Để mai vàng mãi là giá trị ngày xuân

Thấy mai vàng nở là thấy xuân về. Nhưng mai vàng đâu chỉ là một nhành mai mà là một kho tàng văn hóa của Việt Nam. Tri thức truyền thống này là một miền công cộng (public domain) bất tận cho công chúng tự do sáng tạo trên cơ sở kế thừa.

Thử tưởng tượng sự tổn thương nếu một ngày chúng ta bắt gặp hình tượng mai vàng trên pháp lam triều Nguyễn xuất hiện đâu đó ở một sản phẩm nước ngoài dưới một hình thức khác, tên gọi khác, mà không ai hay biết nguồn cội của nó chính là đất Việt. Sự chiếm dụng văn hóa dạng này được cảnh báo là đang đe dọa các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Việt Nam có thể phát triển thương hiệu mai vàng bằng sở hữu trí tuệ.

Ngày bé, giữa cả trăm việc không tên phải phụ giúp gia đình đón Tết, tôi vẫn thường xung phong tỉa lá mai. Bởi có lẽ là chẳng đứa trẻ nào thích lọ mọ quét nhà hay lau bàn ghế. Thay vào đó, được tung tăng ngoài vườn với cây cối đang sắp vào mùa nảy lộc đâm chồi, rồi tưởng tượng mình như một nghệ nhân Bonsai đang tỉ mẩn tỉa tót từng lá, từng lá một… thú vị hơn chứ. Rồi ngày Tết khách đến chơi khen mai năm nay nở đẹp quá, tôi sẽ đứng đâu đó vỗ ngực tự hào: “là nhờ công cháu cả đấy”. Cứ vậy, những gốc mai vàng ươm đã hằn sâu trong tâm tưởng của một đứa trẻ vốn chẳng phải quá nhiều đam mê với cây cỏ.

Nhìn mai nở là thấy xuân về

Mỗi năm, khi tiết lập xuân trở nên ấm áp cũng là lúc những mầm mai dần trút lớp vỏ trấu. Bên cạnh cánh đào hồng thắm, mai vàng có lẽ là hình ảnh dễ làm lòng người xuyến xao bồi hồi nhất về cái Tết truyền thống đã từ rất xa xưa.

Không biết tự khi nào, mai vàng đã gắn bó với người Việt mỗi độ Tết về, đặc biệt là từ Huế trở vào miền Nam. Nhưng hoa mai hiện diện gần như khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S này. Đó có thể là đại lão mai vàng Yên Tử (Quảng Ninh) 700-800 năm tuổi, được cho là đã trồng từ thời Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông rời kinh đô đến chốn non thiêng. Mai vàng hay hoàng mai năm cánh cũng là biểu tượng của cố đô Huế, nơi mà những gia đình xưa thường có một gốc mai cổ trồng ở khoảnh sân trước nhà. Vào sâu phía Nam, mai vàng Bình Định lại trổ hoa nhiều cánh và ươm vàng rực rỡ hơn, có lẽ là nhờ hấp thụ nắng ấm quanh năm.

Cổ nhân Trung Hoa suy tôn mai, tùng, trúc là tuế tàn tam hữu (ba người bạn mùa đông), mãnh liệt vượt qua cả mùa sương tuyết trắng xóa. Mặc dù mai vàng phổ biến ở Việt Nam không phải là giống tuyết mai nói trên, người Việt xưa cũng nặng lòng với cánh hoa mai chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ít có loài hoa nào vừa đại diện cho sự cao sang, quyền quý, vừa biểu trưng cho đức quân tử, nhẫn nại và vượt lên nghịch cảnh như vậy. Những bông mai nhã nhặn, tinh khiết, mà sang trọng, trang đài như là chính tâm hồn thanh cao nhưng rất đỗi bình dị ngàn đời của dân tộc ta.

