Để lại tuổi trẻ ở trên núi

Tôi sống ở thành phố. Nhưng tâm hồn và trái tim tôi thì neo đậu trên những ngọn núi, nơi yên tĩnh nhất, nơi tôi đơn độc và tự do.

Mặt trời lên ở bên trái tôi. Trời lạnh buốt. Một ít gió cũng lạnh buốt. Vài tia nắng ấm khiến người ta thấy như được bao bọc bởi một vòng tay ôm thật dịu ngọt. Lâu lắm rồi tôi mới trở lại đây, vùng cực Tây Hà Giang, khí hậu tương đồng với Tây Bắc hơn là phần còn lại. Mùa hè nắng nóng, mùa đông lạnh giá. Đất đai cằn cỗi. Những cánh rừng nghèo nàn, khô khốc. Đất đỏ ối.

Giờ vẫn đang là mùa xuân. Người Mông vừa ăn Tết tháng Hai, cái tết to nhất của họ. To hơn Tết Nguyên đán. Đó thực ra là Tết cúng rừng. Ông trưởng họ sẽ xem chân gà và quyết định cả đại gia đình sẽ phải kiêng cữ một, hai hay ba, năm ngày. Nếu cái chân gà không mang đến may mắn thì thời gian kiêng cữ sẽ dài hơn.

Những ngày đó người ta không làm gì hết, đặc biệt không động đến nông cụ, không động vào rừng, cũng không động vào đất đai. Người lớn, trẻ con đều chỉ chơi, nấu ăn, uống rượu. Đó là lý do mà tôi gặp những bà Mông xúng xính trong những bộ váy áo, khăn, xà cạp, giày và đồ trang sức bạc. Ở đây không có khách du lịch. Dù sao, tôi không thích lắm những dấu chân đang làm biến dạng miền núi chất phác của tôi.

Đường vào một điểm trường ở Xín Mần, Hà Giang.

Đường vào một điểm trường ở Xín Mần, Hà Giang.

Lần đầu tiên tôi đến đây là đầu năm 1997. Đó là lúc rất ít xã có đường ô tô. Từ huyện lỵ đi vào chỉ có một cách duy nhất là đi bộ. Tôi đã gặp ở đây một nhóm thầy cô giáo. Họ sống chung trong một ngôi nhà trình tường hở hoang hoác. Bấy giờ cũng là mùa xuân nhưng trời còn lạnh lắm. Giữa nhà là bếp lửa, một cô giáo bế con đang hong quần áo trẻ con trên một cành cây gác bên cạnh bếp. Trời ẩm ướt vô cùng. Bên ngoài tầm nhìn chỉ hết cái sân cũng ướt nhem nhép.

Trong căn nhà ấy có ba cặp vợ chồng và bốn người độc thân. Ba cặp vợ chồng có ba chiếc giường, còn bốn người độc thân gồm hai trai hai gái chỉ có một chiếc giường còn lại. Khi nào hai cô giáo ngủ giường thì hai thầy bắc tạm ghế ngủ, khi nào các cô thức dậy thì hai thầy lại lò dò lên giường.

Tôi ngồi trên chiếc giường đó, nhìn qua ô cửa nhỏ tí xíu ra ngoài. Ngoài sân, một cây lê đang ra hoa. Những bông hoa ướt át.

Huyện, cô giáo trẻ nhất, vừa được phân công lên đây chưa đầy tháng, lấy cho tôi xem mấy thỏi son. Những thỏi son khô khốc, nứt vỡ. Cô cũng lục hòm cho tôi xem mấy cái quần bò. Ở nơi này, dù là thâm sơn cùng cốc, lũ trẻ đến trường có đứa còn cởi truồng, các cô giáo vẫn không được phép mặc quần bò lên lớp.

Tôi hỏi Huyện có buồn không? Hỏi thế thôi chứ biết câu trả lời rồi.

Một điều gì đó hẳn phải đặc biệt lắm mới khiến cô gái có cặp má hồng hào này quyết định ở lại đây.

