như cho đến nay, con sông lịch sử vẫn bình lặng trong quên lãng với vẻ hoang sơ của đất nông nghiệp, với cư dân thưa thớt, chưa bị làn sóng công nghiệp hóa tràn đến. Mấy công trình nhỏ hai đầu cầu, với nội dung nghèo nàn không đủ sức giữ khách xuyên Việt. Theo chỗ chúng tôi biết, Bộ Quốc phòng đang có dự án khôi phục một đoạn hàng rào điện tử Mc Namara. Bộ Tư lệnh Biên phòng sẽ phục dựng một số đồn liên hiệp quân sự ven bờ Bắc từ Cửa Tùng tới Vĩnh Khê. Mấy nghĩa trang liệt sĩ lớn, trụ sở cách mạng lâm thời, địa đạo Vĩnh Mốc, thành cổ Quảng Trị… là các điểm chính ghi dấu những năm tháng chống Mỹ. Nhưng hình như vẫn nghèo nàn thế nào! Nhân dịp lễ hội lớn - cấp quốc gia - lần này, chúng tôi nghĩ lễ hội sẽ có ý nghĩa thiết thực và lâu bền hơn nếu ban tổ chức có thể đưa thêm một nội dung mới, mở cuộc vận động biến sông Hiền Lương thành nơi lưu dấu hình ảnh những trang lịch sử oanh liệt và hào hùng của thời chống Mỹ. Làm sao để Hiền Lương không chỉ là kỷ niệm buồn của quá khứ chia cắt mà còn tham gia vào đời sống hiện tại và tương lai bằng bài học lịch sử sinh động. Có những công trình cụ thể bền vững để làm bất tử một điểm dừng giàu giá trị tượng trưng trên con đường đi lên của dân tộc cũng như trên chiều dài của con đường thiên lý thống nhất Bắc Nam. Đó sẽ là công trình huy động được tâm nguyện, tài trí, tiềm lực của đồng bào và chiến sĩ cả nước, tương xứng với vị trí lịch sử, ký ức tâm linh của những người đã trực tiếp sống và chiến đấu, cũng như thân nhân của những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ và gìn giữ phần đất thiêng liêng này. Chúng tôi ao ước, để làm chủ công trình kỷ niệm này mà không hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương, cần có một tổ chức quần chúng như Mặt trận Tổ quốc VN đứng ra làm trung tâm vận động nhân lực, vật lực, tài trí thông qua các hội thành viên như Hội Liên hiệp Thanh niên, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, UB Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, và các hội thành viên… để trong vòng bốn năm năm tới Kỷ niệm 60 năm ngày bị chia cắt, 40 năm ngày giải phóng đã hình thành trên đôi bờ sông Hiền Lương công trình tập thể như là một Công viên Thống nhất của cả quốc gia, giữ lại cho muôn đời sau một kỳ tích phi thường của thời đại Hồ Chí Minh. Đó là một việc làm thiết thực và hữu ích trên nhiều ý nghĩa, nếu chúng ta biết rằng, một số lớn các công trình cả nước đang tôn tạo và xây dựng với một kinh phí khổng lồ là của các triều đại quá khứ, tôn vinh các nhân vật, sự kiện, các tôn giáo tín ngưỡng của các thời đại xa xưa. Có thể hình dung sơ bộ nội dung công trình: lấy cầu Hiền Lương làm Trung tâm, từ hai đường song song ở hai bờ tùy địa hình thực địa mà mở rộng chiều ngang theo vùng phi quân sự xưa. Đồng thời với việc khôi phục, tôn tạo, bảo tồn các di tích thời chiến, sẽ chọn các địa điểm thích hợp để hơn 60 tỉnh thành trên cả nước hiện nay - nơi nào cũng từng có con em tham gia chiến đấu cho sự thống nhất đất nước - tạo dựng các công trình lưu niệm theo sáng kiến riêng với một quy hoạch tổng thể, ưu tiên cho việc trồng cây, trồng hoa để tránh ximăng hóa. Ngoài ra, còn các công trình của các đơn vị quân đội, các ngành dân chính đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở đây. Nếu có thể, chào mời và kêu gọi các nước đã tham dự vào cuộc chiến tranh có các hình thức ghi nhớ sự có mặt của họ ở nước ta. Về phía ta, có thể khôi phục các công trình đã có trong chiến tranh: Các đồn liên hiệp quân sự hai bờ; các vị trí trú, đóng quân của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong; Các bến vượt sông; Các trận địa pháo binh mặt đất từng bắn vào Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh…; Công sự chiến đấu các loại, lán trại, bãi trú có hầm chữ A, nơi mắc võng, bếp Hoàng Cầm, vườn rau, sắn tự giác,… để đủ điều kiện cho khách tham quan nếu muốn có thể cắm trại, ngủ lại, tự túc kiếm ăn, sống lại không khí chiến trận và là thao trường cho học sinh, sinh viên trong các khóa học quân sự. Trên cơ sở giữ các khu dân cư hiện có, đào tạo, tập huấn họ thành những người có khả năng giới thiệu du lịch, có thể chọn các địa điểm thích hợp trên chiều dài gần 50km hai bờ xây các công trình tưởng niệm, bảo tàng quy mô vừa phải nhưng đa chức năng, để người tới thăm có thể tìm hiểu diễn biến tình hình các thời điểm, tên các đơn vị tham chiến, các chiến tích đặc biệt. Chúng ta không chỉ ghi công người đã hi sinh mà cả những người còn sống đã trở về trong chiến thắng. Có các điểm lưu giữ và giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc đã viết về vùng đất giới tuyến tạo một không gian âm thanh, hình ảnh thời chiến, gây ấn tượng đặc biệt với khách tới thăm. Tất nhiên, để hình thành một qui hoạch tổng thể cũng như các công trình cụ thể cần huy động sáng kiến và sáng tạo của nhiều người tâm huyết. Đây là một công trình cấp quốc gia, nhưng chúng tôi nghĩ, vì ý nghĩa của nó, phần quan trọng là vận động sự đóng góp tự nguyện của các đơn vị, xã hội, đoàn thể, các doanh nghiệp, cả các cá nhân đã từng sống và chiến đấu ở mảnh đất này, các tỉnh thành có con em tham gia công tác và chiến đấu. Nếu tất cả các tỉnh thành đều tham gia với những vườn cây đặc biệt của mình, những công trình kỷ niệm, chúng ta sẽ thấy đôi bờ Hiền Lương là nơi đoàn tụ của một đất nước thống nhất trọn vẹn và đẹp đẽ, ước vọng ngàn đời của dân tộc. Nếu sáng kiến được thực hiện, là những người lính còn được trở về sau ngày toàn thắng, dẫu không phải ai cũng có đời sống khá giả, chúng tôi nghĩ rằng, khi có lời kêu gọi, mỗi người đều sẵn sàng góp một viên gạch, những viên gạch có khắc tên các đồng đội không trở về, để góp xây dựng một tượng đài nơi sông tuyến xưa. Ngoài mọi ý nghĩa, công trình này khi được thực hiện sẽ giúp cải thiện hình ảnh hoang vắng của vùng đất một thời là tuyến lửa có nguy cơ bị lãng quên, tạo thêm một điểm nhấn cho du lịch lịch sử - sinh thái Quảng Trị, bày tỏ lòng tri ân một địa danh từng gánh chịu nhiều hi sinh to lớn, để đồng bào tại chỗ được hưởng thành quả thiết thực của sự thống nhất đất nước. Rất hi vọng ý tưởng nhỏ được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/de-dong-hien-luong-luu-dau-nhung-trang-su-oanh-liet/20104/181310.laodong