Để múa bóng rỗi không bị mai một

Múa bóng rỗi hay còn được gọi là múa bóng là một loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ dân gian độc đáo, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đền, miếu Nam Bộ. Do thời gian, loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một nếu không có cách gìn giữ hiệu quả…

Múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ dân gian, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đền miếu Nam Bộ. Gần đây, khi được đưa vào giới thiệu tại một số hoạt động văn hóa, du lịch, loại hình này đã nhanh chóng trở thành một di sản thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước…

Tại nhiều địa phương ở Nam Bộ, hát múa bóng rỗi thường được phân chia thành các tổ hợp tiết mục tùy chọn, gồm có lễ khai tràng, chầu mời - thỉnh tổ, mời tiên ra tuồng, phước lộc, hát chặp… Đó là những tiết mục thể hiện lối diễn ứng tác: hát, nói, kể kết hợp với nhạc và vũ đạo theo phong cách tuồng hài. Một số nghi lễ như lễ dâng bông và lễ dâng mâm, nghệ nhân sẽ cầm chén bông trên đầu, các nghệ nhân khác múa xoay người, xoay vòng trước điện thờ rồi dừng để cho người thủ từ nâng chén bông đặt lên bàn thờ Bà.

Đáng chú ý, các tạp kỹ đặc sắc, gần với các kỹ thuật biểu diễn xiếc như múa ghế, múa khạp da bò, múa bông huệ, múa xe đạp, múa xoay đĩa, rót rượu bằng đầu cũng mang đến những tiết mục hấp dẫn du khách thập phương.

Tiết mục múa ghế trong hoạt động múa bóng rối được xem là khá gần với tiết mục xiếc. (Ảnh tư liệu)

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai, có một thời, hát bóng rỗi bị đánh đồng với các hủ tục đồng bóng như: bóng cốt, bóng xá… nên bị ngăn cấm.

Về sau, múa bóng được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian phân tích và chỉ ra, đây là một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, là vốn quý trong kho tàng văn hóa dân tộc cần được trân trọng, gìn giữ. Múa bóng rỗi có hai bộ phận là múa bóng và hát rỗi. Người tham gia múa bóng bằng những động tác tạo hình, biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh.

Để biểu diễn múa bóng rỗi, đòi hỏi người múa phải có một năng khiếu, đặc biệt tổng hợp về ca, diễn và múa. Người thực hiện phải có sức khỏe, khéo léo, dẻo dai, nhạy bén trong cảm âm và có chất giọng tốt. Trang phục của người làm nghề bóng rỗi rất sặc sỡ, màu mè, hóa trang đậm. Nghệ nhân Ngô Thị Tư ở ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết: Để trở thành một nghệ nhân lành nghề, bà phải học qua 6 thầy, chưa kể học “lỏm” của nhiều thầy khác và bạn bè.

Chỉ trong phần học rỗi, người rỗi hay và đúng bài cơ bản là phải biết hát: Xuân-Ai- Đảo-Lý; trong rỗi có: Hát sóng đâu, ngừng thàn, mường, san, thài; còn điệu lý thì cúng trang (tại gia) hát lý cây bông; cúng miễu Bà hát lý con cá; miễu Ông hát rỗi lý ngựa ô,… Mâm vàng để cúng Bà, mâm bạc dành cúng Ông và mâm ngũ sắc thì ứng với ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngoài múa mâm vàng còn có múa bát bông, bông huệ, lưỡi siêu, ông tướng, đĩa bay, bình, tĩnh, khạp, lu, lông công…

Trò đĩa bay và múa ông tướng được người múa biểu diễn rất khéo léo. Chiếc đĩa hoặc tượng ông tướng được đặt lên đầu cây, xoay tròn và đặt đầu kia lên trán, lên môi, đĩa (tượng) xoay vù vù mà cây vẫn thăng bằng không rơi. Với tài năng này, cô bóng được người xem ngưỡng mộ, có người bằng góc nhìn tâm linh cho rằng, họ có “bà đỡ” nên diễn hay, múa không rơi đạo cụ.

Để theo đuổi nghề hát múa bóng rỗi, phải rèn luyện công phu mới thành nghệ nhân thiện nghệ. Ngọc Thanh (TP Mỹ Tho), vào nghề hồi 8 tuổi, đã tâm tư: “Nghiệp duyên khiến em phải theo nghề và cố giữ cho trọn vẹn. Đi đâu cũng được bà con quý trọng nên em càng tự hào và luôn tự rèn luyện để rỗi tốt và múa cho hay. Vào nghề gần 20 năm nhưng hiện giờ em vẫn tìm tòi cái cổ xưa để học. Em lo sợ nghề mình bị thất truyền, vì theo em thấy, người theo nghề và có tâm với nghề không nhiều; người cao tuổi biết nghề còn sống thì quá ít; còn người học nghề theo đoàn xiếc, nhạc tang để biểu diễn kiếm sống thì ngày càng phổ biến. Em lấy làm buồn khi thấy những loại hình múa bêu (múa bông huệ, múa lưỡi siêu, múa khạp, múa lông công…) đem biểu diễn ở đám cưới, đám tang để lấy tiền”.

