Để nghệ thuật cải lương không còn cảnh 'chong đèn' chờ khán giả

Lần đầu tiên, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam cùng bắt tay triển khai thực hiện dự án có sự kết hợp của 2 hình thức nghệ thuật trong tác phẩm sân khấu 'Huyền sử Việt'. Đây là cách làm đổi mới, sáng tạo nhằm kéo khán giả trở lại với cải lương.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn phải tạm dừng bán vé, nhiều show biểu diễn phải hủy, lùi suất diễn và Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng không tránh khỏi ngoại lệ. Dù có nhiều băn khoăn trước việc nên sáng đèn hay đóng cửa sân khấu, nhưng khi khán giả vẫn còn tìm đến sân khấu thì vẫn phải sáng đèn. Việc tạm dừng biểu diễn chính thức là thời điểm để các nghệ sĩ trui rèn chuyên môn trên sàn tập, các đạo diễn, “ông bầu” sân khấu tranh thủ lên kế hoạch thực hiện các dự án nghệ thuật với phương châm đổi mới, sáng tạo.

Sắp tới đây, lần đầu tiên hai đơn vị Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ triển khai thực hiện đưa 2 hình thức nghệ thuật lên sân khấu với tên gọi “Huyền sử Việt”. Vở diễn “Huyền sử Việt” được dàn dựng từ kịch bản “Chử Đồng Tử, Tiên Dung” của cố tác giả Hoàng Luyện, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Kịch bản được tác giả Lê Thế Song bố cục lại về nội dung, thời lượng. Tác phẩm phản ánh những huyền thoại về tứ bất tử, bốn vị thánh trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam. Ðó là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Ðổng Thiên Vương, Chử Ðồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh. Dự kiến, dự án sẽ có 20 diễn viên, nhạc công cải lương và 25 diễn viên xiếc tham gia chương trình. Sân khấu trang trí theo từng cảnh của vở, sử dụng không gian, các sân khấu phụ kết hợp tương tác cùng khán giả. Các buổi biểu diễn sẽ triển khai liên tục trong 4 năm (2020-2023) với kỳ vọng sẽ tạo ra sự mới mẻ, thu hút khán giả đến rạp hát.

NSND Triệu Trung Kiên, quyền GĐ Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Trong bối cảnh sân khấu đang trầm vắng, các đơn vị nghệ thuật đều mong muốn có thể đổi mới, bứt phá để thu hút và lôi kéo khán giả. Ðó là lý do xiếc và cải lương tìm cách kết hợp, kỳ vọng mang đến những món ăn tinh thần mới, hấp dẫn đối với công chúng hiện đại”. Ngoài ra, đây là cơ hội để các nghệ sĩ xiếc được nâng cao nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu, đồng thời các nghệ sĩ cải lương sẽ bổ sung các kỹ năng phụ trợ mang tính hấp dẫn và giải trí do các nghệ sĩ xiếc hỗ trợ tập luyện và biểu diễn.

Bật mí về sân khấu nghệ thuật đặc biệt này, NSƯT Tống Toàn Thắng cho hay, những người tổ chức chú trọng về hiệu ứng sân khấu, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, đây đều là lợi thế của môn xiếc. Khi được kết hợp với phần diễn của sân khấu cải lương hứa hẹn mang điễn màn trình diễn độc đáo cho khán giả. Dù chưa công bố kinh phí đầu tư cho vở diễn, nhưng nhìn vào lực lượng dàn nghệ sĩ hùng hậu, khán giả yêu sân khấu đặt niềm tin vào sự thành công của “Huyền sử Việt”.

Vở diễn “Ngàn năm mây trắng” là vở kịch hát đầu tiên kết hợp giữa cải lương và nhiều loại hình âm nhạc giành huy chương bạc Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV – 2019. Ảnh tư liệu

Trước đó, nghệ thuật cải lương từng có sự kết hợp thành công với âm nhạc dân gian miền núi qua vở diễn “Chuyện tình Khâu Vai” của Đoàn nghệ thuật cải lương Đại Việt. Dù đây là vở diễn của sân khấu tư nhân, nhưng vở diễn do các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam tham gia đã nhận được đánh giá tích cực từ phía khán giả. Đoàn cải lương Đại Việt và các nghệ sĩ có chuyến thực tế tại Khâu Vai để lấy chất liệu vào bối cảnh, diễn viên có cảm xúc chân thật để hóa thân vào vai diễn. Gần đây, cải lương cũng “kết duyên” cùng chèo, xẩm, hát văn Huế trong “Ngàn năm mây trắng”. Với thời lượng 1g30 phút, “Ngàn năm mây trắng” có sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam cùng một số nghệ sỹ, diễn viên và dàn nhạc dân tộc Nhà hát là bước thử nghiệm đầy sáng tạo của nhiều loại hình âm nhạc và nghệ thuật truyền thống cải lương Việt Nam. Vở diễn “Ngàn năm mây trắng” giành Huy chương Bạc Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV – 2019.

Nghệ thuật cải lương đã có 100 năm hình thành và phát triển, trước sự bùng nổ của nhiều loại hình giải trí, trong bối cảnh khán giả thờ ơ với cải lương thì việc đưa loại hình sân khấu truyền thống này kết hợp các môn nghệ thuật khác với phương thức chuyển tải ngôn ngữ mới được coi là cách tốt nhất để “cứu” cải lương. Cùng với sự tìm tòi, đổi mới, cách tân cho các tác phẩm sân khấu luôn cần thiết để khán giả có sự trải nghiệm và tạo cảm xúc. Nhờ đó, diện mạo sân khấu nước nhà có chuyển biến tích cực với sự xuất hiện của nhiều vở diễn mới và ngôn ngữ chuyển tải mới. Đó cũng là nhận định của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ tại Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) rằng, các đơn vị ngệ thuật đã khá năng động, linh hoạt tiến hành các hình thức có tính chất thể nghiệm để tìm ra các mô hình tổ chức biểu diễn phù hợp. Đó thực sự là một nỗ lực đáng khích lệ trên con đường tìm kiếm khán giả, tìm kiếm thị phần để khai mở các hướng phát triển cho cải lương.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-nghe-thuat-cai-luong-khong-con-canh-chong-den-cho-khan-gia-180872.html