Để giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp thành hiện thực...

Công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đang là yêu cầu cấp thiết đối với nền nông nghiệp với mục tiêu Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia chế biến nông sản của thế giới. Tuy nhiên, nếu không có những đột phá về chính sách cũng như những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ thì giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp sẽ khó thành hiện thực.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, hiện nay, hệ thống công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam có công suất khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm và trên 7.500 doanh nghiệp có chế biến gắn với xuất khẩu. 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông sản có tốc độ tăng trưởng 5-7%/năm và có một số ngành chế biến đã bắt đầu hiện đại hóa. Tuy nhiên, nhìn chung, năng lực chế biến nông sản chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dây chuyền công nghệ còn lạc hậu, công suất chế biến chưa cao. Một số nhóm hàng có tỷ lệ chế biến ở mức thấp như rau, quả chỉ khoảng 10%, chè khoảng 40%...

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc do Chính phủ và Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây với chủ đề: “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, nhiều đại biểu cho rằng, nông nghiệp Việt Nam nếu không giải quyết được nút thắt về công nghiệp chế biến và cơ giới hóa để sản xuất quy mô lớn thì giấc mơ thoát nghèo và làm giàu từ nông nghiệp sẽ khó thành hiện thực.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và những ý kiến của các đại biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải chú trọng vào thị trường nội địa

Thời gian qua chính sách cho nông nghiệp được ban hành nhiều nhưng chưa tập trung. Sau hội nghị này cần phải tập trung vào những chính sách được coi là “cú đấm thép”, tháo gỡ vướng mắc để phát triển cơ giới hóa và chế biến nông sản.

Hiện nay, có những địa phương đã bước đầu làm tốt về cơ giới hóa, đẩy mạnh chế biến nông sản; một số công ty, tập đoàn về nông nghiệp đã có cách làm tốt như Đồng Giao, Lộc Trời, Dabaco, TH TrueMilk, Nafood Group, Richy... Tuy nhiên, có những địa phương, doanh nghiệp vẫn còn yếu kém trong việc ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ chế biến còn yếu, lạc hậu. Tình trạng sản xuất thủ công vẫn còn phổ biến trong ngành nông nghiệp Việt Nam, dẫn tới năng suất lao động rất thấp.

Các địa phương, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sâu, không chỉ hướng tới thị trường xuất khẩu, mà còn phải chú trọng hơn nữa vào thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Bởi đây còn là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân, với người tiêu dùng trong nước. Đây là vấn đề mà thời gian qua các doanh nghiệp chế biến chưa thật sự quan tâm, chú trọng.

Tinh thần lớn của hội nghị là thực hiện tầm nhìn của Việt Nam đến năm 2030 phải đứng vào top 10 quốc gia chế biến rau quả, nông lâm sản của thế giới; đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam phải được cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại. Các ngành hàng chủ lực phải nâng cao năng suất, hiệu quả. Cần xác định như thế để triển khai các giải pháp phù hợp, trọng yếu giúp các địa phương, đất nước có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Khả năng chế biến nông sản còn yếu

10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông sản đã được áp dụng trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp, làm nền nông nghiệp thay đổi mạnh mẽ, từ tự cung tự cấp sang xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân 8-10%/năm trong nhiều năm qua, riêng năm 2019 đạt mức kỷ lục 41,3 tỉ USD.

Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Các nhà máy chế biến nông sản đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động, phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. Với hai ngành hàng quan trọng là lúa gạo, cà phê, trình độ công nghệ chế biến của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình tiên tiến trên thế giới. Còn với hạt điều, công nghệ sơ chế của Việt Nam được đánh giá rất cao trên thế giới.

Thủy sản - một trong những ngành hàng thế mạnh của Việt Nam - có sản lượng chế biến để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa khoảng 4,5-5 triệu tấn/năm; tiêu thụ dạng tươi, sống khoảng 2 triệu tấn/năm...

