Để không bị bỏ lại phía sau

Để không bỏ lỡ cơ hội, để không bị tụt hậu, không chỉ Chính phủ mà rất cần mọi người Việt Nam, nhất là các doanh nhân, thế hệ trẻ, dù ở trong hay ngoài nước thể hiện tâm huyết yêu Tổ quốc với đất nước.

Các nhà lãnh đạo tại WEF ASEAN Việt Nam 2018

1. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với sự ra đời của động cơ hơi nước sử dụng nhiên liệu than và máy móc dẫn động bằng cơ khí cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 đã làm gia tăng năng suất lao động đột biến.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu vào khoảng thập kỉ 50 của thế kỷ 19, với sự ra đời của động cơ đốt trong và máy móc sử dụng điện. Năm 1914, giai đoạn thứ hai kết thúc.

Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ ba bắt đầu khoảng năm 1960, khi có các tiến bộ về hạ tầng điện tử, máy tính và công nghệ kĩ thuật số trên nền tảng là sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và internet (thập niên 1990). Cho đến cuối thế kỷ 20, quá trình này cơ bản hoàn thành nhờ những thành tựu khoa học công nghệ cao. Năm 1997, giai đoạn thứ ba kết thúc.

Một điểm chung có thể nhận thấy: Các cuộc cách mạng công nghiệp tác động mạnh mẽ và to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ nâng cao năng suất lao động, hiệu suất sử dụng tài nguyên, tạo ra của cải dồi dào, định hình lại phương thức sản xuất, tiêu thụ mà còn làm thay đổi cuộc sống, quan hệ xã hội và tư duy của xã hội loài người.

Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư bắt đầu vào đầu thế kỉ 21, tiếp nối những thành tựu lớn từ Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 3, hình thành trên nền tảng cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, S.M.A.C, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới,... Hiện, thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này.

Nói về Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, còn gọi là Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, Nhà kinh tế nổi tiếng thế giới Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khẳng định: Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ định hình lại phương cách sản xuất, hình thức tiêu thụ, cách thức chúng ta giao tiếp, thậm chí là cách chúng ta sống, định nghĩa lại xem chúng ta là ai. Ông nhấn mạnh: Cách mạng Công nghiệp 4.0 hoàn toàn khác biệt về tính toàn diện và tốc độ so với bất kỳ cuộc cách mạng nào trước đây. Cách mạng Công nghệ 4.0 là cuộc cách mạng toàn diện với nhiều công nghệ khác nhau. “Các quốc gia bỏ lỡ chuyến tàu Cách mạng Công nghệ 4.0 sẽ bị tụt hậu”, ông Schwab nhận định.

3. Nhận thức được tầm quan trọng của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 trong tạo bứt phá đưa đất nước tiến nhanh hơn đến giàu có và tiến bộ, trong bài viết trước thềm WEF ASEAN Việt Nam 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Thế giới ngày nay đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Thủ tướng khẳng định: “Với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam có trọng trách cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và các nước ASEAN tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng và hình thành các ý tưởng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển của cả khu vực và từng quốc gia, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lịch sử của Việt Nam, cơ hội giúp chúng ta rút ngắn quá trình công nghiệp hóa”, và cho rằng: “Để không bỏ lỡ cơ hội này, Chính phủ phải đổi mới, chuyển đổi thành Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ khả năng, đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số”.

Thủ tướng chỉ đạo: “Ứng dụng công nghệ cao để ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ thông tin mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”, đưa nước ta thành cường quốc về công nghệ thông tin, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thông minh trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội”.

Để không bỏ lỡ cơ hội hiếm có này, người đứng đầu Chính phủ đã cam kết hành động. Và thực tế trong hơn 2 năm đảm đương cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông đã khơi gợi niềm khát khao, khuyến khích khát vọng, yêu cầu và kiểm tra, giám sát việc tạo cơ chế cho khởi nghiệp, thu hút nhân tài, kết nối trí tuệ Việt trên toàn thế giới…, tạo môi trường cho nhân tài phát huy trí tuệ, tài năng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để con tàu Việt Nam có thể tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn, thúc đẩy sáng tạo nhiều hơn trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nền kinh tế số, đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Hiện, chúng ta vẫn xếp vào nhóm nước tiếp cận công nghiệp 4.0 chậm. Do đó rất cần những cơ chế, chính sách bồi dưỡng, nâng cao dân trí, nâng cao trình độ nghề, tiếp thu, ứng dụng những ý tưởng sáng tạo trong xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ kinh tế số. Và đặc biệt là giải pháp khắc phục vấn đề xã hội từ Cuộc cách mạng 4.0, như thất nghiệp, những người yếu thế bị tụt lại phía sau,…

Để không bỏ lỡ cơ hội, để không bị tụt hậu, không chỉ Chính phủ mà rất cần mọi người Việt Nam, nhất là các doanh nhân, thế hệ trẻ, dù ở trong hay ngoài nước thể hiện tâm huyết yêu Tổ quốc với đất nước.

Hiền Trang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/de-khong-bi-bo-lai-phia-sau-post22256.html