Để gói hỗ trợ hiệu quả cần cả trách nhiệm doanh nhân-doanh nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung và nguồn lực Chính phủ có hạn, tinh thần trách nhiệm của mỗi doanh nhân-doanh nghiệp cũng cần nâng cao và nỗ lực.

Không chỉ có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng với những hạng mục nhất định góp phần “nâng bước” các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ đã-đang và sẽ có những chương trình hành động cụ thể-trực diện với hy vọng các doanh nghiệp trụ được.

Rồi sau giai đoạn hồi sức, thị trường sẽ có thể xuất hiện những doanh nhân-doanh nghiệp khỏe mạnh và vững mạnh vượt trội, đóng góp vào tăng trưởng chung. Để điều đó trở thành hiện thực, không chỉ phụ thuộc vào nguồn ngân sách cùng những chủ trương chính sách thoáng mở từ Chính phủ; không chỉ phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp sẽ tận dụng sự hỗ trợ này như thế nào, mà trước hết, còn phải bắt đầu từ trách nhiệm xã hội của doanh nhân-doanh nghiệp.

Trước hết, cần khẳng định, tất cả các cá nhân-doanh nghiệp đều chịu tác động của dịch Covid-19. Đa phần trong số đó là những tác động tiêu cực và thông tin hoạt động cầm chừng, với nguy cơ sụp đổ của rất nhiều doanh nghiệp không phải là nói quá.

Doanh nghiệp phải thích ứng để vượt qua khó khăn giai đoạn này, phải tái cấu trúc quản trị, tiếp thị và đặc biệt là chuyển đổi số.

Doanh nghiệp phải thích ứng để vượt qua khó khăn giai đoạn này, phải tái cấu trúc quản trị, tiếp thị và đặc biệt là chuyển đổi số.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp, Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội chỉ rõ: "Trong chu kỳ kinh doanh, vòng đời từ lúc đầu tư cho đến sinh ra tiền kéo dài. Những doanh nghiệp đầu tư lớn, sức chịu đựng của họ tốt hơn, trong khi những khu vực chủ yếu sống bằng các nguồn thu và có chu kỳ ngắn, ví dụ lĩnh vực giáo dục, dựa vào nguồn thu từng tháng, từng kỳ, sức chịu đựng yếu.

Nghiên cứu của viện thì có 7 nhóm doanh nghiệp. Hai nhóm đầu, khoảng 20%, là doanh nghiệp công nghệ cao hoặc có liên kết quốc tế, kinh nghiệm thương trường tốt. Hai nhóm tiếp theo là số có khả năng phát triển, nếu có đầu tư tốt họ sẽ có sức bật. Ba nhóm cuối yếu nhất, cố gắng chống chọi để tồn tại.

Bất kỳ tác động nào mang tính đột phá dạng như Covid-19 sẽ chịu tổn thất lớn, thường là nhóm sản xuất nông nghiệp, quy mô sử dụng nhiều lao động nông thôn. Sự tồn tại của doanh nghiệp rất quan trọng vì doanh nghiệp sống sót sẽ đóng góp cho nền kinh tế, tạo ra được việc làm - giải quyết những vấn đề về mặt xã hội".

Bởi những lí do đó, để tránh sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh và thị trường lao động nói chung, các gọi hỗ trợ đang được khẩn trương triển khai trong thực tế.

Không chỉ có gói 62.000 tỷ đồng với những hạng mục nhất định góp phần “nâng bước” các doanh nghiệp, đó còn là các gói giãn-hoãn-miễn thuế, gói miễn-giảm phí, lệ phí… cùng những chủ trương đang dần hình thành, nhằm tạo sức bật cho khối doanh nghiệp. Vấn đề nan giải đặt ra ở thời điểm này là làm sao để nguồn lực chưa có tiền lệ này đến đúng đối tượng?

Nhiều doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Halcom cho rằng: "Nên có một thời gian biểu cụ thể, giai đoạn nào thì Chính phủ làm gì, giai đoạn nào các cấp chính quyền làm gì và thời gian nào các đối tượng sẽ được nhận tiền".

Cẩn trọng, khẩn trương, công khai, minh bạch, không để người dân-doanh nghiệp phải chờ đợi lâu, không để các hạng mục của gói hỗ trợ giảm đi nhiều ý nghĩa là bài toán khó rất cần tinh thần trách nhiệm-cần sự cẩn trọng của từng thành viên thuộc chuỗi cơ quan-đơn vị liên quan, trong công tác hỗ trợ này. Đó là điều kiện cần, nhưng chưa đủ!

Các chuyên gia kinh tế, chuyên gia an sinh xã hội cho rằng: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung và nguồn lực Chính phủ có hạn, tinh thần trách nhiệm của mỗi doanh nhân-doanh nghiệp cũng cần được nâng cao, trước mắt phải là nỗ lực tự thân”.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam khẳng định: "Doanh nghiệp cần chủ động tự cứu mình. Quan trọng là phải tìm cách tiết kiệm chi phí. Thứ hai là tiếp cận đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, làm sao cố gắng giữ công ăn việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức khác nhau vì suy cho cùng thì duy trì được nguồn nhân lực, giữ được mối liên kết giữa người sử dụng lao động và người lao động là điều quan trọng đối với doanh nghiệp khi hồi phục và phát triển sau này.

Một mặt doanh nghiệp phải thích ứng để vượt qua khó khăn giai đoạn này, một mặt phải tái cấu trúc quản trị, tiếp thị và đặc biệt là chuyển đổi số. Dựa trên nền tảng số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh".

Bà Phạm Nguyên Cường – Chuyên gia độc lập các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm nêu dẫn chứng khẳng định quan điểm này: "Tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp rất tự trọng. Trong nạn dịch như hiện nay họ chắc chắn rất khó khăn, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp đang có những đóng góp cho cả Chính phủ và người dân.

Xây dựng tiêu chí rõ ràng là rất cần thiết, ví dụ tiêu chí đối với những ngành nghề có những đóng góp nhiều cho nền kinh tế phục hồi sau này, những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Còn cách hỗ trợ thì mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương, ngành nghề, họ mong chờ hỗ trợ khác nhau, nhưng tựu chung là vấn đề kinh tế. Nếu những tiêu chí không rõ ràng, ai cũng đòi cứu trợ cả. Cho nên phải nghĩ đến những cách để sàng lọc được và đặc biệt, các doanh nghiệp nên nghĩ đến lòng tự trọng của mình".

“Không thể hỗ trợ hay cứu vớt 100% doanh nghiệp đang gặp sóng gió từ đại dịch”; “Cũng không thể có sự chính xác tuyệt đối trong công tác hỗ trợ, nhất là vào những giai đoạn cần kíp-cấp bách”… nhưng nếu tất cả, từ những cơ quan có thẩm quyền, đến từng người lao động cùng các doanh nhân-doanh nghiệp đều có tinh thần-trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, các gói hỗ trợ này sẽ hiệu thực chất./.

Thu Trang/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/de-goi-ho-tro-hieu-qua-can-ca-trach-nhiem-doanh-nhandoanh-nghiep-1037119.vov