Để đường dành cho xe đạp phát huy hiệu quả

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đi xe đạp trong đô thị trở thành một xu hướng, trào lưu. Tại Hà Nội, việc thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp ven bờ sông Tô Lịch đã được triển khai nhằm tạo thói quen sử dụng vận tải hành khách công cộng, giao thông xanh cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù có nhiều mặt ưu việt song tuyến đường dường như vẫn chưa đủ hấp dẫn khi thưa vắng bóng người.

Ưu việt nhưng chưa đủ hấp dẫn

Từ ngày 1/2, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội chính thức thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch, dài 2,3km. Phần đường dành riêng cho xe đạp được điều chỉnh từ đường dành riêng cho người đi bộ dọc đường Láng. Đường được tổ chức giao thông hai chiều với chiều rộng 3m, nằm ở phía dọc ven sông Tô Lịch.

Tuyến đường dành cho xe đạp chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Đinh Luyện

Tuyến đường dành cho xe đạp chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Đinh Luyện

Theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường này là nền tảng để kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt. Cụ thể, tuyến đường dài 2,3km kéo dài từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, kết nối với ga Lê Hồng Phong (đường sắt Cát Linh - Hà Đông) và ga S8 (tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội).

Đáng chú ý, để giúp người dân đi lại thuận tiện, trải khắp tuyến đường, Sở GTVT Hà Nội đã cho triển khai dịch vụ xe đạp công cộng tại nhiều điểm. Qua khảo sát, tại khu vực ga Láng và tính rộng khắp trên dọc tuyến đường đã có 7 trạm xe đạp. Các trạm này đều được bố trí ngay điểm dừng xe buýt và ga đường sắt trên cao. Với sự quan tâm đặc biệt, Sở GTVT Hà Nội kỳ vọng đây là tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn Thủ đô, nhằm tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung, cũng như sử dụng xe đạp nói riêng.

Dù có nhiều ưu điểm, tuy nhiên, sau nhiều tháng đi vào hoạt động, tuyến đường này lại chưa hấp dẫn được nhiều người đi xe đạp sử dụng. Theo ghi nhận, trái ngược với tình trạng đông đúc của đường Láng vào các khung giờ cao điểm, đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ ven sông Tô Lịch lại khá vắng vẻ, chỉ lác đác một vài người đi bộ hay đạp xe. Nhiều người dân vẫn lựa chọn đạp xe trên tuyến đường chính, cùng với ô tô, xe máy thay vì sử dụng làn đường này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (quận Cầu Giấy) chia sẻ, đường trở nên vắng là bởi nhiều rác thải bủa vây ở dải phân cách, thậm chí có những nơi tràn cả xuống lòng đường dành riêng. Cùng với đó, việc sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm, nhất là ở các cửa cống xả bốc mùi xú uế rất khó chịu, đã làm ảnh hưởng đến việc thư giãn, vận động trong khi đạp xe, đi bộ của người dân.

Anh Mai Thế Lâm (quận Thanh Xuân) cho biết, bản thân anh hầu như ngày nào cũng sử dụng tuyến đường này, kết hợp cả đạp xe và đi bộ. Với việc có làn đường riêng nhưng ít người sử dụng, theo anh Lâm là sự lãng phí lớn. Bởi trong khi hạ tầng Thủ đô hạn chế, việc dành riêng ra phần đường riêng cho xe đạp và người đi bộ như vậy là sự nỗ lực lớn của các cấp chính quyền. “Tôi thấy rất cần mở rộng thêm tuyến đường này, kéo dài tới khu vực vành đai để kết nối. Nếu được như vậy, tin chắc tuyến đường này sẽ đông đúc hơn” – Anh Mai Thế Lâm đề xuất.

Giải pháp nào cải thiện?

Trên thế giới, mô hình xe đạp công cộng và làn đường dành riêng cho xe đạp công cộng đã đạt được thành công ở nhiều nước. Xe đạp công cộng mang lại những hiệu quả như hỗ trợ vận tải công cộng, bảo vệ môi trường, hạn chế tiếng ồn, giảm ùn tắc giao thông đô thị. Tại Hà Nội, mạng lưới vận tải công cộng lớn có đặc thù là ngõ nhỏ phố nhỏ, ngõ sâu nên từ nơi ở đến nhà ga, bến tàu, xe buýt lên tới hàng km. Do đó, phương án xe đạp công cộng là bước đi đúng và hợp lý.

