Để du lịch cộng đồng thành sinh kế cho người dân địa phương

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch khai thác nguồn tài nguyên sẵn có với sự tham gia của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này phát triển đòi hỏi phải cơ chế quản lý tránh tình trạng phát triển ồ ạt, rập khuôn, thiếu chọn lọc.

Đổi thay từ phát triển du lịch cộng đồng

Nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 30km, bản nhỏ Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) của đồng bào dân tộc H’Mông đang trở thành điểm sáng trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Theo trưởng bản Vàng A Chỉnh, trước đây Sin Suối Hồ từng là “điểm nóng” về tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, khi đưa mô hình du lịch cộng đồng vào hoạt động, trung bình 1 năm bản Sin Suối Hồ đón trên 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Từ một bản nghèo, hiện người dân Sin Suối Hồ đã có của ăn của để khi thu nhập bình quân/người đạt trên 20 triệu đồng/năm.

Khách du lịch thăm quan bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (Lai Châu). Ảnh: Hoài Nam

Tại Diễn đàn Hội chợ du lịch quốc tế 2023 diễn ra tại Indonesia, bản Sin Suối Hồ được khối ASEAN vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất của khối năm 2022.

Thành công trong việc thu hút khách, tạo nguồn thu kinh tế của bản Sìn Suối Hồ là hình ảnh minh chứng cho sự thành công cho mô hình du lịch cộng đồng. Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, sau hơn 20 năm du nhập vào Việt Nam, mô hình du lịch cộng đồng ngày càng được mở rộng trên cả nước, trong đó, phát triển mạnh nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc với Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên... Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Kon Tum. Khu vực miền Nam là các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang...

Doanh nghiệp và du khách thăm quan bản du lịch cộng đồng Sì Thầu Chải (Lai Châu). Ảnh: Hoài Nam

Theo Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh, mô hình du lịch này không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan sinh thái môi trường tự nhiên. “Loại hình du lịch này đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,đồng thời mang đến cho du khách những trải nghiệm đặc sắc về văn hóa dân tộc”- ông Quỳnh nhấn mạnh.

Làm sao để phát triển bền vững?

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động du lịch cộng đồng tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là chưa có sự đầu tư bài bản khiến sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn, trùng lặp, thiếu quy hoạch tổng thể dẫn đến tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm biến dạng văn hóa.

Thực tế phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở một số địa phương cho thấy, sự liên kết giữa chính quyền địa phương - cộng đồng - doanh nghiệp thiếu tính bền vững. Một số địa phương chạy theo thành tích, xây dựng nhiều mô hình thiếu tính thực tế, người dân không được trao quyền nên mô hình du lịch cộng đồng “chết yểu” sau một thời gian ngắn.

Doanh nghiệp và du khách thăm quan bản du lịch cộng đồng Sì Thầu Chải (Lai Châu). Ảnh: Hoài Nam

Ở chiều ngược lại, nhiều nơi phát triển quá “nóng” khiến cung lớn hơn cầu, cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm giảm giá trị cảnh quan, môi trường và văn hóa bản địa. Tình trạng bê tông hóa, mật độ xây dựng lớn, kiến trúc lai căng và xuất hiện những loại hình giải trí không phù hợp... đã làm mai một bản sắc văn hóa địa phương, khiến du khách không muốn quay lại.

Theo Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) TS Phạm Hồng Long, điểm yếu nhất của du lịch cộng đồng là phát triển một cách ồ ạt, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc dẫn đến sản phẩm du lịch ra đời nghèo ý tưởng, rập khuôn. Nhiều nơi bà con đổ xô xây dựng homestay, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức quản lý, cho nên tình trạng dựng nhà lên rồi rơi vào cảnh “đắp chiếu” cũng không ít.

Để khắc phục những yếu kém này, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh cho rằng mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, nghiên cứu, phân tích, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo.

Doanh nghiệp và du khách thăm quan bản du lịch cộng đồng Sì Thầu Chải (Lai Châu). Ảnh: Hoài Nam

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch cộng đồng. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để thu hút vốn đầu tư phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. “Các nhà đầu tư du lịch cộng đồng phải tôn trọng tự nhiên, tôn trọng bản sắc văn hóa và cộng đồng dân cư, tránh kiểu đầu tư manh mún, chộp giật, chỉ quan tâm đến lợi nhuận”-ông Tuấn Anh nêu rõ.

Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng mỗi địa phương cần xây dựng phương án lựa chọn loại hình sản phẩm làm định hướng phát triển du lịch cộng đồng. "Nhưng để làm được điều này cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt... Từ đó định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy”-ông Tuấn nêu rõ.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, muốn du lịch cộng đồng phát triển đòi hỏi cơ quan quản lý cần coi đó là một trong những nội dung không thể thiếu trong các chính sách phát triển du lịch của Việt Nam. Theo đó, chính sách phát triển du lịch cộng đồng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc... Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ thích đáng để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, theo hướng khôi phục và phát triển nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho phát triển du lịch cộng đồng.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-du-lich-cong-dong-thanh-sinh-ke-cho-nguoi-dan-dia-phuong.html