Để hát với nhau không... buồn

Nhiều người dân có thói quen tổ chức ca hát, trong đó có hát karaoke… để giải trí sau giờ lao động và kết nối bạn bè. Tuy nhiên, việc ca hát sinh ra nhiều hệ lụy như âm thanh không được tiết chế có thể gây ồn ào, ảnh hưởng đến người khác. Một số thanh niên sau khi uống rượu và ca hát đã xảy ra mâu thuẫn, để lại gánh nặng cho người thân và xã hội.

Bài 1: Ca hát và hệ lụy buồn

Một số người dân thuê dàn nhạc hay tổ chức hát karaoke để buổi tiệc của gia đình thêm vui. Tuy nhiên, việc ca hát bất kể thời gian, gây bức xúc cho người xung quanh, thậm chí có thể dẫn đến hệ lụy không đáng có.

TRA TẤN BẰNG TIẾNG HÁT

Bà N.T.P (50 tuổi), ngụ thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) cho biết, nhà bà vừa xây lại phòng ngủ kín để cách âm. Tuy nhiên, giữa đêm khuya, âm thanh sôi động từ tiếng hát của hai ngôi nhà và một quán nhậu gần đó vẫn làm bà không ngủ được. Việc phải hứng chịu âm thanh karaoke từ các “thùng kẹo kéo” của hàng xóm tới 20-23 giờ hàng đêm trở thành nỗi ám ảnh với bà P hơn 2 năm nay. “Tôi cũng qua nhắc, họ xin lỗi rồi thôi. Hôm sau nhà kế bên lại tiếp tục hát. Gia đình tôi như “sống chung với lũ”. Do mất ngủ nên tôi mệt, người bần thần. Tôi lo cháu ngoại hơn 3 tuổi bị ảnh hưởng bởi âm thanh quá ồn ào”, bà P nói.

Bà P cho biết, hàng xóm nhà bà có nhiều người là lao động tự do, khi có tiệc tùng hay họp mặt người thân trong gia đình là tổ chức nhậu. “Cuộc nhậu diễn ra khoảng 30 phút là họ bắt đầu mang thùng kẹo kéo kết nối wifi chọn bài rồi hát. Có khi cao hứng cuộc nhậu kéo dài đến 1-2 giờ sáng. Nhiều bà con ở đây bức xúc mà không dám nói bởi sợ lúc họ có rượu thiếu kềm chế dẫn tới làm liều”, bà P cho biết.

Theo ông P.T.V (66 tuổi) - một công chức nghỉ hưu, nhà ở khu phố 5, phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá (Kiên Giang), nhà ông ở khu vực lấn biển TP. Rạch Giá, trong phạm vi gần 1km2 nhưng có 4 cơ sở kinh doanh karaoke, ca nhạc ngoài trời. Đó là chưa kể các quán nhậu hai bên đường có nhiều thùng loa kéo của người bán kẹo kéo đến các quán nhậu để mưu sinh. “Tôi hiểu xã hội phát triển thì các loại hình dịch vụ cũng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách và người dân địa phương. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh cần phải có giờ và âm thanh vừa phải. Các cơ sở karaoke cách âm còn đỡ chứ các loa kẹo kéo di động hát tại các quán nhậu đến khuya ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, đời sống của người dân”, ông V chia sẻ.

Ông V cho biết, vợ chồng ông lớn tuổi, rất khó ngủ nên cần ngủ sớm để giữ sức khỏe, nhưng nhiều năm qua giấc ngủ thường xuyên bị đảo lộn. “Có khi chuẩn bị ngủ, âm thanh lớn từ quán nhậu kế bên làm tôi không ngủ được, đi tới lui đến gần sáng mới ngủ được. Tiếp xúc cử tri tôi nhiều lần kiến nghị việc này đến Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân TP. Rạch Giá và phường có ý kiến để chính quyền, ngành chức năng tìm giải pháp nhưng đến nay cũng không tiến triển”, ông V than.

Âm thanh ồn ào từ việc ca hát ảnh hưởng đến sinh hoạt, bà P, ông V nhắc hàng xóm, phản ánh đến cơ quan chức năng để giải quyết nhưng có trường hợp lại giải quyết bằng cự cãi, đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng. Cuối năm 2020, Công an TP. Phú Quốc (Kiên Giang) bắt Nguyễn Văn Bổn (38 tuổi), quê tỉnh Cà Mau khi Bổn đâm Huỳnh Công Tuấn (40 tuổi), tạm trú ở TP. Phú Quốc tử vong. Nguyên nhân vụ việc là từ tiếng ồn khi hát karaoke.

Chiều 20-11-2020, Bổn đi làm về nhà trọ thì thấy Tuấn và Đ.Q.C cùng tạm trú TP. Phú Quốc đang nhậu, hát ở phòng trọ kế bên. Do muốn nghỉ ngơi nhưng tiếng của phòng kế bên ồn ào nên Bổn qua nói chuyện và đề nghị giảm âm thanh. Cho rằng Bổn không tôn trọng mình và báo với chủ nhà trọ, Tuấn cự cãi dẫn đến đánh nhau, C và bạn là B cũng tham gia. Bị vây đánh, Bổn đâm Tuấn tử vong, đâm C, B bị thương nặng.

