Để không còn nỗi đau vì trẻ em đuối nước

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, tai nạn đuối nước ở Việt Nam xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tập trung nhiều nhất vào trẻ em. Ở Nghệ An, theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch, mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ đuối nước, nạn nhân phần lớn là học sinh.

Những vụ đuối nước thương tâm

Trong những đợt nắng nóng đầu mùa năm nay, nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trong 2 ngày 18 và 19/5 có 2 vụ đuối nước trên sông khiến 1 học sinh lớp 4 ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn), 1 nam thanh niên ở xã Đại Sơn (Đô Lương) tử vong.

Ngày 28, 29/5 đã xảy ra 3 vụ đuối nước khiến 1 học sinh lớp 12 ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), 1 học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nam Thanh (Nam Đàn), 1 học sinh lớp 9 ở xã Thanh Đồng (Thanh Chương) tử vong. Đặc biệt ngày 23/5 có 3 em nhỏ bị đuối nước. Hai chị em ruột (9, 11 tuổi) trong gia đình ở xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) sau khi đi học về đã rủ nhau xuống ao tắm và bị đuối nước, tử vong trong ao nhà bà nội, 1 em nhỏ ở phường Cửa Nam (TP. Vinh) được người dân phát hiện nổi trên hồ.

Hiện trường một vụ đuối nước thương tâm ở Nghệ An.

Hiện trường một vụ đuối nước thương tâm ở Nghệ An.

Mới đây, trong 2 ngày 5 và 6/6, có 3 vụ đuối nước khiến 1 học sinh (11 tuổi) ở xã Nhân Sơn (Đô Lương), 2 học sinh lớp 2 ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương), 1 học sinh lớp 10 ở TX. Thái Hòa tử vong...

Nguyên nhân đuối nước xuất phát từ nhiều phía. Trước hết là do các em không biết bơi, thiếu các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi đi tắm ở sông, suối, ao, hồ. Sau nữa là do môi trường sống nhiều hiểm họa rình rập, do sự bất cẩn của người lớn, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước... Tuy vậy, trách nhiệm của gia đình, của những người làm cha mẹ trong việc giáo dục, định hướng và giám sát con cái để tránh khỏi những tai nạn đuối nước thương tâm vẫn đóng vai trò quan trọng.

Hầu hết những vụ tai nạn đuối nước vừa qua đều ít nhiều liên quan đến việc thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ, đã để con cái tự do vui chơi những nơi nguy hiểm, tiềm ẩn không ít rủi ro.

Đa số các em ở nông thôn rủ nhau đi tắm biển, sông, hồ một cách tự phát, không có sự giám sát của phụ huynh. Sự thiếu cẩn thận trong khi vui chơi, hoặc phụ giúp gia đình khi ra đồng, sông, suối mò cua, bắt cá... cũng như không được nhắc nhở, dặn dò, khiến các em chủ quan, sơ sẩy dẫn đến những vụ việc thương tâm.

Nỗi đau là lời cảnh tỉnh

Với môi trường nhiều sông nước như ở Việt Nam và thời tiết nắng nóng đặc thù thì việc hạn chế trẻ em bơi lội là điều khá khó khăn. Nhất là ở những bãi tắm tự phát của người dân luôn ẩn họa nguy cơ. Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em ở các khu vực nhiều ao, hồ, sông, suối, biển...

Cán bộ Công an hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống bị đuối nước.

Với trẻ em dưới 5 tuổi, việc giám sát của người lớn là điều kiện không thể thiếu để đảm bảo an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh, người giám hộ cho trẻ từ 6-15 tuổi cần chủ động dạy kỹ năng bơi để đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường hợp bất khả kháng.

Liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, sau một năm tổ chức phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước, toàn tỉnh Nghệ An đã tổ chức được gần 1.400 buổi truyền thông, tuyên truyền trực tiếp; tổ chức được hơn 200 lớp huấn luyện dạy bơi; xây dựng 21 mô hình “Trẻ em toàn xã biết bơi” và “Học sinh toàn trường biết bơi”; hỗ trợ 21 bể bơi thông minh, nâng tổng số bể bơi lên 150 bể. Cuối cùng, người dân cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về cứu hộ và cấp cứu cho người đuối nước. Trong một số trường hợp, sự can thiệp cấp cứu đúng thời điểm và đúng kỹ thuật có thể mang lại cơ hội sống cho những người bị đuối nước.

Về vấn đề này, trong thời gian qua, công an các huyện, thành thị đã phối với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh các trường học trên địa bàn, nâng cao nhận thức về các giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước; cách sử dụng các phương tiện, dụng cụ như áo phao, phao cứu sinh, nguyên tắc, kỹ năng khi đi bơi; phương pháp cứu đuối nước, giải thoát khi bị túm, kéo; kỹ năng thực hành sơ cứu người bị nạn ở dưới nước và trên cạn; xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm dưới nước...

Tuy nhiên, vai trò quan trọng vẫn là yếu tố gia đình, các bậc phụ huynh không được lơ là mà cần phải theo dõi, quản lý chặt con em mình.

Thầy Nguyễn Đăng Quý - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Khê (Thanh Chương) khẳng định: “Trong việc phòng, chống đuối nước, vai trò của nhà trường là rất quan trọng, còn gia đình là quyết định. Vì nhà trường chủ yếu là tuyên truyền, tập huấn, trang bị cho các em kiến thức, sự hiểu biết, còn gia đình sẽ tiếp tục nhắc nhở, quán triệt, giáo dục thêm kỹ năng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để cho con học bơi, học các kỹ năng khác hay không”.

Với vai trò “quyết định” trong việc phòng, chống đuối nước ở trẻ em, chúng ta cần chú trọng hơn đến vai trò giáo dục của gia đình, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền đối với các bậc làm cha, làm mẹ, để họ có nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn kiến thức về phòng, chống đuối nước, thông qua đó để tác động đến con em mình. Hy vọng sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả giữa gia đình - nhà trường - xã hội sẽ góp phần đắc lực trong việc giảm thiểu tai nạn đuối nước hiện nay.

Minh Tâm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/de-khong-con-noi-dau-vi-tre-em-duoi-nuoc-600331/