Để du khách đến TPHCM chi tiêu nhiều hơn

Ngành du lịch TPHCM đã phát triển với tốc độ cao trong nhiều năm qua; đóng góp xứng đáng, quan trọng vào kinh tế TP.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với cán bộ Sở Du lịch TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với cán bộ Sở Du lịch TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Cụ thể, ngành du lịch đóng góp lên tới 11% trong cơ cấu GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TPHCM. Tuy nhiên, ngành du lịch TP vẫn chưa khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế sẵn có để bứt phá. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã đưa ra nhận định như trên tại buổi làm việc ngày 29-8 với các sở, ngành, doanh nghiệp (DN) lữ hành tại Sở Du lịch TPHCM.

Cần sản phẩm du lịch ứng dụng

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JTB-TNT, hiện nay du khách nước ngoài đang đến Việt Nam ngày một nhiều hơn. Trong đó, TPHCM chính là một điểm đầu cầu rất tốt. Do vậy, ngành du lịch cần không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu du khách. Có những vấn đề liên quan đến hạ tầng khá nhiều, ví dụ như giao thông vận tải… Tất nhiên, có những vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều, ngược lại có những vấn đề có thể giải quyết ngay trong tầm tay. Chẳng hạn, đối với hạ tầng thông tin dành cho du khách vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, tốc độ cải thiện chậm, mặc dù TPHCM cũng đã có nhiều cố gắng (cải thiện trang web, app du lịch…). “TPHCM nên quan tâm hỗ trợ ngay để du khách đến TP dễ tra cứu, muốn ăn gì, chơi ở đâu, nghỉ ngơi chỗ nào sẽ tìm được ngay… Như thế sẽ tốt hơn”, ông Tấn nói. Về quản lý nhà nước, ông Tấn đề nghị Sở Du lịch TPHCM và cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu về thị trường du lịch hiện tại (các thị trường trọng điểm, thường xuyên ra vào nước ta…). Bởi từng đối tượng du khách ở các thị trường khác nhau sẽ có nhu cầu, sở thích khác nhau, ngành du lịch mới có thể đáp ứng được, dễ bán sản phẩm hơn. Trong đó, tập trung vào các nghiên cứu mang tính ứng dụng nhiều hơn.

Theo ông Tấn, hàng hóa, đồ lưu niệm cũng cần có nghiên cứu, hỗ trợ nào đó để làm sao vừa có thể tiếp thị hàng hóa, quảng bá cho DN nhưng cũng giúp khách đến nhiều hơn để lựa chọn những món hàng thực sự ý nghĩa, hấp dẫn. Việc chúng ta cân đối làm sao để xem xét yếu tố hạ tầng để phục vụ từng đối tượng khách chuyên biệt là rất cần thiết. “TPHCM có 2 điểm đến là Bảo tàng Mỹ thuật TP và Thảo Cầm viên Sài Gòn, được rất nhiều du khách quan tâm, tạo ra hình ảnh về văn minh rất tốt, nhưng TP chưa quan tâm nâng cấp, khai thác”, ông Tấn nói.

Thêm nữa, hàng loạt yếu tố khác liên quan đến an ninh, an toàn, đảm bảo mỹ quan tại sân bay, các điểm đến du lịch… cũng được nhiều hãng lữ hành quan tâm. Trao đổi về vấn đề này, bà Đặng Thị Thy Thanh, Phó Tổng giám đốc BenThanh Tourist, cho biết TPHCM đang có 2 khu phố đi bộ gồm Nguyễn Huệ và Bùi Viện. Trong đó khu phố Bùi Viện được định hướng trở thành tuyến phố đi bộ đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, tuyến phố này còn thiếu điểm nhấn. Ví dụ, với tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ mang tính tham quan, còn khu phố Bùi Viện mang tính trải nghiệm nhiều hơn. Vấn đề an ninh ở các tuyến phố này rất cần được xem xét.

Triển khai tour, tuyến mới

Đại diện một số DN tham dự buổi làm việc tại Sở Du lịch TPHCM đều cho rằng, việc nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới các tour, tuyến du lịch là điều cần thiết để thu hút du khách. Các DN gợi ý, trong quy hoạch tổng thể, TPHCM cần ưu tiên cho các khu vực trung tâm TP, hình thành các bến neo đậu tàu dọc các bờ sông phục vụ hoạt động du lịch, hướng sản phẩm du lịch về các tỉnh miền Tây; phải đi đầu về công nghệ số, kết nối số để quản lý du lịch…

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, cho rằng, hướng tiếp cận giao thông để hút khách về TPHCM cực kỳ quan trọng (đường thủy, đường hàng không, đường sắt, đường bộ). Thế nhưng, đường hàng không của TPHCM thường xuyên quá tải; đường sắt đi vào TP cũng kẹt; đường bộ có phần ì ạch; cảng biển bị đẩy ra ngoài nên khách tàu biển lớn có chi tiêu cao khó tiếp cận TP. DN cũng kiến nghị nên tập trung khai thác các sản phẩm du lịch về đêm (từ 18 giờ đến 2 giờ), vì các sản phẩm này mang lại khoảng 70% doanh thu cho ngành du lịch. Đồng thời, cũng nên đẩy mạnh kết nối mua sắm thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá…

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thông tin, hiện tại sở đang tập trung thực hiện xây dựng Chiến lược Phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030 có chất lượng bằng cách thuê đơn vị tư vấn nước ngoài; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý du lịch… Sở Du lịch cũng chủ động xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của TP. Ví dụ, sản phẩm du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch M.I.C.E, du lịch đường thủy, du lịch vòng quanh TP, du lịch sự kiện…