Các địa phương, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sâu, không chỉ hướng tới thị trường xuất khẩu, mà còn phải chú trọng hơn nữa vào thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Bởi đây còn là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân, với người tiêu dùng trong nước.

Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản của chúng ta không phải là không có yếu kém. Phần lớn các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu bảo đảm về số lượng, chất lượng. Khả năng chế biến của một số ngành hàng nông sản còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (khoảng 10-20%). Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản. Trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp, số lượng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp.

Nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Chỉ có đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên sâu cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao mới đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, áp dụng khoa học công nghệ, nhất là thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp sẽ bảo đảm kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường.

Phó chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam Đoàn Xuân Hòa: Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến

Những năm qua, đầu tư, huy động nguồn lực xã hội vào ngành công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp của nước ta đã có bước tăng trưởng tốt. Tổn thất trong chế biến và sau thu hoạch đối với nhiều mặt hàng nông sản đã giảm. Ví dụ, trước đây, tổn thất trong chế biến rau quả chiếm tới 20%, thì nay đã giảm xuống một nửa. Chỉ tính riêng lúa gạo, hiện mỗi năm chúng ta đã giảm được tổn thất sau thu hoạch ước tính khoảng 6.000 tỉ đồng. Cơ giới hóa cũng góp phần chuyển dịch lực lượng lao động ở nông thôn, thu hút lao động, nhất là lao động trẻ, trở về với nông thôn, nông nghiệp.

Mặc dù vậy, ngành cơ khí chế tạo hỗ trợ cho chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp vẫn còn rất yếu. Các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp cơ khí gần như không mặn mà với việc đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và chế biến của ngành nông nghiệp. Do đó, hầu hết các trang thiết bị cho ngành nông nghiệp vẫn phải nhập khẩu.

Khả năng chế biến của một số ngành hàng nông sản còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (khoảng 10-20%). Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp...

Việc tiếp cận các thiết bị cơ giới hóa, dây chuyền chế biến nông sản của nông dân lẫn doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, mới chỉ giải ngân được khoảng 11.000 tỉ đồng vốn cho vay phục vụ nông dân mua máy nông nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, dù vốn là động lực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc thiết bị. Nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay cho cơ giới hóa chồng chéo với các chính sách khác, chậm và khó triển khai.

Sắp tới, Chính phủ cần có một nghị định riêng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến nông sản có liên kết với nông dân trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay phục vụ cho cơ giới hóa cũng như đầu tư thiết bị máy móc chế biến, được hưởng lãi suất ưu đãi, thậm chí bằng 0%. Các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp cũng cần được hỗ trợ với nhiều chính sách cả về vốn vay, đất đai, đầu tư, đào tạo...

Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam: Ngành thủy sản có nhiều cản ngại

Thủy sản đã đi trước để xâm nhập thị trường EU từ năm 1995 - 1999. Năm 1999, Việt Nam được vào danh sách xuất khẩu vào châu Âu với 19 doanh nghiệp đầu tiên, từ đó kéo theo đầu tư cho công nghệ, thiết bị để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Lĩnh vực chế biến là trung tâm để kéo cả chuỗi sản xuất - xuất khẩu thủy sản. Đến nay, có 559 nhà máy chế biến thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, gấp 30 lần so với cách đây 20 năm.

Hiện nay, ngành thủy sản đang gặp phải nhiều cản ngại. Cụ thể, nguyên liệu phục vụ việc chế biến còn thiếu. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu của Việt Nam còn cao hơn 10-20% so với một số nước sản xuất thủy sản cạnh tranh với nước ta như Ấn Độ, Thái Lan. Tiếp đó là việc thiếu lao động phổ thông, lao động có trình độ cao. Trong ngành thủy sản đã có doanh nghiệp đầu tư những thiết bị rất hiện đại để giảm giá thành xuống 30-40%. Nhưng dù công nghệ hóa hay cơ giới hóa thì nhân lực chất lượng cao vẫn là yếu tố rất cần thiết. Về vấn đề liên kết, ngành thủy sản còn thiếu một “nhạc trưởng” để chỉ huy. Đây là một nút thắt cần quan tâm. Cuối cùng là tín dụng trong ngành nông nghiệp còn hạn chế, được đánh giá là có rủi ro cao.

