Để hạn chế số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng

Theo một công bố cách nay chưa lâu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có liên quan đến tai nạn lao động, trong số hàng ngàn vụ tai nạn lao động xảy ra mỗi năm có tới gần một nửa là do các nguyên nhân chủ quan.

Người lao động thiếu kiến thức về an toàn lao động, còn phía sử dụng lao động còn lơ là trong thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Ảnh: Uyên Viễn.

Thực tế ghi nhận tại các công trình thi công xây dựng, số vụ té ngã từ trên cao xuống chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực này. Ngoài việc bản thân người lao động (nhất là các nhóm lao động tự do) thiếu kiến thức về an toàn lao động thì phía sử dụng lao động (thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ) còn lơ là trong thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Chẳng hạn như triển khai thi công trên các tầng cao mà thiếu lưới phòng hộ, thiếu dây treo an toàn, hay thiếu công tác huấn luyện, đào tạo về an toàn lao động cho người lao động khi vào làm việc.

Xét ở phương diện pháp lý, Bộ luật Lao động có dành hẳn chương IX với 20 điều khoản đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong mối quan hệ sử dụng lao động. Ngoài ra, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định rõ ràng, cụ thể hơn về các biện pháp an toàn lao động cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ quan, doanh nghiệp. Thế nhưng nhìn chung, công tác an toàn lao động vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí có những vụ tai nạn nghiêm trọng do chủ quan mà cơ quan thanh tra đã nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, song vì những lẽ nào đó đã được “làm nhẹ”, không thấy bị khởi tố...

Bên cạnh đó, dù các luật này có quy định về việc khai báo, điều tra tai nạn lao động và nghiêm cấm các hành vi che giấu, khai báo không đúng sự thật về tai nạn lao động đã xảy ra, nhưng do thiếu chế tài đúng mức nên nhiều vụ đã không được khai báo đầy đủ theo quy định. Và không phải không có những vụ việc mà thân nhân gia đình người bị nạn có sự thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để nhận bồi thường “một cục” thay vì khai báo, làm thủ tục để giải quyết chế độ BHXH do tai nạn lao động. Ngoài ra, theo Nghị định 95/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động) điểm k, khoản 2, điều 16 quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không khai báo để điều tra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng. Có thể thấy đây là mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe.

Nguyễn Đước

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277091/de-han-che-so-vu-tai-nan-lao-dong-nghiem-trong-.html