Không chỉ là nhành hoa, mai vàng là cả kho tàng văn hóa

Nhành mai là nguồn cảm hứng ngàn năm của thi ca Việt Nam. Hoa mai thường xuyên xuất hiện trong thơ văn thời Lý – Trần mà có lẽ nổi tiếng nhất phải kể đến đôi câu thơ của Mãn Giác thiền sư: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ Nhất Chi Mai” (Cứ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai). Các nhà thơ lỗi lạc như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Du cũng không ít lần bộc bạch tấm lòng sùng bái đối với loài hoa thanh khiết ấy. Mặc dù sau này nhiều học giả chỉ ra rằng, hình tượng “mai hoa” thời Lý – Trần thực chất là mai trắng – tuyết mai chứ không phải là mai vàng ngày Tết(1), nhưng có lẽ chính sự nhầm lẫn lâu đời đó vô tình truyền thêm sức sống và giá trị mãnh liệt hơn cho mai vàng trong lòng người Việt. Ngay cả Bác Hồ giữa dòng chiến dịch cũng ngừng lại ít giây bồi hồi trước cành mai vàng thắm: “Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ/Mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân” (Đường về chợt gặp cây mai núi/Mỗi đóa hoa vàng một nét xuân)(2).

Nhắc đến thú chơi mai ngày Tết thì không thể không nhắc đến hoàng mai Huế. Mai đứng đầu trong bộ tứ quý (mai – lan – cúc – trúc) để biểu tượng cho mùa xuân. Từ mấy trăm năm Thuận Hóa – Phú Xuân, mai được tôn vinh nhất mực khi điểm xuyết khắp đền đài, lăng tẩm, vật dụng… Các cặp hình tượng đặc sắc nhất là mai thọ (mai và chữ thọ), mai hạc (mai và chim hạc), mai thạch (mai và đá) được chạm trổ công phu trên điện Thái Hòa, miếu Thế Tổ, cung Diên Thọ, điện Long An… hay trên các đồ pháp lam, đồ đồng, đồ gỗ…(3).

Hoa mai trên pháp lam Huế. Nguồn: Gwenn Klabbers trên Unsplash

Hoa mai trên pháp lam Huế. Nguồn: Gwenn Klabbers trên Unsplash

Tất cả những gì kể trên đều là tinh túy tụ hội từ hàng bao đời thăng trầm của lịch sử. Mai vàng đã trở thành một phần văn hóa. Đặc biệt hơn, hoa mai không chỉ nằm yên trên cổ vật, di sản mà còn trở thành nguồn tri thức truyền thống cho thế hệ mai sau được gìn giữ và khai thác. Tri thức này là một miền công cộng bất tận cho công chúng tự do sáng tạo trên cơ sở kế thừa. Nhưng thử tưởng tượng sự tổn thương nếu một ngày chúng ta bắt gặp hình tượng mai vàng trên pháp lam triều Nguyễn xuất hiện đâu đó ở một sản phẩm nước ngoài dưới một hình thức khác, tên gọi khác, mà không ai hay biết nguồn cội của nó chính là đất Việt. Đó cũng là rủi ro từng ngày đe dọa các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.

Tình trạng nêu trên còn được gọi là chiếm dụng văn hóa, làm đau đầu các chuyên gia pháp lý trên toàn thế giới. Thế nhưng, tri thức truyền thống hay các hình thức thể hiện khác của văn hóa dân gian không có chỗ đứng độc lập trong hệ thống quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) còn lập cả một bộ phận chuyên trách về tri thức truyền thống, chưa bất kỳ văn kiện pháp lý quốc tế nào chính thức ghi nhận đối tượng nói trên. Pháp luật Việt Nam cũng chỉ đề cập rất mờ nhạt về sự hiện diện của tri thức truyền thống, trong đó gồm bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên, văn hóa dân gian đâu chỉ có mỗi mình thơ ca. Với trường hợp của mai vàng, ngoài văn học, hội họa, điêu khắc, chính cây hoa mai cũng tự mình mang về giá trị thương mại riêng biệt. Thú chơi mai, hay nghề trồng mai nói chung đang là nguồn lợi kinh tế rất lớn ở nhiều địa phương từ Trung Trung bộ đến Nam bộ, chẳng hạn như Huế, Bình Định, Cần Thơ, Bến Tre, Long An… Phần lớn đó đều là những vùng có nghề trồng mai lâu đời, kế thừa và phát triển từ giống cây đến kỹ thuật chăm sóc; từ đấy, cây mai của mỗi nơi lại mang một vẻ độc đáo không hề bị pha lẫn. Trong quá trình thương mại hóa, mai vàng sẽ cần đến các hình thức bảo hộ cao hơn như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thậm chí là sáng chế (đối với giải pháp kỹ thuật trồng mai).

