Để mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo

Trong những năm qua, thực hiện cuộc vận động 'Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo' gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, đã xuất hiện thêm nhiều tấm gương nhà giáo tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo ngày càng vững mạnh.

Cô và trò lớp 4A2, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Hạ Long) cùng chăm sóc cây xanh trang trí không gian lớp học.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Đoàn Thị Thu Hiền cho biết: Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được triển khai xuyên suốt trong thời gian dài đã trở thành kim chỉ nam, mục tiêu phấn đấu cho mỗi giáo viên. Sở GD&ĐT, Công đoàn ngành đã bám sát các đề án, thông tư của Bộ GD&ĐT về việc nâng cao nghiệp vụ, xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức nhà giáo để chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh cụ thể hóa các nhiệm vụ cụ thể trong công tác giảng dạy, rèn luyện tác phong, đạo đức, lối sống hằng ngày của mỗi cá nhân. Cùng với đó, duy trì việc thực hiện cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Nhờ đó, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, khơi dậy ý thức khắc phục khó khăn của đội ngũ nhà giáo trong việc tự học, tự bồi dưỡng, từng bước nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm... góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển GD&ĐT của tỉnh.

Tìm hiểu tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Hạ Long), chúng tôi được biết, hằng năm nhà trường đều chủ động đổi mới tổ chức các phong trào thi đua trong giảng dạy, học tập, nhằm phát huy tinh thần nêu gương của giáo viên trong mọi hoạt động để học sinh noi theo. Tiêu biểu phải kể đến việc phát động cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” trong toàn trường. Năm học 2018-2019, toàn trường đã có 1.500/2.200 học sinh tham gia với các sản phẩm đa dạng, phong phú, trong đó, có một sản phẩm đạt giải khuyến khích quốc gia. Thông qua cuộc thi, không chỉ khơi dậy tinh thần sáng tạo của học sinh mà chính thầy cô cũng phải tự giác học tập nâng cao trình độ để định hướng, kèm cặp, hỗ trợ học sinh phát triển các ý tưởng, khuyến khích tinh thần sáng tạo khoa học, gắn “học đi đôi với hành” trong học sinh.

Cô giáo Vũ Thị Thu Hương, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, chia sẻ: Cuộc vận động được lan tỏa rộng rãi không chỉ thúc đẩy mỗi giáo viên tự giác đổi mới phương pháp dạy học, truyền dạy kiến thức văn hóa cũng như bồi dưỡng năng khiếu, thế mạnh của từng học sinh mà thông qua mỗi hoạt động, sinh hoạt hằng ngày cũng tự giác nêu gương cho các con. Đơn cử, mỗi buổi sáng thầy cô của trường đều đứng ở cổng trường để đón học sinh vào lớp, các bạn học sinh lớp 4-5 đến sớm cũng tự giác cùng thầy cô đón và xách cặp hộ cho các bạn lớp 1-2. Chỉ từ hành động nhỏ như vậy, thầy cô đã giáo dục cho học sinh biết thể hiện sự quan tâm, chăm sóc bạn bè, những người thân yêu. Qua đó, từng bước thực hiện hiệu quả giá trị giáo dục cốt lõi mà nhà trường xây dựng “Yêu thương – Trách nhiệm – Trung thực”.

Một tiết học ứng dụng công nghệ thông tin của học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Hạ Long).

Không chỉ riêng ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, mỗi trường học trên địa bàn tỉnh đều tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực, cụ thể và ý nghĩa. Đặc biệt, hàng trăm nhà giáo giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng vẫn bám trường, bám lớp, vượt qua thử thách, khó khăn, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, những trở ngại về phong tục tập quán, ngôn ngữ... để gắn bó với công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi giáo viên, các cơ sở giáo dục cũng chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên đáp ứng yêu cầu trong lộ trình thực hiện đổi mới giáo dục, đặc biệt trong nâng cao năng lực tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Trung bình mỗi năm đều có hàng chục nghìn lượt cán bộ, nhà giáo, người lao động tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, bồi dưỡng chính trị do Ngành giáo dục tổ chức. Đồng thời, Ngành Giáo dục cũng đẩy mạnh phát động phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Năm 2019 đã có hơn 6.000 đề tài nghiên cứu và sáng kiến kinh nghiệm được phổ biến. Từ đây, chất lượng giáo dục của các đơn vị nói riêng, toàn ngành nói chung không ngừng được nâng lên. Năm học 2018-2019, chất lượng giáo dục đại trà toàn tỉnh được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục đạt kết quả cao, hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh. Kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia đạt 44 giải, cấp tỉnh (lớp 12 và lớp 9) đạt 2.895 giải. Cùng với đó, công tác tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh, nhân rộng các tấm gương nhà giáo tiêu biểu được duy trì đã tạo động lực, khuyến khích sự phấn đấu của mỗi giáo viên.

Hơn 10 năm thực hiện, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” ngày càng được triển khai rộng rãi, chuyển biến từ “lượng” sang “chất”, góp phần khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lương tâm nhà giáo, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Duy Khoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201911/de-moi-thay-giao-co-giao-la-mot-tam-guong-dao-duc-tu-hoc-va-sang-tao-2461228/