Để khách ăn cỗ lấy phần bị xử phạt: Quy định vô lối

Các chuyên gia văn hóa, xã hội chia sẻ quan điểm về quy định chủ nhà làm cỗ bị phạt tiền nếu để người dân ăn cỗ lấy phần mang về của xã Giao Long, tỉnh Nam Định.

Tiến sĩ xã hội học: Quy định vô lối

Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình chia sẻ, đây là vấn đề rất khó để tỏ thái độ, bởi tập tục đi ăn cỗ, kể cả cỗ hiếu, hỉ nói chung người làng đều mang phần về. Trong một mâm cỗ, những món như canh, xào thì ăn, còn những món như giò, chả… sẽ được gói lại và mang về. Điều đó đã trở thành tập quán của người Việt. Còn trong thời điểm hiện tại, việc mang đồ về không chỉ là theo tập tục, lấy phần, mà còn mang tính tiết kiệm, không bỏ thừa thức ăn...

“Bản thân tôi đã từng tham gia tiệc cưới rất xịn, trên các mâm cỗ có cả chai rượu mạnh đắt tiền. Sau khi ăn xong người ta cũng mang đồ về, tuy nhiên cách thức mang về rất văn minh, chứ không phải theo cách trút tất cả các đĩa thức ăn vào túi, giống như thuở nào là vét sạch cả mâm để cầm về. Đây là điều tự nhiên, không hiếm gặp trên bình diện xã hội hiện nay.

Điều này hay dở như thế nào, đương nhiên phải xuất phát trên cách nhìn về mỹ quan, chừng mực nào đó để tránh thói quen tiêu xài lãng phí, tiêu pha hoang, hay làm đám cưới tốn kém không sát với thực tế, có thể do cấp chính quyền của Giao Thủy, tôi nghĩ rằng tôi không bình luận.

Bởi dường như xuất phát điểm của họ cũng đang hướng tới một điều gì đó tốt đẹp, văn minh. Nhưng ở đây có câu chuyện không ổn. Bởi hành vi đi ăn cỗ mang phần về cũng không phải là hành vi xấu, hành vi mông muội, dã man, mà như chúng ta thấy là có nhiều cách để mang về, không phải theo cách ăn xó mó niêu.

Vì vậy khi chính quyền đặt ra lệ bắt các gia đình khi tổ chức làm cỗ phải đặt tiền và nếu gia đình nào vi phạm để khách đến ăn cỗ mang phần về sẽ bị phạt tiền tôi cho là vô lối.

Trong bối cảnh đó, để cho "chắc cờ", nhà chức trách thu tiền trước để nắm đằng chuôi, tôi cho là không chấp nhận được, mà còn vi phạm quyền của người dân khi gia đình tổ chức hiếu, hỉ cho gia đình mình. Tôi cho là không nên làm, không đúng với cách hành xử của cơ quan quản lý nhà nước”.

Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, việc nhà chức trách nên làm là khuyến cáo các gia đình tổ chức cũng như người dân đến ăn cỗ làm thế nào cho văn mình, hành động đẹp, không mất mỹ quan. Đồng thời nên khuyến cáo không nên tổ chức cỗ quá to gây lãng phí, tốn kém. Thực tế trong quy định của Nhà nước cũng không có quy định xử phạt khi tổ chức tiệc, cỗ lãng phí, gây tốn kém.

Chuyên gia văn hóa: Việc của dân, không nên phạt bằng biện pháp hành chính

Còn một chuyên gia văn hóa nổi tiếng thì cho rằng, việc người dân đi ăn cỗ và mang quà về là câu chuyện của người dân, không nên dùng các biện pháp hành chính để phạt này phạt kia. Ví dụ ở Bắc Ninh, người dân đi ăn cỗ từ rất sớm, 6-7h sáng họ đã đi ăn, bởi họ còn phải về đi làm đồng hoặc làm các công việc khác. Tuy nhiên, ở Hà Nội thì người dân đi ăn cỗ không bao giờ trước 11h, họ chỉ có thể ăn vào giờ trưa hoặc chiều, vậy thì không nên ép nhau vào một quy chuẩn như vậy.

Theo chuyên gia văn hóa, việc người dân đi ăn cỗ và mang phần về không quá mức để nói ảnh hưởng tới văn hóa, uy tín, danh dự của một xã hay một huyện nào đó.

Trước đó, bài viết "Nhà có cỗ sẽ bị xử phạt nếu để khách ăn cỗ lấy phần" đăng tải trên Dân Việt đã nhận được rất nhiều tranh cãi trái chiều. Ông Trần Hoài Nam – Chủ tịch UBND xã Giao Long cho biết, đây là chủ trương của UBND huyện Giao Thủy trong cuộc vận động văn minh văn hóa, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần. Có khoảng 5-6 xã thực hiện thí điểm được hơn 2 năm nay.

Chủ tịch UBND xã Giao Long cho hay, khi các gia đình đi đăng kí trên xã, mỗi gia đình sẽ phải đặt cọc 3 triệu đồng. Việc này do chính quyền xã tự đặt ra để đe người dân. Nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị xử phạt, trừ vào số tiền đã đặt cọc. Ông Nam lấy ví dụ, 1 người lấy phần có thể phạt 500.000 đồng, 2 người có thể lên đến 1.000.000 đồng… nói chung, tùy vào mức độ để xử lý chứ không có con số cụ thể.

Huy Hoàng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/de-khach-an-co-lay-phan-bi-xu-phat-quy-dinh-vo-loi-967690.html