Để kinh tế hợp tác trong nông nghiệp thực sự là điểm tựa cho phát triển

KTNT - Thực tiễn hơn 30 năm qua cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo hình thức cá thể - kinh tế hộ (khoán 100 rồi khoán 10) đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nhà nông, gia tăng số lượng và kim ngạch nông sản xuất khẩu,… Tuy nhiên, thời gian gần đây, kinh tế hộ đã bộc lộ những nhược điểm, nhất là khi nền kinh tế của chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới cùng với sự cạnh tranh gay gắt trên nhiều mặt, đặc biệt là giá thành và chất lượng.

Nói vậy vì, thực tế cho thấy, do sản xuất nhỏ lẻ ở quy mô hộ nên chi phí cao hơn khiến giá thành đội lên; và do sản xuất quy mô hộ gia đình nên chất lượng sản phẩm không đồng nhất do mỗi nhà dùng một giống, mỗi nhà chăm sóc một kiểu, nuôi trồng theo phong trào nên cung vượt cầu khiến giá hạ thấp, không bán được,… Đó là chưa nói đến việc khó áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, không có vốn để có thể nghiên cứu về giống, thị trường, xây dựng thương hiệu,… và dễ bị tư thương ép cấp, ép giá,…

Thực tế những năm gần đây cũng cho thấy, nếu có sự hợp tác trên cơ sở hài hòa lợi ích thì kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã) sẽ giúp hộ nông dân có thu nhập cao hơn dù vẫn canh tác trên diện tích cũ và là nhân tố tích cực giúp người nông dân thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận thị trường và cách làm phù hợp với thị trường, nâng cao trình độ sản xuất và tổ chức, quản trị trên mọi phương diện, qua đó nâng cao hiệu quả cho kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn, tạo nền tảng hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, kinh tế hợp tác ở ta còn yếu, còn hiện tượng bẻ kèo, phá vỡ hợp đồng, lý do đến từ cả hai phía, khi thì từ người sản xuất, khi thì do doanh nghiệp. Điều này xảy ra là do tư duy kinh tế “tiểu nông” còn nặng nề và vai trò định hướng, chỉ đạo, xử lý của Nhà nước trong mối liên kết này còn mờ nhạt.

Kinh tế hợp tác thể hiện trên nhiều cấp độ, nhỏ thì vài hộ liên kết với nhau, lớn hơn thì thành tổ hợp tác, lớn hơn nữa là hợp tác xã,... tất cả các cấp độ này hiện chúng ta đều có mô hình hoạt động hiệu quả. Bài học chung của các đơn vị này là tự nguyện trên cơ sở hài hòa lợi ích, có người đứng đầu năng động, được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền cơ sở và kết nối tốt với doanh nghiệp.

Kinh tế nông nghiệp là các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Chuỗi ngành hàng bao gồm nhiều công đoạn, bắt đầu từ giống, quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, phân phối,... Chuỗi ngành hàng tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn, khắc phục tình trạng bán nông sản thô giá trị thấp. Điều này chỉ có được khi có hợp tác xã đủ mạnh và có sự liên kết với doanh nghiệp. Điều này thể hiện rất rõ ở các nước có nền kinh tế nông nghiệp phát triển..

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý, hợp tác xã nông nghiệp của ta có hai điểm nghẽn mà bản thân người nông dân không thể giải quyết được. Đó là nhân lực quản trị cùng nguồn vốn thiếu và yếu.

Để kinh tế hợp tác, nhất là hợp tác trong nông nghiệp phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn, thực sự là điểm tựa cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư và không để người nông dân nào tụt lại phía sau, theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Chính phủ cần có nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp, không nên đặt nặng mục tiêu huy động tăng trưởng của khu vực kinh tế họp tác xã nông nghiệp; cần có trường đào tạo chuyên về quản lý và điều hành hợp tác xã; và Chính phủ cần hỗ trợ thành lập các hiệp hội ngành hàng cấp vùng.

Theo nhiều chuyên gia, trước hết, Nhà nước cần sớm hoàn thiện thể chế tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác phát triển. Thứ hai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực quản lý hợp tác xã. Thứ ba, có chính sách hỗ trợ, cho vay vốn đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, nhất là những đơn vị thực hiện sản xuất ứng dụng công nghệ cao hoặc nông nghiệp hữu cơ. Thứ tư, có chính sách ưu đãi về thuế cho hợp tác xã và xã viên. Thứ năm, sớm có hướng xử lý nợ cũ của các hợp tác xã. Thứ sáu, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, nhất là những chính sách mới về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thứ bảy là nghiên cứu và sớm ban hành nghị định hướng dẫn việc xây dựng mô hình kinh tế tập thể trên cơ sở hợp tác giữa nhà nông và doanh nghiệp.

Ý kiến bạn thế nào? Bạn có thể chia sẻ ý kiến vào “Ý kiến bạn đọc” ngay dưới bài viết này trên kinhtenongthon.vn hoặc qua Email baoktnt@vnn.vn. Trân trọng cảm ơn!

Hiền Trang

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/de-kinh-te-hop-tac-trong-nong-nghiep-thuc-su-la-diem-tua-cho-phat-trien-post2067.html