Để giảm bớt rủi ro khi đầu tư vào startup

Đi cùng sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp, đã có những nhà đầu tư cá nhân đặt chân vào lĩnh vực này. Trong số đó, có người đã dày dạn kinh nghiệm khởi nghiệp hoặc xuất thân từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng có người thiếu kinh nghiệm nhưng quan tâm nên tham gia. Với các nhà đầu tư mới, không dễ để làm tốt ngay lần đầu tiên cũng như tránh được những va vấp.

Cách đây hơn bốn năm, khi Mai Trường Giang - Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng bánh Chewy Junior - mở thêm chuỗi cà phê Startup Coffee, anh không gặp nhiều khó khăn để huy động vốn từ những nhà đầu tư cá nhân, là những người đã quen biết anh trước đó. Đó là lần đầu tiên anh gọi vốn và cũng là lần đầu những người quen của anh góp vốn vào một công ty khởi nghiệp. Cả hai bên, do thiếu kinh nghiệm, đã không làm rõ kỳ vọng của nhau khi bắt đầu một mối quan hệ mới. Nhà đầu tư kỳ vọng dự án sinh lời ngay năm hoạt động đầu tiên. Thực tế thì điều này là bất khả thi. Năm đầu tiên, Startup Coffee lỗ và lỗ. Các nhà đầu tư từ chối góp vốn ở năm tiếp theo. Mối quan hệ giữa hai bên rơi vào bế tắc. Giờ đây, Giang đã có thêm kinh nghiệm để lựa chọn nhà đầu tư cá nhân. Và hẳn, các nhà đầu tư đi cùng anh năm đó cũng rút ra những bài học cho riêng mình khi đồng hành cùng các công ty khởi nghiệp.

Sau mỗi sai lầm, kiến thức, kinh nghiệm lại được tích lũy nhưng nếu không được chia sẻ, những người mới bước chân vào lĩnh vực này sẽ gặp lại những sai lầm mà lẽ ra họ hoàn toàn có thể tránh nếu biết được.

Xin kể thêm câu chuyện gần đây của một nhà đầu tư cá nhân khác được ghi nhận qua chia sẻ từ ông Phan Đình Tuấn Anh, người sáng lập Angels 4 Us - một cộng đồng nhỏ các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam.

A, một doanh nhân ở Hà Nội, có một khoản tiền nhàn rỗi và quan tâm đến khởi nghiệp nên quyết định đầu tư vào một startup B hoạt động trong lĩnh vực kết nối dịch vụ thể thao. Nói ngắn gọn, B kết nối người chơi thể thao với các trung tâm tương ứng tại Hà Nội và TPHCM.

Ấn tượng với những gì B thuyết trình, A quyết định đầu tư 200 triệu đồng để B phát triển thị trường, thu hút khách hàng như đề nghị của những người sáng lập dự án. Khoản vốn cung cấp được chia làm hai đợt, mỗi đợt 100 triệu đồng. Sau đợt góp vốn đầu tiên, nhân một buổi gặp gỡ, A chia sẻ cùng ông Tuấn Anh về thương vụ mới của mình. Khi ông Tuấn Anh đặt các câu hỏi liên quan, như: “Đối tượng khách hàng cần thu hút ở đây là ai? Trung tâm thể thao hay người chơi thể thao? Các chỉ tiêu được đặt ra như thế nào?...”, A bối rối vì đã không làm rõ những điều này khi làm việc cùng B lúc ban đầu. Khi A quay lại hỏi B đúng những câu hỏi ở trên thì B cho rằng A đã không tin tưởng vào dự án, không giữ đúng lời hứa đầu tư. Mối quan hệ của họ gặp phải vấn đề.

Vấp váp trên tưởng chừng rất cơ bản nhưng sao nhà đầu tư cá nhân vẫn gặp phải? Trả lời câu hỏi này, theo ông Tuấn Anh, cần nhìn vào nền tảng xuất phát điểm của những nhà đầu tư cá nhân để có thể đưa ra lý giải phù hợp.

Ví dụ thế này, một số doanh nhân kinh doanh theo phương thức truyền thống. Họ mua hàng giá 10 đồng, bán 12 đồng, lợi nhuận tính ra dễ dàng. Khách hàng cũng có sẵn. Mô hình kinh doanh quen thuộc. Thế nhưng thế giới khởi nghiệp thì khác. Lấy chính dự án kết nối thể thao nêu trên để phân tích, ta thấy A có đến hai khách hàng khác nhau. Một là các trung tâm thể thao. Hai là người chơi thể thao. A đang tham gia thị trường hai mặt (two-sided market), và dựa trên hai mặt đó, có thể phát sinh nhiều cách kiếm tiền khác nhau mà tính khả thi của mỗi cách hoàn toàn chưa được kiểm chứng. Dự án có thể thành công nhưng cũng có thể thất bại trong quá trình thử nghiệm tìm kiếm mô hình phù hợp.

“Những viễn cảnh khi đồng hành cùng startup, thường thì nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm không hình dung hết được. Họ thiếu một bộ công cụ hướng dẫn khi tham gia đầu tư vào những mô hình kinh doanh mới mẻ. Và như vậy, những trục trặc xảy ra là điều rất bình thường”, ông Tuấn Anh nhận xét.

Thật ra, công bằng mà nói, đầu tư vào các startup luôn mang nhiều yếu tố rủi ro. Dù là quỹ đầu tư mạo hiểm hay là nhà đầu tư cá nhân cũng đều phải đối diện với điều này, tuy vậy, điểm khác biệt là một bên hiểu được rủi ro nằm ở đâu và chấp nhận đánh cược; một bên là lựa chọn theo kiểu may rủi.

Để tránh những may rủi như vậy, trang bị những kiến thức đầu tư khi làm việc với các startup là điều cần thiết. Có nhiều cách để thực hiện điều này. Tham gia vào một mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân là một cách. Cách thứ hai đó là tham dự hội trại đào tạo cho nhà đầu tư (Bootcamp for investor) mà đề án tăng tốc khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley tổ chức định kỳ hàng năm.

Một hội trại như vậy, theo bà Thạch Lê Anh - người chủ nhiệm đề án tăng tốc khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley, thường kéo dài từ 3-4 ngày. Ở đó, nhà đầu tư được trang bị những kiến thức căn bản như cách đánh giá một startup, thời điểm thoái vốn, cách thức thoái vốn... Bên cạnh đó, họ được kết nối với các vườn ươm, mạng lưới chuyên gia và những nhà đầu tư kinh nghiệm khác.

Xin chia sẻ thêm một cách khác, tốn thời gian hơn nhưng an toàn hơn. Trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư có thể trở thành mentor gắn bó với người sáng lập dự án khởi nghiệp trong thời gian 9-12 tháng. Để chi vậy? Thứ nhất, để hiểu một công ty khởi nghiệp vận hành như thế nào, khác với doanh nghiệp nhỏ và vừa ra sao. Thứ hai, để hiểu tính cách người sáng lập dự án khởi nghiệp. Qua đó, có thể tự đánh giá khả năng hợp tác của hai bên. Trong trường hợp này, xin được làm rõ rằng không phải ai làm mentor cũng với mục đích trở thành nhà đầu tư. Tuy vậy, cũng không ai cấm một mentor đồng hành với startup ở vị trí nhà đầu tư.

Đức Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/165690/de-giam-bot-rui-ro-khi-dau-tu-vao-startup.html