Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển xanh, bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng

Để chủ trương đúng đắn đi vào thực tiễn, cần có các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, các định hướng, dự án ưu tiên với sự đầu tư dẫn dắt của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương,tinh thần hành động của cả hệ thống chính trị, sự sáng tạo, vai trò hạt nhân của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Ngày 23/11/2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với 5 quan điểm, 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp là cơ sở để các cấp, các ngành thể chế hóa, triển khai xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện nhằm tạo các động lực mạnh mẽ cho vùng Đồng bằng Sông Hồng tăng trưởng, tiếp tục khẳng định vụ thế là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

 Tập trung phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Hồng (Ảnh: PV)

Tập trung phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Hồng (Ảnh: PV)

Trong tiến trình phát triển, khai thác và phát huy các thế mạnh của vùng về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên là ưu tiên hàng đầu; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai. Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo các cam kết quốc tế của Việt Nam. Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững đất đai; bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất. Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước. Cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường nước tại lưu vực các sông. Giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách tại thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các đô thị khác, nhất là rác thải, khí thải, ô nhiễm nước các sông trong nội đô. Tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia; ứng phó, giải quyết các sự cố, phục hồi môi trường vùng ven biển.

Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vùng cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Phát huy tiềm năng, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương; xây dựng tài nguyên số; giải quyết những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất

Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm 2023 sẽ tiếp tục đổi mới chính sách đất đai,tạo lập hành lang pháp lý cho quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt mối quan hệ Nhà nước - Thị trường - Xã hội trong phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quảtạo động lực để phát triển.

Tuy nhiên, với vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, Hà Nội và một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng cần chủ động có các cơ chế thí điểm về phân cấp thẩm quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cạnh tranh vượt trội; các cơ chế về quản lý, sử dụng đất đa mục đích, tạo quỹ đất bên cạnh các công trình hướng tuyến giao thông, quỹ đất phục hồi ô nhiễm, đất lấn biển để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, dự án có tính chất động lực và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất phát huy được các nguồn lực từ đất đai cho phát triển, đặc biệt là giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lực, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng.

Tập trung triển khai công tác quy hoạch, phân bổ hợp lý nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng, quy hoạch tỉnh, TP của vùng, các chương trình, kế hoạch, đề án để hướng tới quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Quy hoạch hệ thống đô thị, các khu công nghiệp, dịch vụ, logistic,… gắn kết theo các hướng tuyến giao thông; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư hạ tầng, tạo sức lan tỏa; kết nối không gian phát triển, là cửa mở ra ra khu vực, ra thế giới của cả vùng và Vùng Trung du miền núi Phía Bắc.

Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai tạo lập tài nguyên số; vận hành hệ thống thông tin dữ liệu về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, tích hợp, liên thông. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển chính quyền số, kinh tế số, phù hợp yêu cầu đổi mới sáng tạo, mô hình chính quyền đô thị.

Rà soát các vướng mắc về đất đai sau các kết luận thanh tra, kiểm tra, các tồn tại vướng mắc do lịch sử để lại, đề xuất phương án xử lý để trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm giải phóng nguồn lực đầu tư của nhà nước, của xã hội cho phát triển.

Khai thác tiềm năng lợi thế về biển để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển

Tập trung rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, pháp luật trong quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, nâng cao hiệu quả thực thi; khai thác tiềm năng để phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển phía Bắc với khu vực trọng điểm phát triển ở Hải Phòng- Quảng Ninh là trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện - Đình Vũ (Hải Phòng)- Yên Hưng - Cái Lân - Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Thúc đẩy các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch, dịch vụ biển ở Quảng Ninh với khu du lịch trọng điểm quốc gia Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; Thúc đẩy chuyển đổi xanh trong kinh tế hàng hải, công nghiệp ven biển, hình thành các trung tâm công nghiệp xanh thân thiên môi trùong ven biển, hệ thống các cảng xanh. các ngành kinh tế biển mới. Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với Trung tâm nghề cá lớn Hải Phòng được đồng bộ trong hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hoạt động trong ngư trường vịnh Bắc Bộ. Khuyến khích phát triển các mô hình gán bảo vệ, bảo tồn với phát triển du lịch biển và nuôi trồng thủy áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, năng suất cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng; thúc đẩy phát triển hạ tầng về môi trường, tái chế, xử lý chất thải, nước thải

