Để được mùa không còn mất giá: Sản xuất theo nhu cầu thị trường

Để hạn chế tối đa hiện tượng được mùa, rớt giá, chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch gieo trồng phù hợp với nhu cầu thực tế, đẩy mạnh liên kết với DN trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tại buổi họp giải cứu củ cải xã Tráng Việt, huyện Mê Linh ngày 20/3.

Người dân mua củ cải tại siêu thị Big C. Ảnh: Lê Nam

Doanh nghiệp vào cuộc giải cứu

Mấy ngày qua, các DN, siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội đã tiến hành giải cứu củ cải cho bà con nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Chỉ sau 3 ngày, các DN, siêu thị, chợ đã tiêu thụ được 100 tấn củ cải. Cụ thể, Công ty CP Nhất Nam tiêu thụ được 8 tấn, Big C Thăng Long 6 tấn, siêu thị Vinmart 5 tấn, Đoàn Thanh niên Hà Nội và một số tổ chức cá nhân 22 tấn, các chợ đầu mối tiêu thụ 25 tấn...

Nhằm tạo điều kiện cho DN và HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt đưa củ cải tới các điểm tiêu thụ trong nội thành, UBND TP đã cho phép 6 xe ô tô vận chuyển được phép di chuyển tất cả các khung giờ trong ngày từ nay đến hết ngày 5/4.
Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Vũ Văn Kỳ cho biết: Hiện người dân có 90ha trồng củ cải giống Hàn Quốc, Nhật Bản; năng suất khoảng 80 tấn/ha. Sau Tết Nguyên đán 2018, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp chưa hoạt động nhiều nên tốc độ tiêu thụ củ cải giảm mạnh. Cùng với thời tiết thuận lợi, củ cải phát triển nhanh, cây cải bị trổ hoa sớm làm giảm chất lượng, không tiêu thụ được nên người dân phải nhổ bỏ.

Liên kết với nhà phân phối
Mặc dù DN và UBND TP Hà Nội đã vào cuộc giải cứu củ cải nhưng để ngăn chặn hiện tượng này tái xuất hiện, đòi hỏi HTX và người dân phải có kế hoạch gieo trồng phù hợp với nhu cầu thực tế, đồng thời DN cần đẩy mạnh kết nối tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ: Hiện người dân không căn cứ vào nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể mà làm theo cảm tính, không liên kết với các DN bán lẻ trong việc tiêu thụ mà dựa vào thương lái dẫn đến việc được mùa, mất giá hoặc bán với giá thấp.

Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi người dân và DN phải đẩy mạnh kết nối, nắm rõ nhu cầu thị trường và các quy định chất lượng sản phẩm, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể. Bên cạnh đó, UBND huyện Mê Linh nên bố trí quỹ đất cho DN và người dân xây dựng kho sơ chế, qua đó nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá trị sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt Đào Ngọc Nam chia sẻ, nhằm đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại, DN đang vận hành “Trung tâm phân phối nông sản thực phẩm an toàn’’. Thông qua Trung tâm, người dân nắm bắt được nhu cầu về số lượng, chất lượng, thời gian và chủng loại sản phẩm thị trường có nhu cầu để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, để ngăn chặn hiện tượng củ cải rớt giá tái diễn, HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cần nâng cao vai trò trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

“Hiện, HTX Dịch vụ tổng hợp thôn Đông Cao mới chỉ đang tiêu thụ được khoảng 7% tổng khối lượng sản phẩm sản xuất ra, đây là con số khá khiêm tốn, do đó HTX cần chủ động liên kết với các DN trong tiêu thụ rau củ quả” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu rõ. Đồng thời đề nghị UBND huyện Mê Linh sớm xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất rau an toàn gắn với chuỗi liên kết, nhằm tạo ra vùng nguyên liệu an toàn, bền vững.

Lê Nam - Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-duoc-mua-khong-con-mat-gia-san-xuat-theo-nhu-cau-thi-truong-312325.html