Một vấn đề nữa, cần có chính sách tích tụ đất đai để tạo ra sản xuất lớn. Ngành thủy sản mong muốn Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, có chính sách “cởi mở” hơn với lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát để tháo gỡ cho ngành thủy sản những vướng mắc tại quyết định tạm thời số 190 áp dụng cho công việc chế biến thủy hải sản nặng nhọc, độc hại khiến ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá an sinh, không tận dụng được nguồn lao động hữu ích ở các địa phương.

Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét và có những chính sách “cứng rắn” với những dự án nông nghiệp không có hiệu quả.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Đinh Cao Khuê: Vùng nguyên liệu quyết định sự tồn tại

Trong lĩnh vực rau quả, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU mang lại nhiều thuận lợi cho nhóm hàng rau quả tươi và rau quả chế biến. Hiện chúng tôi đã đầu tư ở Ninh Bình, Bắc Giang, khánh thành một nhà máy chế biến rau quả ở Gia Lai. Thời gian gần đây có ảnh hưởng của Covid-19, song không gây biến động mạnh về giá cả. Chúng ta vẫn xuất khẩu tới 40% hàng rau quả với giá cao sang Mỹ, EU.

Vùng nguyên liệu quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà máy chế biến nông sản. Chúng ta có vùng nguyên liệu tập trung và phi tập trung. Vùng nguyên liệu tập trung là liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã, với nông dân, bởi doanh nghiệp rất khó có được những diện tích đất hàng chục nghìn ha. Cần xác định đối thủ, tạo thế cạnh tranh riêng. Ví dụ như chanh leo, Lâm Đồng, Sơn La có độ cao địa hình, phát triển mạnh hơn Trung Quốc, Peru, Ecuador. Xoài cần cạnh tranh với Ấn Độ, nhưng chúng ta có xoài Cát Chu rất mạnh. Chúng ta nên đi song song giữa xuất khẩu tươi và chế biến.

Cơ giới hóa gắn liền với sản xuất, chế biến nông sản. Như Thủ tướng đã nói, phải cơ giới từ sản xuất giống, phải hiện đại. Về làm đất, chúng tôi thấy máy móc đã tương đối đủ và tốt. Chuyện nghiên cứu lớn, nghiên cứu cơ bản, chúng ta nên giao cho các trường đại học, các viện nghiên cứu; còn nghiên cứu ứng dụng nên giao cho doanh nghiệp.

Nhà sáng lập Tập đoàn TH Thái Hương: Đột phá, không đi theo lối mòn cũ

Nông nghiệp Việt Nam cần có thay đổi về tư duy. Đó là sự đột phá, không đi theo lối mòn cũ. Chỉ nói về công nghệ là không đủ mà phải nói tới khoa học quản trị. Muốn bán được hàng phải có thương hiệu, phải có cơ chế chính sách, có văn hóa doanh nghiệp... Nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cần đi theo hướng hữu cơ. Nhưng để đạt được trình độ nông nghiệp hữu cơ là cả một con đường dài và còn rất nhiều việc phải làm.

Khi chúng tôi định vị sản phẩm thì lợi nhuận vẫn là vấn đề sau cùng. Ngày nay, khi chúng ta đưa ra được bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, thì chất lượng sản phẩm nông sản sẽ đi theo con đường phát triển bền vững.

Việc tiếp cận các thiết bị cơ giới hóa, dây chuyền chế biến nông sản của nông dân lẫn doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, mới chỉ giải ngân được khoảng 11.000 tỉ đồng vốn cho vay phục vụ nông dân mua máy nông nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu. Các doanh nghiệp vẫn chưa được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc thiết bị.

Đức Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/de-giac-mo-lam-giau-tu-nong-nghiep-thanh-hien-thuc-565803.html