Để mô hình điểm thức ăn đường phố hoạt động hiệu quả

Kinh doanh thức ăn đường phố ở TP Hồ Chí Minh là hoạt động tồn tại từ lâu đời, diễn ra khá phổ biến, trở thành nguồn thu nhập của nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, là nét đặc trưng văn hóa ẩm thực thu hút khách du lịch.

Theo thống kê của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn hiện có hơn 13.500 cơ sở và hơn 15.850 người hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố. Các cơ sở này tập trung nhiều ở khu, cụm công nghiệp, bệnh viện, trường học, chợ, tuyến đường trung tâm... nhưng bộc lộ nhiều hạn chế, cơ sở vật chất, phương tiện cũ kỹ, nguồn nước không bảo đảm, nhiều cơ sở không thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Hoạt động kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố rất khó khăn, chủ yếu được chính quyền địa phương thực hiện lồng ghép với các đợt ra quân xử lý lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, chưa gắn với các chương trình an toàn thực phẩm...

Mô hình điểm thức ăn đường phố trên đường Hồ Thị Kỷ, quận 10 thu hút du khách.

Mô hình điểm thức ăn đường phố trên đường Hồ Thị Kỷ, quận 10 thu hút du khách.

Nhằm phát huy vai trò quản lý, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phát huy văn hóa ẩm thực thu hút khách du lịch, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình điểm thức ăn đường phố ở tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức. Chính quyền địa phương các quận, huyện khảo sát những tuyến đường có thể triển khai mô hình, phân công lực lượng hỗ trợ, lựa chọn những cơ sở, cá nhân đủ điều kiện tham gia mô hình. Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, tập huấn an toàn thực phẩm, cấp phát trang thiết bị, dụng cụ như: Thùng rác, tạp dề, khẩu trang, bao tay...; thiết kế pa-nô tuyên truyền tại các mô hình điểm... Hiện nay, đã phát triển được 118 mô hình điểm cho 72 phường, xã, thị trấn thuộc 23 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Đồng chí Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng phòng Y tế TP Thủ Đức cho biết, TP Thủ Đức có hơn 700 điểm kinh doanh thức ăn đường phố cố định và hàng trăm người kinh doanh theo hình thức hàng rong. Việc triển khai mô hình điểm thức ăn đường phố được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, địa phương ở cơ sở. 2 điểm kinh doanh thức ăn đường phố thuộc đường Lam Sơn và Trương Văn Ngư, phường Linh Tây, TP Thủ Đức sau khi triển khai mô hình đã đạt hiệu quả cao, người dân đều tích cực tham gia tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, cam kết thực hiện các quy định, yêu cầu theo mô hình, giờ đây đã trở thành mô hình kiểm soát tốt về an toàn thực phẩm, là địa chỉ ăn uống tin cậy của người dân địa phương. Mô hình này sắp tới sẽ được nhân rộng khắp địa bàn TP Thủ Đức.

Theo đồng chí Đỗ Đức Công, Phó trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, mô hình điểm thức ăn đường phố khi triển khai đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương ở cơ sở, tạo nên chuyển biến tích cực, hiệu quả. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm đường phố đã từng bước được kiểm soát, an toàn hơn so với trước. Ý thức của người bán và người tiêu dùng đối với thức ăn đường phố đã được nâng cao, nhiều điểm đã trở thành điểm thu hút du lịch, tập trung nhiều du khách đến thưởng thức ẩm thực... Mô hình này sẽ tiếp tục phát triển rộng khắp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cơ sở kinh doanh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân và du khách, trở thành những điểm đến thú vị, độc đáo về ẩm thực đường phố phục vụ khách du lịch.

Bài, ảnh: NGUYỄN ANH - HOÀNG HÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-mo-hinh-diem-thuc-an-duong-pho-hoat-dong-hieu-qua-754937