Tôi ở lại và ăn bữa trưa với các cô giáo. Chủ nhật nên bọn trẻ con nghỉ học và các cô có thời gian rảnh rỗi để rang mèn mén trong chiếc chảo gang có một chút mỡ. Mèn mén vốn dĩ là thứ rất khó nuốt đã trở nên thơm ngon hơn, trở thành một món ăn vặt nhí nhách cho đám phụ nữ trong buổi chiều mưa gió buốt giá ấy.

Bọn tôi nói về tình yêu. Hẳn là nói về tình yêu, khi cả tôi và Huyện đều đang chẳng có mảnh tình nào vắt vai. Nhưng tôi thì ngày mai sẽ đi nốt hành trình, dù vất vả đến nỗi khi quay về huyện kiểu gì đôi giày vải cũng há hoác ra vì ngấm nước, gót chân phồng rộp sưng tấy. Cuối cùng tôi cũng có thể trở về nhà và ngồi trong xó tối viết những dòng trĩu nặng tâm can. Còn Huyện thì sẽ ở lại đấy chưa biết đến khi nào, có lẽ là rất lâu.

Kỳ lạ thay, hai mươi sáu năm sau, tôi gặp lại Huyện.

Hai mươi sáu năm là một quãng thời gian không hề ngắn trong cuộc đời một con người, nhất là hai mươi sáu năm trọn vẹn thanh xuân. Tóc tôi và Huyện đều đã pha màu, những nếp nhăn đầy trên khóe mắt. Nhưng tôi đã nhận ra em cùng lúc em nhận ra tôi.

- Chúng ta đã gặp nhau rồi, ở đây, đầu năm 1997. Tôi nói với Huyện. Em cười, nước mắt ứa ra.

- Bây giờ thì đã bớt khổ nhiều lắm rồi chị ơi. Huyện nói.

Em đã có gia đình, làm mẹ, trước cả tôi.

Tôi thì đã rời xa miền núi sau lần gặp em. Tôi đi học, rồi tôi không về nữa.

Khi đó, lúc gặp Huyện, tôi còn là một cô gái. Ba lô sau lưng, máy ảnh trước ngực, mũ lưỡi trai và giày vải, quần bò áo phông, lầm lũi băng qua những con đường ngựa đi, người đi ngập phân gia súc.

Lớp 1 của cô giáo Huyện hôm nay, tại trường tiểu học bán trú Nàn Ma, Xín Mần, Hà Giang.

Đấy là tuổi trẻ của tôi. Những ước mơ vạm vỡ, những tháng ngày nồng nhiệt và mê say. Đó cũng là những ngày tháng Huyện phải lội bộ đến từng nhà vận động các ông bố bà mẹ đồng ý cho trẻ con đến trường.

- Ở nhà ăn ngô, đi học cũng ăn ngô, vậy thì đi học làm gì?. Ông bố vặn vẹo cô giáo.

- Đi học để sau này làm cán bộ, không còn vất vả nữa. Cô giáo nói.

Ông bố thủng thẳng hỏi tiếp:

- Ai cũng làm cán bộ thì ai làm dân cho?

Cô giáo ngồi im, mặt đỏ dừ. Quá bối rối trước một câu hỏi khó bằng lên trời hái sao như vậy. Cô nhìn quanh nhà, thấy mấy bao phân bón dựng ở góc bếp:

- Không thích làm cán bộ thì thôi, nhưng phải biết chữ. Tháng sau người ta sẽ không cho nhà bác điểm chỉ khi lĩnh phân bón nữa đâu, phải ký sổ đấy. Nhà bác có ai biết ký không?

Chủ nhà im lặng. Tiếng thuốc lào rít lên sòng sọc, khói phả mù mịt.

Cô giáo đứng lên. Ông bố bảo con:

- Mày đi theo cô giáo đi!

Cô giáo nổ xe máy ngoài sân, chờ. Thằng bé mặt mũi nhọ nhem không biết bao ngày chưa rửa, hì hục leo lên yên xe.

Cô trò đi ngang bụi tre, nó giật áo cô:

- Cô giáo dừng xe cho tao đi đái!

Chả nhẽ không dừng, nhỡ nó tè ra thì làm sao.

Thằng bé đi ra sau bụi tre, và nó biến mất luôn.