Dạy múa bóng rối là truyền nghề kiểu “cầm tay chỉ việc”, chưa được ghi chép, hệ thống thành bài bản, đôi khi thầy dạy vẫn còn “giấu nghề”, do vậy học trò bóng này và học trò bóng nọ bài rỗi hoặc bài cúng không giống nhau. Hiện tại, có một số cô bóng trẻ thêm những lời rỗi mới, nghe không được hay lắm.

Trước đây, ở vùng đất Nam bộ, những người năng đi đền, miếu hầu như đều biết tên các nghệ nhân bóng rỗi như: Địa Hữu Lợi, Địa Tí, Nàng Nên, Nàng Hóa, Nàng Hồng, bóng Thu Hồng, bóng Tuấn, bóng Quít…

Còn hiện nay, do các nhóm bóng rỗi gần như hoạt động ngoài luồng, tự phát, ít có cơ hội kiếm sống; một số bóng do thuộc giới tính thứ 3 (ái nam ái nữ) bị xã hội kỳ thị, e dè dẫn đến ít người muốn theo nghề. Bởi vậy, nghệ thuật bóng rỗi đang đối diện với nguy cơ thất truyền. Ông Phạm Lơ, một trong những nghệ nhân tham gia Liên hoan Nghệ thuật diễn xướng dân gian “Bóng rỗi-Địa nàng” (diễn ra tại Đồng Nai năm 2017) cho biết, cả tỉnh Đồng Nai hiện không tìm được nghệ nhân diễn vai địa, còn thủ vai nàng là một nghệ nhân đã cao tuổi.

Trong các nhóm bóng rỗi của các tỉnh, thành phía Nam tham gia Liên hoan, nhiều nhóm xin ý kiến chỉ đạo của ngành Văn hóa địa phương nhưng đang rơi vào im lặng hoặc bị xem là “ngoài luồng”, không được hỗ trợ, đành phải tự bỏ tiền túi tham dự, hoặc bỏ cuộc.

PGS Huỳnh Văn Tới cho biết, dù nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ đang cố gắng phục dựng, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của nghệ thuật hát bóng rỗi, thế nhưng nghệ nhân của loại hình này cho đến nay còn rất hiếm hoi, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay... TS Mai Mỹ Duyên (Chi hội Văn nghệ dân gian tại ĐH Văn hóa TP HCM) cho rằng, dòng thời gian cứ trôi và các thế hệ nghệ nhân lần lượt già yếu hoặc mất đi. Nếu không có giải pháp tích cực và kịp thời thì đến lúc nào đó, loại hình nghệ thuật độc đáo này sẽ không còn hiện diện trong đời sống.

Để tìm giải pháp bảo tồn nghệ thuật múa bóng rỗi, Sở Văn hóa-thể thao và Du lịch Đồng Nai đã phối hợp với Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai và Chi hội Văn nghệ dân gian tại trường ĐH Văn hóa TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ nữ thần và thực hành Bóng rỗi-Địa nàng ở Nam Bộ” năm 2017. Hội thảo thu hút khá đông các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và nhà quản lý văn hóa tham dự.

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Nguyệt, Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai) hiến kế: “Cần phải tổ chức truyền dạy, đào tạo các thế hệ kế thừa; tổ chức các hội thi, liên hoan, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, các bóng có cơ hội tham gia, trình diễn trước sân khấu lớn. Để tránh tình trạng tràn lan, biến tướng nghệ thuật bóng rỗi-địa nàng, cần tăng cường công tác chấn chỉnh quản lý biểu diễn, có cơ chế hỗ trợ các nghệ nhân”…

Còn PGS.TS Nguyễn Công Hoan, trường ĐH Tài chính-marketing cho rằng, để bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa tinh thần đối với múa bóng rỗi nên khai thác múa bóng rỗi thành sản phẩm du lịch. Chỉ khi đưa các sản phẩm văn hóa tinh thần bóng rỗi đến với du khách, thông qua những hình ảnh sống động để họ được mắt thấy, tai nghe… thì việc lưu truyền sẽ phát huy được tác dụng.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-mua-bong-roi-khong-bi-mai-mot-128604.html