Để không gian sinh tồn an toàn hơn

Năm 2018 vừa qua, năm 2019 cũng vừa đến. Bạn bè lại chúc nhau năm mới bình an (tuy thế giới đầy bất an). Trong thế giới 'hậu sự thật' đầy biến số, bàn cờ Mỹ - Trung càng khó lường. Những nghịch lý của năm cũ làm cho câu chuyện năm mới càng hấp dẫn và bí hiểm. Nhưng muốn biết năm mới ra sao, phải hiểu năm cũ thế nào.

Vừa đánh vừa đàm

Ngoài những vấn nạn phải đối phó thường xuyên như biến đổi khí hậu (do thiên tai) và tham nhũng (do nhân họa), câu chuyện đang làm thiên hạ đau đầu là cuộc chiến Mỹ - Trung. Trước thềm năm mới, Mỹ - Trung vừa hòa hoãn về thương mại, như “thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày” tại Buenos Aires (1-12-2018), vừa triển khai chiến tranh lạnh về kinh tế, như vụ bắt “công chúa Hoa Vi” (Mạnh Vãn Châu - Meng Wanzhou) (1-12-2018).

Nếu 2018 đã mở ra một bước ngoặt chiến lược trong quan hệ Mỹ - Trung, từ hợp tác chuyển sang đối đầu, năm 2019 có thể sẽ kích hoạt cuộc chiến thương mại tới điểm bùng phát, làm thay đổi bàn cờ Mỹ - Trung và trật tự thế giới. Và hình thái “vừa đánh vừa đàm” vẫn là đặc trưng của trò chơi quyền lực Mỹ - Trung.

Khi cuộc chiến Mỹ - Trung leo thang và mở rộng, người ta mới nhận ra chiến tranh thương mại chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Những góc khuất của “tảng băng chìm” đầy ẩn số và biến số đang lộ dần như các mảnh ghép của một chiến lược tổng thể mà Mỹ đang nhắm vào Trung Quốc. Nếu ta chỉ quan tâm đến chiến tranh thương mại, thì chỉ “thấy cây mà không thấy rừng” và bỏ qua bức tranh lớn. Sau một thời gian dài nước Mỹ như ngủ quên, nay đã thức tỉnh và điều chỉnh chiến lược, coi Trung Quốc là đối thủ số 1 (theo NDS).

Tuy thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày có thể đem lại lợi thế đàm phán cho Mỹ, nhưng nó là “chiếc phao cứu sinh” đối với Trung Quốc. Có một sự kiện nằm ngoài dự kiến của Trung Quốc là “công chúa Hoa Vi” đã bị bắt tại sân bay Vancouver (Canada), như một đòn bất ngờ làm cho Trung Quốc mất mặt và lúng túng. Tuy không rõ ông Trump có biết không, nhưng ông Tập và các cố vấn chắc bị bất ngờ nên mấy ngày sau mới có phản ứng. Quyết định bắt hai công dân Canada là nhằm trả đũa và trấn an dư luận.

Nhưng ngày 1-12-2018, Giáo sư vật lý Trương Thủ Thịnh (Zhang Shou Cheng) đã bất ngờ nhảy lầu tự vẫn (như họa vô đơn chí). Ông Trương và quỹ đầu tư Danhua Capital đang bị FBI điều tra vì liên quan đến chương trình “Hàng ngàn nhân tài” (Thousand Talents program) của Trung Quốc, nhằm thu hút công nghệ và nhân tài trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), người máy (robotics) và chuỗi khối (blockchain). Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định (30-11-2018) Danhua Capital (có vốn ban đầu 434,5 triệu đô la Mỹ) liên quan đến kế hoạch “Made in China 2025”. (Physicist linked to China program, Bill Gertz, Washington Times, December 12, 2018).

Chiến lược hay chiến thuật

Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh đã tách vụ bắt Mạnh Vãn Châu ra để trả đũa Canada, nhưng tránh gây căng thẳng với Mỹ vì thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày là ván bài chiến lược hệ trọng hơn. Ngoài việc mua 500.000 tấn đậu nành (trị giá 180 triệu đô la) và giảm 25% thuế nhập khẩu ô tô của Mỹ (từ 40% xuống còn 15%), Bắc Kinh còn hứa sẽ mở cửa thị trường và xem xét lại vụ Qualcomm mua công ty NXP.

Nhưng chưa biết như vậy đã đủ thuyết phục Mỹ hay vẫn “quá ít và quá muộn”. Qua vụ xử phạt ZTE (đầu năm) và đánh tiếp Huawei (đang diễn ra), Mỹ muốn gia tăng sức ép lên “chuỗi cung ứng” (như công nghệ 5G) là gót chân Asin của Trung Quốc. Huawei và ZTE là hai át chủ bài về công nghệ cao của Trung Quốc, nên chắc Bắc Kinh phải cứu. Tuần trước, Bắc Kinh có dấu hiệu dừng kế hoạch “Made in China 2025”, tuy chưa rõ đây là điều chỉnh chiến lược hay chỉ là chiến thuật. (Beijing no longer requires local governments to work on Made in China 2025, SCMP, Dec 14, 2018).

