Để mỗi lá phiếu thể hiện được trách nhiệm của từng cử tri

SPL - Để cử tri bầu đúng người có tài, đức phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thì tình trạng bầu cho có, bầu cho xong, bầu hộ, bầu thay… cần phải được khắc phục.

Những ngày này, trên mọi ngả đường, khu phố rợp sắc cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu để chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại mỗi gia đình ở Hà Nội cũng đang tràn ngập không khí háo hức với ngày hội non sông. Hơn một tuần nay, cử tri Nguyễn Ngọc Bảo, ở tổ 4, Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, Hà Nội ngày nào cũng mang tài liệu, hồ sơ của các ứng cử viên ra đọc rất kỹ lưỡng để tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh của từng ứng cử viên. Không chỉ có ông mà nhiều người dân tại tổ dân phố Phú Mỹ, Phường Mỹ Đình 2 sau khi được phát tận tay lý lịch trích ngang của các đại biểu đã cùng nhau đàm đạo và thảo luận để lựa chọn người xứng đáng nắm trọng trách, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong 5 năm tới. Theo ông, việc tiểu sử của các ứng viên được in ấn và phát đến từng nhà trước ngày bầu cử gần nửa tháng, đã giúp cử tri có thời gian tìm hiểu kỹ hơn để có sự lựa chọn sáng suốt, chính xác.

Nhiều ngả đường, khu phố rợp sắc cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu để chuẩn bị cho ngày hội của non sông.

Cử tri Đào Thị Nguyệt ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ: “Khi đã đặt bút lên lá phiếu là đặt lên đó niềm tin của mình vào các đại diện cử tri. Chính bởi thế, không thể gạch bừa, gạch ẩu, càng không thể bầu cho có, cho xong. Tôi nghiên cứu tại nhà, xem ai xứng đáng thì mình sẽ bầu những người có đức có tài để lãnh đạo đất nước. Tới đây, sau khi nghiên cứu xong, đánh dấu, hôm đấy ra chỉ cần bầu thôi. Mình phải nghiên cứu kĩ xem người nào có đức có tài, trình độ để lãnh đạo dân ngày một tiến lên. Đã cầm thẻ cử tri thì đặt hết niềm tin vào các vị lãnh đạo để đất nước ngày một tiến lên”.

Phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có 19 khu vực bầu cử, đến thời điểm hiện tại công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Ông Nguyễn Thế Đô, Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì cho biết, để việc bầu cử diễn ra thực chất, thể hiện được trách nhiệm của từng cử tri ở mỗi lá phiếu, phường đã chỉ đạo tới các Tổ Bầu cử, trực tiếp là các thành viên trong tổ, yêu cầu các cử tri đọc, nghiên cứu kỹ tiểu sử trích ngang của từng đại biểu. Đồng thời, không đặt mục tiêu hoàn thành đi bầu sớm để lấy "thành tích".

“Để cử tri quan tâm đến những người được bầu, tránh chạy theo thành tích hoặc cử tri không quan tâm đến ngày bầu cử sắp diễn ra, chúng tôi đã triển khai biện pháp tuyên truyền trên loa truyền thanh của phường và một mặt triển khai các hệ thống loa di động đến tận các ngõ, ngách để cho nhân dân nắm rõ. Chúng tôi gửi danh sách người ứng cử, trích ngang tiểu sử tóm tắt của từng ứng cử viên được bầu trong kỳ này để cử tri nắm bắt và quan tâm sâu nữa đến từng ứng cử viên. Bên cạnh đó là tuyên truyền về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cử tri khi nhận được thẻ cử tri, cử tri phải trực tiếp đi bầu, không được đi bầu hộ, bầu thay”, ông Đô cho hay.

Nhiều cử tri đọc rất kỹ lưỡng để tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh của từng ứng cử viên.

Nhiều cử tri đọc rất kỹ lưỡng để tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh của từng ứng cử viên.

Cũng là phường có đông cử tri, bà Đoàn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy cho biết, nhằm đảm bảo cho ngày hội của non sông diễn đúng quy định, cũng như nêu cao trách nhiệm của từng cử tri, phường đã tổ chức các buổi trao đổi ý kiến tại tất cả các tổ dân phố.

Qua nhiều cuộc bầu cử, có một thực tế vẫn tồn tại là bên cạnh số đông cử tri tâm huyết với đất nước, nêu cao trách nhiệm của mình qua từng lá phiếu, thì cũng còn một bộ phận cử tri có biểu hiện thiếu quan tâm đến cuộc bầu cử, thể hiện bằng việc nhờ người khác bầu hộ, bầu thay; thậm chí có cả tâm lý "bầu cho có", cho xong. Cũng có một bộ phận không nhỏ cử tri không tìm hiểu kỹ về tiểu sử các ứng cử viên, không căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu để so sánh, lựa chọn người thực sự tiêu biểu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho rằng, mọi biểu hiện thờ ơ với cuộc bầu cử, cử tri không chỉ tự tước bỏ quyền lợi thiêng liêng của mình mà còn là biểu hiện thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc.

Rõ ràng để mỗi lá phiếu thể hiện được trách nhiệm của từng cử tri, việc lựa chọn đại biểu phải được nghiên cứu, tính toán cẩn trọng, để tránh tình trạng đến ngày bầu cử, cử tri lựa chọn đại biểu theo cảm tính hay đi bầu cho có. Người dân cũng cần hiểu và nhận thức rõ về ứng cử viên, từ đó sáng suốt lựa chọn và bầu ra những người tiêu biểu sẽ góp phần vào quá trình xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân./.

Vũ Ngọc T/H

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/de-moi-la-phieu-the-hien-duoc-trach-nhiem-cua-tung-cu-tri-21124/