ĐỂ NGÀNH QUÂN Y CÓ THÊM NHỮNG ĐỈNH CAO

Ghép tạng, ghép bộ phận cơ thể người là một trong những đỉnh cao trong lĩnh vực y học. Những năm gần đây, chúng ta liên tiếp chứng kiến những bước tiến rất xa của đội ngũ thầy thuốc quân đội từ ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992) ở Việt Nam đến ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên (năm 2018) của Học viện Quân y; ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não, ghép đa tạng xuyên quốc gia (năm 2019) và mới đây là ghép chi thể thành công đầu tiên ở Đông Nam Á và cũng là ca đầu tiên trên thế giới từ người cho sống của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Để lập nên kỳ tích, mở ra chương mới của y học trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân ở Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hay các cơ sở y tế trong quân đội đều có những điểm chung là quyết tâm cao, sự nỗ lực vượt bậc, công tác chuẩn bị công phu, chu đáo cả về con người, kỹ thuật đến những vấn đề pháp lý, nhất là triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH). Những kỳ tích của ngành quân y gần đây đều là kết quả của các đề tài NCKH thuộc chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

 Tập thể y sĩ , bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 thực hiện ca ghép thận thứ 300. Ảnh: qdnd.vn.

Tập thể y sĩ , bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 thực hiện ca ghép thận thứ 300. Ảnh: qdnd.vn.

Song thực tế đặt ra rằng, không phải đề tài NCKH nào cũng thành công. Đề tài gì hay lĩnh vực gì cũng do con người triển khai thực hiện. Chính vì vậy, muốn có đề tài khoa học thì yếu tố đầu tiên chính là chuẩn bị về con người để thực hiện đề tài đó. Trong khi tri thức là vô hạn và nhận thức của con người là hữu hạn. Cho nên, để thực hiện đề tài không những là người có nền tảng học vấn mà còn phải tận tâm với công việc, có phương pháp NCKH, biết “đi tắt, đón đầu”, biết vượt lên khó khăn, biết hy sinh lợi ích riêng cho niềm đam mê khoa học. Chuẩn bị con người cũng cần từ sớm, từ xa, vừa tuần tự, vừa có bước nhảy vọt thì mới tạo ra được đột phá. Nhìn lại ca ghép tạng, ghép chi thể đầu tiên đến những ca ghép tạng gần đây cho thấy, ngành quân y đã chủ động lựa chọn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ chặt chẽ, khoa học và hợp lý, nên khi được giao đề tài, các thầy thuốc chiến sĩ thực hiện rất thành công.

Làm chủ được kỹ thuật ghép tạng, ghép chi thể mở ra cơ hội cứu mạng sống, hay đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng triệu người. Tuy nhiên, không có nghĩa làm chủ được khoa học thì sẽ giải quyết được hết vấn đề cứu chữa bệnh nhân mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chi phối. Đơn cử, trong lĩnh vực ghép tạng, ghép chi thể, ngoài đề tài khoa học, kỹ thuật, nhân lực, thiết bị vật tư y tế còn là vấn đề của người cho-nhận, vấn đề đạo đức xã hội, đời sống tâm linh của con người, vấn đề kinh phí thực hiện... Do đó, với từng lĩnh vực, công trình NCKH, bên cạnh yếu tố trách nhiệm, trình độ con người, cần phải tính toán, lường trước những khó khăn khách quan, chủ quan, để tiến hành đồng bộ, hướng tới mục tiêu hoàn thành công trình NCKH, ứng dụng chữa bệnh cứu người, bảo đảm tính “phổ thông” để người bệnh được tiếp cận, hưởng thụ thành quả khoa học đó. Giải quyết được bài toán tổng hợp này mới hy vọng có nhiều công trình khoa học đỉnh cao, thiết thực phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân.

TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/de-nganh-quan-y-co-them-nhung-dinh-cao-611024