Phát triển thương hiệu mai vàng bằng sở hữu trí tuệ

Nhãn hiệu là yếu tố tiên quyết để bảo hộ một sản phẩm khi lưu thông trên thị trường. Nhưng nhãn hiệu mang tính độc quyền, tức là chỉ duy nhất chủ sở hữu mới được sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký. Mai vàng lại thường nổi tiếng theo địa danh vùng trồng nên không thể dùng tên đó để đăng ký nhãn hiệu thông thường, bởi sẽ gây ra cạnh tranh bất hợp lý cho các nhà vườn khác trên cùng địa bàn. May mắn là hệ thống bảo hộ nhãn hiệu còn có hai hình thức khác là nhãn hiệu tập thể, hoặc nhãn hiệu chứng nhận, cho phép nhiều chủ thể đủ điều kiện cùng lúc sử dụng nhãn hiệu. Khi đó, tên địa danh nổi tiếng với nghề trồng mai có thể được một tổ chức tập thể (ví dụ: hợp tác xã) hoặc chính quyền địa phương hay một bên thứ ba độc lập đăng ký và cho phép những nhà vườn đáp ứng được quy chế sử dụng đưa sản phẩm mai vàng ra thị trường.

Một cấp độ bảo hộ cao hơn đó là chỉ dẫn địa lý. Về bản chất, chỉ dẫn địa lý cũng có cơ chế tương tự như nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu chứng nhận. Tuy nhiên, đối tượng này đòi hỏi sản phẩm phải có danh tiếng, chất lượng đặc thù do chính các điều kiện tự nhiên và con người của khu vực địa lý đó tạo nên. Vì vậy, cơ chế bảo hộ bằng chỉ dẫn địa lý chỉ có thể áp dụng đối với những vùng trồng mai lâu đời, tạo dựng được uy tín lớn trên khắp cả nước. Tất nhiên là bên cạnh các loại hình vừa nêu trên, mỗi nhà vườn cũng cần xây dựng nhãn hiệu riêng của cơ sở mình để tăng mức độ nhận diện thương hiệu.

Từ nghệ thuật đến khoa học, từ địa danh đến chỉ dẫn địa lý

Trồng mai, làm giàu và nổi tiếng từ mai là cả một nghệ thuật, nhưng để nghệ thuật đó được bảo hộ bởi cơ chế pháp lý vững chắc như chỉ dẫn địa lý đòi hỏi phải chứng minh bằng khoa học. Điều này là vô cùng khó khăn không chỉ bởi điều kiện bảo hộ khắt khe mà còn bởi nghề trồng mai phần lớn dựa trên kinh nghiệm, thiếu các dữ kiện khoa học. Để một vùng trồng mai có thể được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chủ đơn đăng ký phải có nguồn lực lớn để nghiên cứu dữ liệu trong nhiều năm; từ đấy tìm ra được mối liên hệ mật thiết giữa chất lượng đặc thù tạo nên danh tiếng của cây mai vùng đó với điều kiện tự nhiên (nguồn nước, lượng mưa, bức xạ nhiệt, thổ nhưỡng,…) và tay nghề người trồng mà không nơi nào có được. Chất lượng phải được duy trì ổn định qua nhiều năm trên số lượng cây trồng rộng rãi.

