Đề nghị bác đơn kháng cáo của Vũ nhôm và các cựu lãnh đạo công an

Đánh giá hành vi của các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không xuất trình được các tình tiết mới để làm giảm nhẹ hoặc thay đổi tội danh, VKSND đề nghị tòa cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt, tội danh với các bị cáo.

Sáng 12/6, phiên tòa xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ bước sang ngày làm việc thứ ba. Đại diện VKSND phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Trước đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho rằng không phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; bị cáo Nguyễn Hữu Bách (Phó Cục trưởng Tổng cục V) và Phan Hữu Tuấn (Phó tổng cục trưởng Tổng cục V) xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Bùi Văn Thành (cựu Thú trưởng Bộ Công an) xin hưởng án treo và Trần Nhật Tân (cựu Thứ trưởng Bộ Công an) không chấp nhận về tội danh và hình phạt.

Các bên liên quan là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam và CTCP Đầu tư Peak View cũng kháng cáo. VKSND TP Hà Nội kháng nghị về xác định thiệt hại, tịch thu 7 bất động sản và áp dụng biện pháp tư pháp trong vụ án là chưa phù hợp.

VSKND cấp cao cho rằng, các tài liệu thu thập có căn cứ xác định làm rõ hành vi cho thuê đất, nhận giao đất, sử dụng đất với 7 nhà đất công sản tại các vị trí đắc địa tại TP HCM, Đà Nẵng là trái pháp luật. Các hoạt động này để thu lợi cá nhân, không phục vụ ngành công an.

Tài liệu điều tra cũng làm rõ bị cáo Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn đã tác động đến những người có quyền hạn để bị cáo Vũ thâu tóm nhà đất, làm rõ sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, xuôi theo cấp dưới của bị cáo Bùi Văn Thành và Trần Nhật Tân đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại diện VKSND khẳng định, lời khai của các bị cáo đã rõ ràng, có căn cứ xác định hành vi của các bị cáo phù hợp với chứng cứ, lời khai của bị cáo này có giá trị với hành vi phạm tội của bị cáo kia.

Xét đơn kháng cáo của từng bị cáo, VSKND cho rằng, bị cáo Bách và Tuấn là người trực tiếp quản lý nghiệp vụ với bị cáo Vũ. Mặc dù biết rõ nội dung văn bản làm lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn soạn thảo, ký nháy, tham mưu cho lãnh đạo, hậu thuẫn cho bị cáo Vũ.

Đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ, bản án sơ thẩm đã làm rõ, bị cáo được tuyển dụng làm sĩ quan tình báo của Tổng cục IV, nhưng bị cáo lợi dụng danh nghĩa để trục lợi thông qua doanh nghiệp bình phong để thuê đất, nhận giao đất với 7 nhà đất trái pháp luật. Hành vi của bị cáo là trái công vụ, vi phạm pháp luật về đất đai nhằm thu lợi cá nhân. VKSND xác định, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 15 năm tù là không oan.

Xác định về hành vi của bị cáo Bùi Văn Thành, VKSND cho rằng, bản án sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên bị cáo giữ vị trí cao, có nhiều thành tích nhưng không giữ được phẩm chất của người lãnh đạo, nên cần có thời gian suy ngẫm, làm gương cho xã hội. Còn bị cáo Trần Nhật Tân là lãnh đạo cấp cao của ngành công an, những văn bản do bị cáo phê chuẩn trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi nhất để bị cáo Vũ thâu tóm nhà đất.

Đánh giá hành vi của các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không xuất trình được các tình tiết mới để làm giảm nhẹ hoặc thay đổi tội danh, VKSND đề nghị tòa cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt, tội danh với các bị cáo.

Với số tiền hơn 200 tỷ đồng tiền gốc và lãi Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 cho Tổng công ty thủy sản Việt Nam (mã SEA) vay, VKSND cho rằng, đại diện của SEA và bị cáo Vũ có nguyện vọng tiếp tục hợp đồng vay vốn trên. Việc điều tra không làm rõ khoản tiền này có phải phạm tội mà có hay do thu lời bất chính nên không có căn cứ tịch thu. VKSND đề nghị tạm giữ số tiền này để đảm bảo thi hành án.

Đối với những khoản tiền phong tỏa trong tài khoản bị cáo Vũ, Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty TNHH Chấn Phong cũng được giải quyết theo hướng trên.

Về xác định thiệt hại với 7 bất động sản, bản án sơ thẩm xác định tại thời điểm khởi tố với số tiền là 135 tỷ đồng.

“Bị cáo Vũ trực tiếp nắm giữ các tài sản này sau khi được thuê, được giao nhận đất, không thực hiện việc chiếm đoạt tài sản mà khai thác, hưởng lợi tài sản này liên tục, trong suốt thời gian khi nhận tài sản đến khi bị khởi tố, khiến nhà nước bị mất đi quyền khai thác tài sản này, nên cần phải tính thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án”, VKSND Cấp cao đề nghị chấp nhận kháng nghị của VKSND TP Hà Nội.

Hướng giải quyết 7 nhà đất công sản, VSKND cho rằng, theo điều 4 Luật Ngân sách nhà nước, việc thu hồi nhà đất được hiểu là tiếp tục bán tài sản để nộp ngân sách. Nhưng điều này không phù hợp với Luật Đất đai và quy hoạch đất của từng địa phương. Do đó, cần hủy quyết định giao đất trái pháp luật, giao lại cho UBND TP.HCM, TP Đà Nẵng quản lý để không làm thất thoát tài sản. Riêng với nhà đất 129 Pasteur, cần giao cho Bộ Công an phối hợp với UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có hướng xử lý đảm bảo lợi ích các bên.

Kết thúc bài phát biểu, VSKND đề nghị HĐXX cấp cao sửa bản án sơ thẩm, xác định lại thiệt hại vụ án là 1.159 tỷ đồng, tịch thu xung công quỹ số tiền 5,8 tỷ đồng và 540 triệu đồng bị cáo Vũ thu lợi bất chính và xử lý 7 nhà đất theo hướng giải quyết trên.

Đỗ Mến - Bùi Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-dinh/de-nghi-bac-don-khang-cao-cua-vu-nhom-va-cac-cuu-lanh-dao-cong-an-269091.html