Để hóa đơn không gây rủi ro, phiền toái cho doanh nghiệp

Hóa đơn, chứng từ nhằm minh bạch trong hoạt động thương mại nhưng cũng cần phải tính đến đặc thù của từng hoạt động để đưa ra những giải pháp giúp quá trình thực thi ít tốn kém nhất, ít phiền hà nhất, cho cả nhà nước và DN, người dân.

Cơ quan chức năng đang thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng gian lận hóa đơn, người bán hàng không xuất hóa đơn cho khách hàng... Điều này là rất đúng nhưng phải trên tinh thần không được gây khó khăn, tốn kém và rủi ro cho người dân lẫn doanh nghiệp.

Tầm quan trọng của hóa đơn, chứng từ trong thương mại, trong quản lý nhà nước, trong xử lý tranh chấp… thì ai cũng biết. Có lẽ như Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nói, đến nay hóa đơn đã có một bước chuyển biến mạnh mẽ từ giấy sang điện tử xuất phát từ nỗ lực của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

Không thể kể hết được những lợi ích của sự chuyển dịch quan trọng trong quản lý hóa đơn này đối với nền kinh tế, đối với doanh nghiệp (DN) và người dân.

Tất nhiên, những vụ việc chưa lành mạnh trong lĩnh vực này như gian lận hóa đơn, kê khai dữ liệu giả mạo… sẽ không bao giờ có thể phủ định được lợi ích to lớn ấy. Bởi cũng cần phải thấy rằng: Những gian lận hay sai phạm trong hóa đơn nếu so với tổng lợi ích mà sự chuyển dịch hóa đơn mang lại chiếm tỉ lệ không lớn.

Quản lý nhà nước luôn hướng tới một trạng thái lý tưởng là không có những sai phạm, vi phạm pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Như một hệ quả của sự mong muốn ấy, việc sửa đổi những quy định về hóa đơn, chứng từ tại dự thảo sửa đổi Nghị định 123/2020 theo hướng chặt chẽ, minh bạch hơn là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, như Thủ tướng nói trước Quốc hội, không thể có một văn bản pháp luật nào có thể phủ khắp, bao quát hết mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Quản lý nhà nước thì đương nhiên cần nghiêm minh và những quy định chặt chẽ. Nhưng nếu chặt chẽ quá đến mức gây phiền hà cho cả những giao dịch chân chính bằng một rừng quy định về hóa đơn với mong muốn duy ý chí là có thể quản lý tất cả rủi ro thì vô hình trung sẽ dẫn đến những thiệt hại cho không chỉ DN mà còn cho ngân sách, cho nền kinh tế.

Chẳng hạn, theo VCCI, nhiều quy định tại dự thảo sửa đổi Nghị định 123/2020 sẽ làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí, gây khó cho hoạt động của DN, thậm chí đẩy rủi ro cho DN khi xuất hóa đơn. Đơn cử, quy định xuất hóa đơn từng lần với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ taxi, hay quy định hóa đơn phải thể hiện mã số định danh của người mua.

Thật ra chỉ riêng ý kiến của cộng đồng DN, những người trực tiếp “va chạm” với hóa đơn, chứng từ hằng ngày đã cho thấy tham vọng dùng một nghị định để “quét” hết các hành vi chưa minh bạch trong hoạt động thương mại chưa có tính khả thi cao. Vậy thì chỉ có một cách là phải tôn trọng đặc thù của từng hoạt động thương mại để đưa ra những giải pháp giúp cho quá trình thực thi ít tốn kém nhất, ít phiền hà nhất, cho cả quản lý nhà nước và DN (và cả người dân).

Khi ấy, tự khắc tính tuân thủ của DN sẽ góp phần giảm thiểu tối đa những hành vi không phù hợp với pháp luật trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ. Cơ quan quản lý cũng vì thế mà bớt rủi ro, lo nghĩ.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-hoa-don-khong-gay-rui-ro-phien-toai-cho-doanh-nghiep-post765842.html