MÂU THUẪN TỪ HÁT

Nhậu vào đi hát, nhiều thanh, thiếu niên không làm chủ được bản thân nên khi va chạm thì muốn giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Hệ lụy để lại là người chết, kẻ vào tù. Thân nhân người bị hại đau đớn mất người thân. Gia đình bị cáo chạy ngược xuôi giải quyết hậu quả do con em gây ra.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ năm 2019 đến nay, năm nào Kiên Giang cũng ghi nhận các vụ việc giết người liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp từ những mâu thuẫn xung quanh việc ca hát. Gần đây, do tranh giành nữ tiếp viên trong quán karaoke dẫn đến mâu thuẫn, Trần Văn Năng (33 tuổi), ngụ huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) dùng dao đâm một thanh niên cùng địa phương tử vong.

Các đối tượng trong vụ án giết người xảy ra do mâu thuẫn bắt nguồn hát karaoke trên địa bàn thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang).

Khoảng 15 giờ ngày 15-9-2019, sau khi nhậu tại nhà riêng, Năng rủ 4 người bạn đến quán karaoke trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) để hát và uống rượu. Sau đó, Năng nhìn thấy anh L.H.T (36 tuổi), ngụ cùng địa phương hát ở phòng kế bên và được nữ tiếp viên T.N.L phục vụ. Khi anh T bước ra ngoài, Năng bước vào phòng yêu cầu chị L sang phục vụ mình. Trong lúc Năng kéo chị L, anh T bước đến giành lại. Bất ngờ, Năng rút dao đâm anh T bị thương nặng và tử vong sau đó 1 ngày. Hậu quả của việc giành nữ tiếp viên, Năng ngồi tù 15 năm về tội giết người.

Cũng trong năm 2019, hai nhóm thanh niên giải quyết mâu thuẫn tại một quán karaoke ở huyện Vĩnh Thuận dẫn đến án mạng, gây chấn động dư luận. Nhóm thanh niên ở tỉnh Cà Mau bị nhóm thanh niên ở huyện Vĩnh Thuận chém làm 1 người tử vong tại chỗ, 1 người đứt cánh tay. Cụ thể, khoảng 17 giờ ngày 2-10-2019, nhóm của Nguyễn Trọng Tính (35 tuổi), Trương Bá Tòng (40 tuổi), cùng ngụ tỉnh Cà Mau đến hát tại một quán ở huyện Vĩnh Thuận. Trong lúc nhậu, nhóm của Tính gọi N.T.N.T rót bia và hát. Do mâu thuẫn, Tòng dùng tay đánh T. T ra khỏi phòng điện thoại kể việc mình bị đánh cho Trần Thanh Bình (24 tuổi), Trần Thanh Tuấn (27 tuổi) và hàng chục đối tượng khác, cùng ngụ trên địa bàn biết. Từ đây, hai nhóm đánh nhau gây mất an ninh, trật tự một đoạn tuyến quốc lộ 63. Hậu quả, Tuấn chém Tòng đứt lìa tay trái. Tuấn tiếp tục chém Tính chết tại chỗ. Ngày 29-3-2021, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 16 bị cáo trong vụ án này, trong đó có 9 bị cáo mang tội giết người với mức án từ 7-13 năm tù, 7 bị cáo mức án từ 1-4 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng.

Mới đây, Lê Thanh Tuấn (38 tuổi), ngụ huyện Hòn Đất (Kiên Giang) và Trần Hoàng Định (41 tuổi), ngụ TP. Phú Quốc bị truy tố về tội cố ý gây thương tích. Nạn nhân là anh Võ Quốc Tuân, bị Định và Tuấn chém gây thương tật 62%. Khoảng 18 giờ ngày 30-3-2020, anh N.T.P, ngụ TP. Phú Quốc cùng một số bạn tổ chức nhậu tại nhà của Định. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi cả nhóm đang nhậu thì vợ chồng anh Võ Quốc Tuân và chị Đỗ Thị Tâm - người thuê nhà trọ của anh P hát karaoke mở âm thanh lớn nên anh P sang nhắc và kêu mở âm thanh nhỏ lại.

Sau đó, anh P về nhà Định nhậu tiếp. Lúc này, chị Tâm chửi, thách thức anh P. Chứng kiến anh P bị chị Tâm chửi, Định bực tức nên gọi điện cho Tuấn đến. Khi Tuấn đến, Định và Tuấn cầm dao sang phòng trọ vợ chồng anh Tuân hỏi chuyện. Bị anh Tuân phản ứng, cả hai dùng dao chém anh Tuân. Đến cuối tháng 11-2020, cả hai lần lượt bị Công an TP. Phú Quốc bắt tạm giam.

Bài và ảnh: LÊ VINH

►Để hát với nhau không... buồn - Bài cuối: Tìm giải pháp để ca hát văn minh hơn

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//phong-su-ghi-chep/de-hat-voi-nhau-khong-buon-9414.html