Để kinh tế thị trường hiện đại phát triển....

Tại tọa đàm 'Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam' do Ban Kinh tế Trung ương và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã có những phân tích, đánh giá về những mặt tích cực và hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế thị trường tại Việt Nam. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến.

TS Nguyễn Đình Cung.

TS Nguyễn Đình Cung.

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Trọng tâm là cải cách thể chế

Với Việt Nam, kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa có khác biệt với kinh tế thị trường hiện đại là vai trò của Nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội. Muốn đổi mới kinh tế trong giai đoạn đến năm 2030, ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận thì phải thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước với thị trường. Ngoài ra, cần có giải pháp giúp thị trường hoạt động không méo mó, không sai lệch.

Ở cấp độ kinh tế thị trường, vai trò Nhà nước và vai trò thị trường không thể tách rời, không thể đối nghịch nhau mà phải bổ sung cho nhau. Như vậy, cần đánh giá cả trên yếu tố mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và cả hiệu lực Chính phủ.

Để chuyển sang kinh tế thị trường hiện đại, trọng tâm nên đặt vào cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp luật để thúc đẩy phát triển thị trường sản xuất, bao gồm vốn, đất đai, quyền sử dụng đất nông nghiệp, lao động, khoa học công nghệ và các tài sản nói chung.

Việt Nam cần xây dựng các công cụ để theo dõi sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại, cần nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng cách thức tính toán, nguồn số liệu của từng chỉ tiêu, chỉ số.

TS Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng CIEM: Cần nỗ lực và kiên trì

Trên thế giới đã có 90 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nhưng theo đánh giá của Mỹ, Liên minh châu Âu, Việt Nam chưa được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường, theo các tiêu chí, tiêu chuẩn riêng của họ. Ngay cả Trung Quốc cũng chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường. Thực tế ở Việt Nam, nhiều ngành và lĩnh vực, cụ thể là thị trường đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng tiêu chí để đánh giá nền kinh tế thị trường ở đây lại rất thấp.

Cần phải đẩy mạnh gỡ bỏ rào cản trong thể chế, Nhà nước điều hành không can thiệp sâu vào thị trường, chỉ nắm giữ ngành quan trọng, cốt yếu để Việt Nam có nền kinh tế thị trường thực sự. Theo đó, nếu Việt Nam được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường thì sẽ có nhiều lợi thế về xuất nhập khẩu, tài chính, tiền tệ... Vì vậy, cần nỗ lực và kiên trì chuyển sang kinh tế thị trường và cải thiện chỉ số tự do kinh tế.

Đã đến lúc cần quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam

Để làm được điều đó, trước hết phải làm tốt trách nhiệm giải trình, nhất là về chi tiêu công, thì việc thúc đẩy kinh tế thị trường sẽ nằm trong tầm tay. Chẳng hạn, câu chuyện về một huyện ở Thanh Hóa nợ tiền tiếp khách tới 50 tỉ đồng và không biết hiện nay đã được giải quyết thế nào? Đây là ví dụ về trách nhiệm giải trình. Mặt khác, với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, bên cạnh những tác động tiêu cực, đó cũng là một “động lực” thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế thị trường.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch VCCI: Phân bổ nguồn lực hợp lý

Xây dựng nền kinh tế thị trường là mong muốn chung được nhắc đến từ lâu ở Việt Nam và thực tế đã được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp, các văn bản... Nhưng thực tế trải nghiệm và qua các cuộc điều tra khảo sát thì “khoảng cách từ miệng đến tay còn xa vời lắm”. Ở Việt Nam, để xóa được khoảng cách từ văn bản chính sách cho đến hành động cụ thể, cũng phải dùng câu nói “nhất tiền tệ, nhì quan hệ”.

Nghị quyết, văn bản xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện tại không thiếu, song quan sát thì thấy chủ yếu vẫn là tinh thần “tháo gỡ rào cản” trong môi trường kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp. Nhưng bao năm nay, các văn bản, nghị quyết vẫn loay hoay tháo gỡ rào cản mãi cũng không xong. Trong khi đó, trên thế giới, nhiều quốc gia đã chuyển đổi sang giai đoạn quản trị để thuận lợi hóa môi trường đầu tư.

Nếu nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, còn rất nhiều vấn đề để trở thành nền kinh tế thị trường thực sự, đúng nghĩa. Cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam gồm có: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI và khối tư nhân. Nhưng các chính sách hiện nay chủ yếu là ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Những năm gần đây, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh nhưng sự phát triển đó là nhờ có mối quan hệ thân hữu. Bởi, nếu không có mối quan hệ, các doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận được với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và không có cách nào để lớn được. Trong cơ cấu GDP hiện nay, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đóng góp phần lớn, mức độ đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân chưa đến 10% thì làm sao chúng ta có nền kinh tế thị trường?

Sau 30 năm đổi mới, muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao cần một cuộc cải cách thực sự lần thứ hai thay cho những cải cách trên giấy tờ. Đây là khát vọng chính đáng. Hiện Việt Nam có nguồn lực để thực hiện khát vọng này, nếu phân bổ lại các nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả thì kết quả sẽ khác nhiều.

Đức Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/de-kinh-te-thi-truong-hien-dai-phat-trien-575925.html