Theo báo SCMP, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các địa phương không tuyên truyền rầm rộ về “Made in China 2025” như trong ba năm vừa qua. Tuy Trung Quốc không dễ dàng bỏ kế hoạch chiến lược mang dấu ấn của mình, nhưng có thể họ đã nhận ra sai lầm và phải điều chỉnh. Bắc Kinh đang soạn thảo một kế hoạch mới để thay thế (vào đầu tháng 3-2019) nhưng chậm lại một thập kỷ (tới năm 2035).

Trong khi đó, một số quan chức chính quyền Trump, kể cả Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, vẫn nghi ngờ kế hoạch mới của Bắc Kinh. Họ cho rằng Bắc Kinh có thể xuống thang để hoãn binh chứ không thực sự định bỏ kế hoạch “Made in China 2025”. Tháng trước, báo cáo cập nhật của văn phòng Robert Lighthizer vẫn nhấn mạnh “Bắc Kinh vẫn không bỏ cuộc (undaunting) và vẫn thúc đẩy chủ trương phát triển công nghệ do nhà nước chỉ đạo”.

Phần nổi của tảng băng chìm

Để tránh nhầm lẫn về khái niệm, trước hết “ngừng bắn tạm thời” là Mỹ tạm dừng chưa đánh thuế 25% như “hưu chiến” (truce) để đàm phán tiếp, chứ không phải “đình chiến” (ngừng bắn để chấm dứt chiến tranh). Thứ hai, “ngừng bắn tạm thời” chỉ liên quan đến thương mại là “phần nổi của tảng băng chìm”, trong khi Mỹ - Trung xung đột trên nhiều lĩnh vực. Thứ ba, thời hạn 90 ngày chỉ là “hoãn binh” (chiến thuật), nhưng quá ngắn để Trung Quốc có thể chuyển đổi cơ cấu như Mỹ đòi hỏi.

Khi cuộc chiến leo thang, Tập và Trump cần hoãn binh để đối phó với những vấn đề nội bộ. Trong khi Trump bị sức ép từ mấy bang trồng đậu tương và thị trường chứng khoán, Tập phải đối phó với một loạt vấn đề cấp bách trong nước. Vì vậy, Mỹ và Trung Quốc đã thông tin và lý giải khác nhau về thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày. Nhưng Trung Quốc đã không thay đổi trong 15 tháng qua thì chắc họ không thể thay đổi nhanh trong ba tháng tới.

Nói cách khác, trong khi Mỹ - Trung “đối đầu” (về chiến lược) thì họ “vừa đánh vừa đàm” (về chiến thuật). Theo Bloomberg (7-12-2018) nếu đàm phán thương mại đổ vỡ, và Trump áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc (tổng cộng 517 tỉ đô la), thì Trung Quốc sẽ tổn thất nhiều hơn. Các chuyên gia kinh tế dự báo năm 2019 tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm từ 6,5% xuống còn 5%, và chứng khoán Trung Quốc sẽ giảm 9,4%.

Lợi bất cập hại

Tại diễn đàn “Vietnam Business Outlook 2019” (2-11-2018), Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) đã nhận xét thẳng thắn “triển vọng kinh tế năm 2019 khá ảm đạm”. Nguyên nhân chủ yếu vừa do suy thoái kinh tế toàn cầu, vừa do tác động khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Theo ông Tự Anh, không nên đặt vấn đề “Việt Nam được lợi gì từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” (vì lợi bất cập hại). Một là, cuộc chiến này của Trump được sự đồng thuận của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Hai là, cuộc chiến này không chỉ về thương mại mà là cuộc chiến tổng lực để sắp xếp lại trật tự thế giới. Ba là, còn nhiều rủi ro ở phía trước nên chớ vội lạc quan, vì “bên ngoài đang có bão” (Triển vọng kinh tế Việt Nam 2019, Vũ Thành Tự Anh, the Leader, 4-11-2018).

Về kinh tế, Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng cao, nhưng khi thực hiện thì lưng chừng, nên kết quả cũng chỉ ở mức lưng chừng. Đối với các hiệp định thương mại, ký kết và thực hiện không tương ứng. Ký hiệp định thương mại chỉ là cơ hội, còn tranh thủ được cơ hội hay không lại là chuyện khác (như bài học AFTA và WTO). Nguyên nhân do năng lực chúng ta chưa được chuẩn bị tốt, như “bị trói chân tay rồi thả xuống nước để bơi”.

Tuy chưa biết xu thế đối đầu Mỹ - Trung sẽ kéo dài bao lâu, nhưng xu thế hợp tác đã kéo dài bốn thập kỷ. Cuộc chiến Mỹ - Trung không kết thúc ngay cả khi Trump và Tập ký hiệp định hòa hoãn, vì đây là cuộc chiến của thế kỷ 21 để định hình lại trật tự thế giới. Trong khi có nước xoay trục để “thân Trung” (như Philippines) là hiện tượng nhất thời (có thể đảo ngược), mấy nước khác lại xoay trục theo hướng “thoát Trung” (như Malaysia) là hiện tượng tất yếu như làn sóng “phản vệ” nên khó đảo ngược. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược và cải cách thể chế để kiến tạo một không gian sinh tồn an toàn hơn.

Nguyễn Quang Dy

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283673/de-khong-gian-sinh-ton-an-toan-hon-.html