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cũng cho biết đã trình UBND TPHCM về việc một DN sẽ đưa 50 ô tô điện vào hoạt động gắn với các nhà hàng, khách sạn, sân bay… để phục vụ du khách. Ngoài ra còn có loại hình mô tô điện sử dụng chung của Công ty Công nghệ Thông minh và nếu được TP thông qua, Sở GTVT sẽ thí điểm trước 1.000 xe tại khu vực trung tâm TP. Sở GTVT cũng đang làm việc với các sở, ngành về xe buýt chất lượng cao TPHCM kết nối vùng đi Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Phấn đấu tháng 9 này sẽ đưa xe buýt chất lượng cao vào hoạt động tuyến đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đến thẳng Bà Rịa - Vũng Tàu, hỗ trợ dịch vụ sân bay ở nhà ga và trên xe cho khách.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân:

TP phải là trung tâm đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao

TPHCM cần quan tâm đến quản lý nhà nước về du lịch trên cơ sở những nghiên cứu định lượng để trả lời các vấn đề một cách cụ thể. Ví dụ, hiện nay thống kê cho thấy TP có 1.338 DN lữ hành, 5.239 hướng dẫn viên. Như vậy, bình quân mỗi công ty du lịch có khoảng 4 hướng dẫn viên. Con số này quá ít. Tỷ lệ này vào năm 2016 là 4,4 hướng dẫn viên/DN; năm 2017 còn 4,3 hướng dẫn viên/DN; năm 2018 tỷ lệ này còn 3,9. Nếu qua theo dõi định lượng mới thấy giật mình vì tỷ lệ hướng dẫn viên bình quân tại mỗi DN đang đi xuống. Tôi đề nghị Sở Du lịch cùng ngồi lại, mời 54 trường có đào tạo về du lịch trên địa bàn TP cùng ngồi với nhau bàn cách đào tạo nguồn nhân lực, để TP phải là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chúng ta đủ sức làm điều này, để tới một ngày nào đó TP có thể công bố rằng TP không thiếu hướng dẫn viên. Trong khi đó, chính các DN luôn sẵn sàng, muốn trả tiền cho việc đào tạo, kết thúc việc chưa được chuẩn hóa. Chúng ta phải có liên kết, có chào hàng, có cạnh tranh. TP cần sớm có lộ trình chấm dứt thiếu nhân lực trong ngành du lịch.

Thêm nữa, làm sao để du khách ở lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn cũng cần phải xem xét. Thống kê từ Sở Du lịch, du khách quốc tế lưu trú bình quân tại TPHCM khoảng 5 ngày, tổng mức chi tiêu 145USD vẫn còn quá ít. Nên thu hút làm sao để khách chi 145 USD/ngày. Tương tự, các loại hình du lịch khác như ẩm thực, mua sắm, hội nghị kết hợp… ta cũng nên theo dõi bằng chỉ số định lượng để dễ quản lý, nâng dần chất lượng dịch vụ. Thêm nữa, cũng cần có một chương trình liên kết du lịch với các tỉnh miền Tây. TP nên có hội nghị, ký kết liên tịch với 12 tỉnh, TP khu vực miền Tây về phát triển du lịch liên vùng. Nhân đây tôi cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo nên ít nhất mỗi năm có một lần lãnh đạo Sở Du lịch, lãnh đạo TP đối thoại với DN du lịch (với khoảng 50 DN). Hay nữa thì 6 tháng/lần. Trong quy hoạch, nên có một khu bán hàng lưu niệm Việt Nam cho du khách, hoặc 3 khu, chuyên bán hàng Việt chất lượng cao cho du khách. Làm sao để năm 2019 phải khẳng định được điểm bán này ở đâu, địa chỉ nào và nơi đó miễn thuế tại chỗ cho khách luôn. Ngoài ra, ngành du lịch cũng nên rà soát lại để xây dựng chuỗi sự kiện ẩm thực hàng năm một cách xứng tầm. Chẳng hạn có một cuộc thi các đầu bếp nước ngoài nấu món ăn Việt Nam ngon nhất tại TPHCM. Bởi ẩm thực là thương hiệu, là văn hóa, ngoại giao và du lịch. Đối với ý kiến về việc thành lập tổ tư vấn du lịch, đây là ý kiến nên cân nhắc, vì TPHCM là TP du lịch lớn của cả nước. Ta có thể mời những người Việt Nam ở nước ngoài làm trong lĩnh vực du lịch, thậm chí mời cả công ty du lịch nước ngoài để tư vấn cho TP.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm:

Sớm triển khai du lịch “nhắp chuột”

TPHCM phải đi đầu trong quá trình hội nhập. Hội nhập có nhiều thành tố, trong đó có việc du khách đến tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực nước ta. Lượng khách du lịch quốc tế đến TP lúc nào cũng xấp xỉ 50% lượng khách du lịch quốc tế của cả nước. Vì vậy đòi hỏi trong thời gian sắp tới ngành du lịch TP phải chuyên nghiệp hơn, hướng đến TP du lịch thông minh; đồng nghĩa với việc du khách biết đến TPHCM chỉ qua cú nhấp chuột. Mà yếu tố này cần phải tiên phong so với các ngành nghề khác. Hiện các DN du lịch đơn lẻ họ đã triển khai rồi. Với vai trò chuyên trách, Sở Du lịch cần tham mưu cho các cơ quan chuyên môn. Du lịch thông minh nằm trong chương trình phát triển đô thị thông minh của TP đến năm 2025. Cố gắng trong năm nay Sở Du lịch TP phải trình đề án này cho UBND TP, có gì khó khăn đề xuất ngay để UBND TP hỗ trợ giải quyết.

THI HỒNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-du-khach-den-tphcm-chi-tieu-nhieu-hon-542395.html