Khi một đứa bé đã cố tình trốn trong ngôi làng của nó, trời tìm. Cô giáo bé nhỏ ấy đã đứng bên bụi tre khóc nức nở.
Thằng bé không biết rằng để đi được vào đến đây cô đã phải dắt xe lội bộ qua mấy vũng lầy ngập đến đầu gối. Mà bây giờ thì đã gần trưa, bát cơm nguội ăn từ sáng sớm đã bay biến đi đâu mất rồi.

Khóc chán rồi tự lau nước mắt, đi về.

Hôm sau lại đến. Bố mẹ thằng bé đồng ý cho con đi học nhưng nó thì không. Ở nhà thích hơn. Mẹ nó chỉ lên gác, nơi cất ngô, mù mịt khói bếp. Thằng bé trốn ở trên đấy.

Cô giáo lò dò đi lên gác ngô, tối om, chỉ có vài tia sáng từ mái nhà bị thủng chiếu xiên xiên. Cô cõng nó xuống nhà. Thằng bé khóc váng lên mặc dù vẫn ôm cổ cô.

Đó là những ngày tháng khó nhọc. Rất khó nhọc với tuổi trẻ của chúng tôi. Tôi đã từng trượt chân ngã nhoài trên con đường mòn lầy lội, phân trâu phân ngựa lẫn với bùn nhão. Khi ngã, phản xạ duy nhất mà tôi có là cố giơ cao cái máy ảnh để nó không chìm nghỉm trong bùn cùng với tôi. Trời còn mưa phùn nữa chứ. Đi một đoạn rất xa mới thấy cái máng nước người ta cắm vào khe núi có dòng nước nhỏ chảy ra, đứng đó mà gột bùn. Trong lúc đó, những đóa hoa dại nhỏ li ti màu vàng đang vươn ra như thể muốn nói một lời chào. Có cái gì đó thật khôi hài.

Học sinh tiểu học ở trường chính. Để học sinh không phải đi học quá xa, các trường miền núi có trường chính và các điểm trường.

Một sáng tinh mơ, vẫn trong chuyến đi ấy, tôi đi bộ dọc theo đường mòn. Là đường biên giữa hai quốc gia. Con đường ấy chỉ rộng chừng năm mươi centimet. Bên trái là đất ta, bên phải là đất họ. Tức là tôi chỉ nhấc chân một cái là đã có thể ở trên lãnh thổ của nước láng giềng. Những bông hoa giống như hoa thủy tiên, tím thẫm, nở rộ trong ánh sáng mờ ảo đầu ngày.

Từ trạm biên phòng cửa khẩu, một anh lính đang dùng ống nhòm để dõi theo tôi. Phía trước tôi có một cặp vợ chồng gùi đầy nông sản. Đó là ngày chợ phiên bên kia biên giới. Chỉ đi qua một cái cửa khẩu y như cửa hàng rào hàng xóm là có thể đi chợ phiên, bán nông sản, mua đồ dùng sinh hoạt, quá trưa thì quay về. Tôi đứng giữa hai dải hoa tím miên man ấy, một điều gì đó thật ấm áp dễ chịu, một niềm thương mến đất đai, núi đồi, sương gió dâng lên thật đầy.

Đôi khi nhìn bản đồ Tổ quốc tôi nghĩ, thật kỳ lạ khi trên dải đất này lại có những vùng không gian quá xa lạ và khác biệt với nhau. Tôi sống ở thành phố. Nhưng tâm hồn và trái tim tôi thì neo đậu trên những ngọn núi, nơi yên tĩnh nhất, nơi tôi đơn độc và tự do.

Sống một cuộc đời như thế, mỗi khi ngoảnh lại thấy thật biết ơn tuổi trẻ vì đã tạo ra những hồi ức đẹp đẽ nhất trong tâm trí này.

Khi tôi quay xe để xuôi xuống dốc, Huyện đứng ở cửa lớp nhìn theo. Tôi thấy nụ cười của cô đậu mãi trên gương chiếu hậu. Tạm biệt em, cô giáo.

Bài và ảnh: Đỗ Bích Thúy

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/de-lai-tuoi-tre-o-tren-nui-38976.html