Nói cách khác, với đặc trưng của Hà Nội, có nhiều ngõ nhỏ, hẹp nên điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải hành khách khối lớn còn nhiều bất cập, trở ngại. Chính vì vậy, xe đạp sẽ là phương tiện trung chuyển và kết nối phù hợp nhất giữa người dân với tàu điện, xe buýt. Việc triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp sẽ góp phần hạn chế xe máy, ô tô, thu hút người dân sử dụng phương tiện xanh, bảo vệ môi trường.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, ở các nước trên thế giới, việc triển khai dịch vụ xe đạp có nhiều thuận lợi như môi trường giao thông rất thuận lợi, thông thoáng; nhận thức của người dân cũng dần chuyển đổi sang nhu cầu đi lại tiết kiệm hơn, xanh hơn, tiện dụng hơn nên cũng chủ động hướng tới loại hình phương tiện này.

Chung quan điểm, nhà văn Nguyễn Văn Học - người giành giải Nhì cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho rằng, trong bối cảnh ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp, Hà Nội và những thành phố lớn khác của cả nước cần quan tâm, đầu tư hơn nữa để biến xe đạp thành phương tiện thân thuộc với từng gia đình, cá nhân. Người dân cần được khuyến khích di chuyển theo công thức: xe đạp/đi bộ - xe buýt - tàu điện và ngược lại.

Trở lại với những giải pháp làm sao để tuyến đường dành cho xe đạp phát huy hiệu quả, chị Nguyễn Thu Hằng (quận Đống Đa) cho biết: Ngoài việc khắc phục vấn đề vệ sinh môi trường và bầu không khí ô nhiễm khiến người dân chưa thật sự thoải mái thì các ngành chức năng cần quảng bá rộng rãi hơn tuyến đường dành riêng cho xe đạp. Khi truyền thông tốt, người dân biết đến nhiều thì tuyến đường sẽ trở nên hấp dẫn. “Có lẽ do mới được triển khai nên tôi thấy chưa nhiều người dân đi trên tuyến đường ưu tiên này. Nhưng tôi tin là trong thời gian sắp tới, khi thấy được lợi ích của tuyến đường này, mọi người sẽ lựa chọn sử dụng xe đạp nhiều hơn, để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường” - chị Nguyễn Thu Hằng chia sẻ.

Thực tế cho thấy, muốn đạt được mục tiêu đưa phương tiện xanh vào đời sống đô thị, giữ vai trò như một loại hình chủ đạo, thành phố Hà Nội cần quy hoạch, phát triển hạ tầng dành riêng cho loại hình phương tiện đó. Nói cách khác, ngoài tuyến xe đạp dành riêng hiện giờ, Thành phố cần nghiên cứu và tổ chức thêm các tuyến đường dành riêng cho xe đạp để việc di chuyển được an toàn, thuận tiện và đồng bộ hơn nữa.

Ngoài ra, để việc di chuyển bằng xe đạp trở nên hấp dẫn hơn thì cần linh hoạt các giải pháp. Chẳng hạn, với hạ tầng giao thông Hà Nội hiện tại, việc đòi hỏi mỗi tuyến đường phố đều phải có làn dành riêng cho xe buýt, lại dành riêng xe đạp, người đi bộ là rất khó khăn, đặc biệt khó khả thi trong bối cảnh quỹ đất dành cho giao thông của Thủ đô ngày càng eo hẹp. Tuy nhiên, nếu Hà Nội tổ chức hợp lý, cho xe đạp lưu thông chung với làn riêng của xe buýt, hoặc kết hợp đi trên vỉa hè sẽ rất khả thi.

Ngoài ra, các ngành chức năng muốn xe đạp khẳng định vai trò hữu dụng của mình thì mạng lưới tàu điện, xe buýt… cũng phải được phát triển mạnh mẽ, hoàn thiện hơn. Ưu điểm hiện tại cho thấy, phương tiện giao thông vận tải công cộng năng lượng sạch được nhân dân Thủ đô đón nhận rất tích cực. Nếu có cách làm bài bản, rốt ráo thì giao thông công cộng lan tỏa đến đâu, vai trò của xe đạp, xe đạp điện sẽ được củng cố tới đó. Vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường không khí nhờ vậy cũng sẽ dần dần được giải quyết một cách căn cơ, triệt để.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-duong-danh-cho-xe-dap-phat-huy-hieu-qua-170714.html