Để 'loài hoa độc' không còn đất sống

Từ nhiều thập kỷ qua, có một thực tế là các ban, ngành chức năng thuộc nhiều địa phương ở vùng cao miền Trung và phía Bắc tổ chức những đội công tác liên ngành đi phá, nhổ cây thuốc phiện, nhưng 'loài hoa độc' vẫn cứ tồn tại như thách thức sự quyết liệt của cơ quan công quyền. Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng buồn này, song, nguyên nhân lớn nhất, cơ bản nhất là do một bộ phận người dân trên địa bàn vẫn lén lút cất giữ hạt giống cây thuốc phiện, âm thầm 'ươm mầm sống', để nó len lỏi bám rễ ở khắp chốn rừng sâu, núi thẳm…

BĐBP Hà Giang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phá nhổ cây thuốc phiện người dân trồng trên địa bàn biên giới. Ảnh: PV

Những quan niệm cũ và nỗi lo mới

Vùng rừng núi phía Bắc và Tây Nghệ An xưa kia được mệnh danh là "cái rốn" của cây thuốc phiện; cho đến bây giờ lại đang hiện hữu tình trạng tái trồng một cách mạnh mẽ, các cơ quan chức năng địa phương ngày đêm phải căng mình chống lại sự "quyến rũ chết người" của nó. Trên thực tế, trong giàn bếp của không ít hộ gia đình dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Mông ở đây chứa hạt cây thuốc phiện để sẵn sàng "nối mùa" vì họ còn quan niệm rằng, thân, hoa và nhựa của cây thuốc phiện là một loại "thần dược", có thể chữa được nhiều loại bệnh khác nhau, nhất là viêm tá tràng, đau bụng kinh niên, viêm khớp… Tất nhiên, trong số những người lén lút trồng thuốc phiện, có cả những đối tượng là đệ tử của "nàng tiên nâu", hay những kẻ bất chấp quy định của pháp luật để kiếm lợi trên sự đau khổ, tàn tạ của những người nghiện.

Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng lén lút trồng cây thuốc phiện thường canh tác loại cây này tại các khu vực hiểm trở, khuất lối đi, hoặc những nơi giáp ranh giữa các xã, khu vực rừng nguyên sinh um tùm, rậm rạp. Tinh vi hơn, họ gieo trồng cây thuốc phiện xen lẫn cùng các loại rau màu nên rất khó khăn cho việc phát hiện. Đó là chưa kể nhiều trường hợp gieo trồng thuốc phiện theo kiểu "du kích" thành những mảnh nhỏ ở các khe núi sâu, trong rừng già, khiến lực lượng chức năng phát hiện thấy diện tích cây thuốc phiện nhưng không xác định được chủ. Do người trồng áp dụng triệt để những "chiêu độc" như vừa nêu, nên dù những "cuộc chiến" tổng lực liên tục được tổ chức nhằm triệt tận gốc cây thuốc phiện, nhưng tình trạng trồng cây thuốc phiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, từ đầu năm 2015 trở lại đây, tình hình tái trồng cây thuốc phiện tiếp tục diễn ra ở Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An… trong đó, Lai Châu có diện tích tái trồng cây thuốc phiện được phát hiện nhiều nhất (gần 95.000m2); riêng huyện Mường Tè có diện tích cây thuốc phiện nhiều nhất, trên 75.000m2. Cũng cần lưu ý rằng, trước đó, chỉ trong hai năm 2013-2014, đã có hơn 10ha cây thuốc phiện đã được các đồn BP trên địa bàn tỉnh Lai Châu phối hợp với chính quyền địa phương phá nhổ.

Điều đáng lưu ý là thời gian qua, hiện tượng gieo trồng cây thuốc phiện theo kiểu "du kích", với quy mô nhỏ tại các địa phương diễn ra khá nhiều. Cuối tháng 3-2016, tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu; các xã Quang Phong, Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An, cơ quan chức năng địa phương phát hiện trên 10 hộ trồng cây thuốc phiện (mỗi hộ trồng từ 50-70 cây trong tổng số gần 500 cây).

Cũng trong thời gian này, Đồn BPCK quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng phát hiện có hơn 3.000 cây thuốc phiện được trồng tại địa bàn thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa. Cách đó chưa lâu, Đồn BP Bạch Đích, BĐBP Hà Giang cũng đã phát hiện gần 1.000 cây thuốc phiện được trồng địa bàn xã Thắng Mố, huyện Yên Minh. Đây chính là "nỗi lo mới", mà nếu các cơ quan chức năng địa phương không lưu tâm, rất dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, dẫn đến diện tích trồng cây thuốc phiện ngày càng âm thầm phát triển.

Cần các biện pháp quyết liệt từ cơ sở

Theo các cơ quan chức năng, hiện nay, dù biết rõ pháp luật cấm đoán ngặt nghèo hành vi trồng cây thuốc phiện, nhưng một bộ phận người dân vẫn lén lút cất giấu hạt giống, để có thời cơ là gieo xuống đất. Khi cây mọc lên, bị phát hiện, bắt nhổ thì họ nhổ, nhưng khi cán bộ rút đi thì đâu lại vào đấy. Thực trạng này cho thấy, các cơ quan chức năng địa phương cần kiên trì tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống quyết liệt từ cơ sở.

Các xã, các bản trong vùng có nguy cơ cao về tái trồng cây thuốc phiện phải tổ chức quán triệt đến từng hộ dân Luật Phòng chống ma túy, trong đó đi sâu vào những điều, khoản quy định xử lý người cố tình trồng cây thuốc phiện. Từng hộ gia đình cũng cần phải ký cam kết không trồng cây thuốc phiện. Để thực hiện tốt được việc này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng thuốc phiện, đồng thời tăng cường kiểm tra các địa bàn trước đây dân thường trồng loại cây này.

Tất nhiên, để loại bỏ cây thuốc phiện, không chỉ có lực lượng chức năng mà cần có sự tích cực vào cuộc của cả cộng đồng trong việc tuyên truyền về tác hại của ma túy, phát hiện, vận động, tố giác các đối tượng trồng cây thuốc phiện, cũng như tổ chức xét xử các vụ án điểm trong lĩnh vực này nhằm tăng sức răn đe, giáo dục. Về lâu dài, các địa phương cần có các giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.

Được biết, từ trước đến nay, nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội hỗ trợ triệt thoái cây thuốc phiện và các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm xóa bỏ các diện tích trồng thuốc phiện như mô hình chăn nuôi bò thịt, dê, trồng măng ở Sơn La, trồng lúa cho năng suất cao ở Yên Bái, Lào Cai… đã phát huy hiệu quả rất cao. Trước tình hình hiện nay, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nhân rộng các mô hình, dự án này ở những nơi thuộc vùng tái trồng cây thuốc phiện để góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, bởi đó chính là một yếu tố cơ bản để cây thuốc phiện không còn đất sống và gây ra những hậu quả khôn lường.

P.V

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/de-loai-hoa-doc-khong-con-dat-song/