Để giới trẻ không 'quay lưng' với âm nhạc truyền thống

'Tinh hoa nhạc Việt' là một trong những dự án âm nhạc truyền thống đầu tiên hướng đến đối tượng là sinh viên do Cung Thanh niên Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức.

Chương trình âm nhạc “Tinh hoa nhạc Việt” số đầu tiên thu hút đông đảo sự quan tâm của khán giả. Ảnh: H.M

Bức tranh âm nhạc đa sắc màu

“Tinh hoa nhạc Việt” số 1 là bức tranh đa màu sắc về âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam khu vực Bắc Bộ gồm: Hát Xẩm, Hát Văn, Ca Trù và Chèo với phần trình diễn của các nghệ sĩ tên tuổi gồm NSND Thanh Hoài, Mai Tuyết Hoa, Văn Phương, Phạm Đình Dũng, Xuân Hải...

Chuỗi chương trình âm nhạc nằm trong những hoạt động nhằm nỗ lực đưa âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam tới gần hơn với giới trẻ, thanh niên, sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động này là một trong những mong muốn cũng như tâm huyết của cá nhân nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long trong nhiều năm qua. Thông qua đó, giới trẻ sẽ hiểu hơn về từng loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam, từ đó thêm yêu và trân trọng vốn di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc.

9 tiết mục trình diễn bởi 10 nghệ sĩ tên tuổi đã vẽ lên bức tranh âm nhạc cổ truyền đa màu sắc với hát xẩm, hát văn, ca trù và chèo, tạo dấu ấn mới về nhạc cổ truyền trong các bạn sinh viên. Dẫn dắt bằng câu chuyện chính là điều mới lạ của “Tinh hoa nhạc Việt”, về ý nghĩa nhân vật, nhạc cụ, trang phục khiến nhạc dân tộc trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn với giới trẻ.

Chương trình âm nhạc mặc dù không sang chảnh về hình thức nhưng hướng khán giả tới nội dung thông tin và giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật cũng như tính giải trí của mỗi một nghệ thuật, một tiết mục. Đối tượng khán giả chính của “Tinh hoa nhạc Việt” số đầu tiên là các sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Bên cạnh đó, chương trình đón chào các khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ yêu nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc tới tham dự.

Mang âm nhạc truyền thống đến gần giới trẻ

Hiện nay, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một. Một bộ phận lớn giới trẻ đến với âm nhạc đều theo thị hiếu hiện đại, tiếp nhận dòng nhạc ngoại lai, xa cách những làn điệu dân gian vốn rất quen thuộc từ thuở nằm nôi và rất ít người biết đến những loại hình âm nhạc truyền thống.

Theo nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long, âm nhạc truyền thống là nghệ thuật được đúc kết từ hàng trăm năm nay, là viên ngọc quý thể hiện tinh thần và khẳng định giá trị của âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay người trẻ chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về âm nhạc truyền thống cũng như các tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam.

Trong suốt chặng đường dài hoạt động âm nhạc với nhiều buổi giao lưu, chia sẻ, diễn giải về những giá trị nghệ thuật, văn hóa dân tộc Việt Nam, nhạc sĩ - nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long luôn trăn trở làm sao để có những chương trình âm nhạc mang tính diễn giải để các bạn trẻ có thể thấy, cảm nhận được vẻ đẹp nên từ lâu đã ấp ủ ý tưởng thực hiện “Tinh hoa nhạc Việt”.

Để có thêm sức hút, nhiệm vụ trong tương lai là khai thác yếu tố truyền thống để đi vào các tác phẩm mới, hoặc âm nhạc truyền thống tiếp nối dòng chảy, có sự phát triển, vẫn mang tính chất dân gian dựa trên các nguyên tắc cơ bản như làn điệu, thang âm điệu thức, màu sắc... Theo đánh giá của thầy Nguyễn Đức Linh, giảng viên ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, xu hướng thẩm mỹ về âm nhạc của giới trẻ thời nay khá đa chiều. Vì vậy cần tổ chức thêm nhiều chương trình giống như “Tinh hoa nhạc Việt” để kêu gọi và thu hút thế hệ trẻ phát huy và gìn giữ vốn văn hóa truyền thống, lưu giữ và phát triển lên một tầm cao mới, đưa sự đa dạng của văn hóa Việt Nam ra thế giới.

HƯƠNG MAI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/de-gioi-tre-khong-quay-lung-voi-am-nhac-truyen-thong-636473.ldo