'Để gió cuốn đi'

Chúng ta thường dùng câu 'Nhân vô thập toàn' để dỗ dành bản thân khi làm sai một điều gì đó hoặc để biện minh về hành vi của mình và mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ.

Cũng có khi điều đó là để bao biện cho một người thứ ba mà mình muốn bảo vệ hay cố thuyết phục ai đó trong từng tình huống cụ thể. Có lẽ, câu nói này cũng có tác dụng như một liều thuốc giảm đau để trung hòa cảm xúc và cân bằng những trạng huống xảy ra trong đời.

Con người không có ai hoàn hảo cả. Trong hành trình làm người, chẳng ai dám khẳng định rằng mình chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với ai, chưa sai phạm trong công việc, chưa vô tình hoặc cố ý làm người nào đó tổn thương.

Và ngược lại, sẽ có nhiều người, nhiều mối quan hệ đã ít nhiều khiến niềm tin của chúng ta đổ vỡ. Những tổn thương ấy có khi đã lành nhưng những vết sẹo để lại đôi lúc lại khiến lòng nhức nhối.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Mỗi người sẽ có một cách để tự chữa lành cho mình. Người thì nhẹ lòng buông bỏ cho qua. Người lại ôm nỗi đau chờ ngày trả lại. Dẫu chọn cách nào thì rõ ràng rằng trong lòng họ đã có những tháng ngày trải nghiệm nỗi đau cùng sự trăn trở, day dứt khôn nguôi.

Từ nhỏ, chúng ta được cha mẹ dạy cho câu “xin lỗi” khi lỡ làm điều gì sai quấy và lời “cảm ơn” khi ai đó giúp đỡ mình. Hẳn là trong cuộc đời mình, chúng ta đã sử dụng 2 từ đó rất nhiều. Thực ra, khi nhận về từ “xin lỗi” của người khác cũng là lúc từ “tha thứ” xuất hiện và chúng ta lại dằng co nội tâm để có thể thong thả gật đầu. Vậy, việc tha thứ liệu có dễ dàng?

Tôi thường lùi lại một nhịp trước những việc xảy ra để chọn cho mình một cách ứng xử phù hợp nhất trong mọi tình huống. Khoảng lặng ấy là lúc tôi tự đấu tranh với chính mình, lắng nghe trái tim mình lên tiếng. Công thức lùi lại một nhịp luôn giúp tôi giữ được sự bình tĩnh và vượt qua các trạng huống cảm xúc, đặc biệt là sự tha thứ.

Thế nhưng, để làm được điều ấy cũng không hề dễ dàng. Học và hành được sự bao dung thực sự khó. Chỉ có sự bao dung mới làm cho lòng mình mở ra những miền thanh thản nhẹ nhàng. Khi chúng ta trao đi sự tha thứ cho người, như gieo một hạt giống lành, để một ngày nào đó nếu lỡ chúng ta vô tình làm ai đó đau lòng, biết đâu chúng ta cũng sẽ nhận lại được sự tha thứ của người.

Nhà tâm lý học người Mỹ Everett Worthington cũng từng nói: “Có rất nhiều lợi ích cho người biết tha thứ. Nó làm giảm sự suy ngẫm vốn đang lặp đi lặp lại mọi thứ trong tâm trí chúng ta”. Vậy hóa ra, khi ta mở lòng, hạnh phúc sẽ nhẹ nhàng đến với mình. Ấy chính là sự giải thoát cho ta khỏi những cảm xúc tiêu cực để tâm hồn được thư thái, an lành hơn.

Trong đời, hẳn là ta sẽ gặp một vài biến cố. Vượt qua hay gục ngã đều phụ thuộc hoàn toàn ở ý chí, nghị lực và sức chịu đựng của chính mình. Vậy nên, hãy đặt nỗi buồn của mình ở lại và tiếp tục bước đi. Lòng vị tha sẽ là dòng suối mát lành, nơi đó thân tâm ta sẽ được thanh thản.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Và, khi đó, điều còn lại cùng chúng ta sẽ là những hạnh phúc dịu dàng, bình dị.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/de-gio-cuon-di-post278397.html