Để hạn chế vấn nạn bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình (BLGĐ) trở thành vấn nạn của xã hội, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, tác động xấu đến cả thể chất và tinh thần, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Ở nước ta, mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm nhiều tới việc phòng, chống BLGĐ và ban hành những đạo luật điều chỉnh về lĩnh vực này nhưng tình trạng BLGĐ vẫn rất phức tạp.

Theo thống kê chưa đầy đủ, bình quân mỗi ngày ở nước ta có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của BLGĐ. Còn điều tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy: Nguyên nhân trực tiếp chủ yếu làm nảy sinh hành vi bạo lực giữa vợ và chồng là do người chồng nghiện rượu, say rượu (khoảng 60%). Những gia đình này thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết về pháp luật, công việc không ổn định. Gần đây xuất hiện cả tình trạng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng, biểu hiện ở những hành vi, như: Chửi bới, ứng xử thô bạo, gây tổn thương về thể chất và tinh thần, thậm chí cả tính mạng của người chồng.

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), cho biết: “Trong quãng thời gian dịch Covid-19 xảy ra, khi cả nước thực hiện cách ly xã hội, tổng đài ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã tiếp nhận 347 cuộc gọi của những phụ nữ cần hỗ trợ, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2019. Phòng tham vấn tiếp nhận 511 người đến tham vấn trực tiếp, tăng 48%; 72 phụ nữ đến các "ngôi nhà bình yên" ở Hà Nội và Cần Thơ trong thời gian này, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Ví dụ, ngày 1-4-2020, cả nước bắt đầu thực hiện cách ly xã hội thì ngày 3-4, nhân viên Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã hỗ trợ khẩn cấp, giải cứu 3 mẹ con bị BLGĐ đến "ngôi nhà bình yên".

Môi trường gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển của trẻ em. Trong ảnh: Trẻ ở Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang) theo mẹ lên nương. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Một trong những vấn đề đáng quan ngại thời gian gần đây là sự gia tăng bạo lực giữa cha mẹ với con cái và ngược lại. Theo tâm lý, truyền thống của người Việt, việc dạy bảo con cái xuất phát từ quan niệm “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, không ít ông bố, bà mẹ đến nay vẫn cho rằng, việc đánh đập, chửi mắng, thậm chí xỉ vả con cái khi chúng mắc lỗi là cần thiết. Theo họ, đây là cách giúp con cái nhận ra sai lầm và sửa chữa. Họ không hiểu trong xã hội hiện đại, những trường hợp bạo lực với con cái vượt ra ngoài phạm vi giáo dục sẽ bị pháp luật điều chỉnh nghiêm khắc. Bên cạnh những hành vi từ phía cha mẹ đối với con cái, thì BLGĐ xuất phát từ người con đối với cha mẹ mình cũng đang ngày càng gia tăng. Một số trường hợp người trẻ tuổi gây ra những tổn thương về cả thể chất và tinh thần cho cha mẹ. Điều này cho thấy đang có sự xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận giới trẻ hiện nay, nó hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống đề cao chữ “hiếu” của dân tộc ta. Điều đáng nói, có tới 1/3 số gia đình mỗi khi xảy ra vấn đề BLGĐ thường không biết xử lý ra sao. Khoảng 25% số gia đình khi được hỏi cho rằng, BLGĐ là việc riêng của mỗi nhà, hàng xóm không nên can dự vào. Có thể nói, BLGĐ đang có diễn biến xấu, gây nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em.

Từ lâu, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và ban hành hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống BLGĐ. Song, khách quan cho thấy, những quy định này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi sâu vào nhận thức của đại bộ phận người dân. Theo các chuyên gia về lĩnh vực gia đình, để nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật với vấn đề BLGĐ thì cần thực hiện một số giải pháp sau.

Thứ nhất, quan niệm về BLGĐ của người dân hiện vẫn còn khá mơ hồ và dường như chỉ có hành vi bạo lực về mặt thể chất mới được chú ý tới. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là Luật Phòng, chống BLGĐ, trên cơ sở đó định hướng về nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân. Quan trọng hơn là phải quy định một cách cụ thể những hành vi mà pháp luật quy định là BLGĐ và các biện pháp phòng, chống.

Thứ hai, trong Luật Phòng, chống BLGĐ cần quy định rõ việc cấm tiếp xúc trong một thời gian giữa người có hành vi bạo lực và nạn nhân để bảo đảm an toàn cho nạn nhân. Bên cạnh đó, quy định rõ về hình thức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vấn đề bình đẳng giới. Bởi hiện tại ở nước ta, tình trạng bất bình đẳng giới đang là gốc rễ của BLGĐ. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ", "chồng chúa vợ tôi", tư tưởng gia trưởng, định kiến giới... vẫn còn khá phổ biến trong xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn.

Nạn BLGĐ đã và đang làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ nền tảng bền vững của gia đình. Để ngăn chặn tình trạng đó cần có sự vào cuộc của toàn xã hội; trong đó việc tuyên truyền, nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ ở mỗi địa phương phải được đặc biệt quan tâm. Đây là cơ sở quan trọng để mỗi người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

GIANG LONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-han-che-van-nan-bao-luc-gia-dinh-627655