Quy hoạch cảnh quan môi trường, hệ thống BVMT hiệu quả cho vùng (Ảnh: PV)

Triển khai quy hoạch môi trường và quy hoạch phát triển mạng lưới quan trắc môi trường (bao gồm cả không khí) làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường.

Đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường. Khai thác tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo. Tăng cường kết nối, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăngcường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Quy hoạch đô thị hóa bền vững, phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển không gian xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, chống chịu với biến đổi khí hậu.

Chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; thực hiện lộ trình áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.Giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường.

Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải cấp vùng và liên tỉnh có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải. Ban hành các quy chuẩn công nghệ, các quy định về phí dịch vụ môi trường, các cơ chế, chính sách về đất đai, đầu tư,…thu hút các nhà đầu tư trong xử lý, tái chế rác thải, xử lý nước thải; ưu tiên phát triển các công nghệ xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, thân thiện môi trường.

Nghiên cứu, xây dựng triển khai một số chương trình/dự án trọng điểm nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng, bức xúc hiện nay để có lộ trình thực hiện xong trong 5 -10 năm tới, như: (1) Chương trình/dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các đô thị, trước mắt tập trung cho các đô thị trên các LVS lớn như: sông Cầu, Nhuệ - Đáy; (2) Dự án tăng cường năng lực, đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường... (3) Lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; phát triển hệ thống trạm quan trắc không khí tự động ở các đô thị lớn; thường xuyên đánh giá, theo dõi, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây tác động đến sức khỏe cộng đồng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn (MRT); ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường (xe đạp, xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo). Tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, rà soát, hoàn thiện và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cao hơn mức bình quân của cả nước. Kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng đô thị; thực hiện lộ trình di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng.

Tiếp tục tăng cường huy động nguồn lực quốc tế phục vụ cho bảo vệ môi trường (BVMT) và cho việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường. Lồng ghép các nội dung phù hợp với mục tiêu BVMT của vùng Đồng bằng sông Hồng trong các cơ chế hợp tác như APEC.

Rà soát, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; chủ động giám sát các đối tượng, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường.

Duy trì và tăng cường hiệu quả mô hình tổ giám sát đối với dự án, cơ sở sản xuất lớn; các tổ hợp dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp quy mô lớn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao. Phát huy hiệu quả của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin về ô nhiễm môi trường của trung ương và địa phương, mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp huyện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường ngay từ cơ sở.

Ban hành các quy chuẩn về kiểm toán môi trường tại doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và đảm bảo sự thống nhất quản lý về kiểm toán môi trường tại doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán môi trường tại doanh nghiệp đạt hiệu quả.

Quản lý chất thải rắn (CTR), trọng tâm là quản lý tốt CTR sinh hoạt, chất thải nhựa. Đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là chế định về di sản thiên nhiên và chi trả dịch vụ hệ sinh thái. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thúc đẩy các mô hình, điển hình về BVMT...

Thiết nghĩ, để chủ trương đúng đắn đi vào thực tiễn, cần có các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, các định hướng, dự án ưu tiên với sự đầu tư dẫn dắt của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương,tinh thần hành động của cả hệ thống chính trị, sự sáng tạo, vai trò hạt nhân của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết cùng với các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động; đặt quyết tâm cao cùng hệ thống chính trị hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng./.

Hân Nguyễn

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai/de-giam-thieu-o-nhiem-moi-truong-phat-trien-xanh-ben-vung-vung-dong-bang-song-hong-632113.html