Năm 2007, khi rừng mai “đại lão” được phát hiện ở Vườn quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh), người ta vừa vui sướng vừa ngỡ ngàng khi trước giờ vốn nghĩ thời tiết lạnh giá của miền Bắc không phù hợp với loài cây này. Tỉnh Quảng Ninh lập tức đưa rừng mai vàng vào hạng mục bảo tồn đặc biệt, đồng thời nghiên cứu cơ sở pháp lý để bảo hộ giống mai một cách tốt nhất. Chính nhờ những hành động tích cực đó, 5 năm sau, UBND tỉnh Quảng Ninh nộp hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai Vàng Yên Tử (được cấp vào năm 2013). Nhìn vào quyết định cấp văn bằng bảo hộ sẽ nhận ra ngay hàm lượng tri thức khoa học đã được đầu tư để gặt hái thành quả, chẳng hạn: “Từ tháng 12 đến tháng 3 Dương lịch (thời kỳ cây rụng lá, ra mầm, ra nụ và nở hoa), biên độ nhiệt ngày đêm cao: 15-20 độ C”/“Vào các năm không nhuận, tuốt lá trước Tết Nguyên đán 40 ngày. Vào các năm nhuận, tuốt lá trước Tết Nguyên đán 35 ngày”. Các chứng cứ khoa học được kết hợp hài hòa cả yếu tố tự nhiên lẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc của con người.

Tiếp bước Yên Tử, hai địa phương nổi tiếng về mai ở miền trung là Huế và Bình Định cũng đang nỗ lực xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nếu thành công như Yên Tử, không những khẳng định được danh tiếng và vị thế, các nghệ nhân trồng mai còn tự tin lan tỏa giá trị truyền thống mà bớt đi một mối lo ngại bị chiếm dụng văn hóa. Cần biết rằng, tình trạng chiếm dụng với mai vàng thậm chí diễn ra nghiêm trọng hơn ngay ở thị trường trong nước, khi nhiều cơ sở không đủ điều kiện cũng mạo danh các địa phương nổi tiếng để dễ tiêu thụ.

Đừng để giá trị bảo hộ chỉ nằm trên giấy

Nhắc tới Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến xứ sở hoa anh đào bồng bềnh như tiên cảnh mỗi độ xuân về. Vậy tại sao chúng ta không mơ về một Việt Nam vàng ươm rực rỡ với hoa mai ngày Tết trong mắt bạn bè quốc tế? Rồi du khách khắp nơi sẽ đổ về Quảng Ninh, Huế, Bình Định… và mọi nẻo trên dải đất chữ S để chiêm ngưỡng những cánh mai hoa rung rinh trong nắng. Mai vàng sẽ không dừng lại là giá trị văn hóa, là một nghề mưu sinh, một thú vui tao nhã, mà còn là động lực phát triển nền kinh tế du lịch. Để làm được điều đó, bảo hộ bằng cơ sở pháp lý chỉ mới là nền móng. Quan trọng hơn, mai vàng cần một chiến lược định hướng, bảo tồn, phát triển đúng đắn và dài hạn. Năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát động phong trào “Mai vàng trước ngõ”, vận động cơ quan, doanh nghiệp, gia đình trên địa bàn trồng mai với mục tiêu biến Huế thành “thành phố hoàng mai”. Biết đâu đó, từ bước khởi đầu này, Huế sẽ còn ôm được mộng lớn lao, đưa cánh mai mỏng manh vượt năm châu bốn bể.

Dù gần quê hay xa quê, người Việt cứ ngắm mai vàng, đào thắm là thấy Tết đến, xuân về. Ngày xuân nói chuyện trồng mai, hay cũng chính là ngẫm về nét xưa ngàn đời và lá thư Việt Nam gửi ra thế giới về khát vọng vươn mình của non sông.

(*) Giảng viên Luật Sở hữu trí tuệ, Đại học Luật Huế.

(1)https://giacngo.vn/cay-mai-trong-tho-van-ly-tran-la-cay-mai-gi-post16751.html

(2) Bài thơ “Tầm Hữu Vị Ngộ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(3)https://cadn.com.vn/ngam-hoa-mai-tren-co-vat-xu-hue-post159951.html

Nguyễn Lương Sỹ(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-mai-vang-mai-la-gia-tri-ngay-xuan/