Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của luật Ngân sách nhà nước

Tại phiên họp toàn thể hội trường chiều 21/10, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về tổng dư toán thu NSNN, cũng như dự toán chi NSNN, mức bội chi và nợ công của năm 2020 song cũng lưu ý Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật NSNN.

Xây dựng dự toán NSNN cần bảo đảm đáp ứng yêu cầu “thu đúng, thu đủ”

Chính phủ xây dựng tổng dự toán thu NSNN tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019 là mức tăng khá chắc chắn và ở mức thấp so với các năm gần đây. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, việc xây dựng dự toán NSNN cần phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu “thu đúng, thu đủ”, có cơ sở khoa học và thực tiễn chắc chắn đối với từng khoản thu, từng địa phương; khắc phục tình trạng không đạt do xây dựng dự toán cao, không phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là đối với các doanh nghiệp lớn. Cần có các giải pháp để chống thất thu, giảm nợ đọng tiền thuế. Đề nghị tiếp tục theo dõi sát tình hình, đánh giá tác động các khoản tăng thu và giảm thu NSNN trong năm 2020 để phấn đấu tăng thu ở mức cao hơn so với dự báo (khoảng 4-4,5%), tập trung các biện pháp để phấn đấu thu NSNN cao hơn so với mục tiêu đề ra của cả giai đoạn.

Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020

Về dự toán thu nội địa, Chính phủ lập dự toán tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2019, chiếm 83,6% tổng thu cân đối NSNN. Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Trung ương về cơ cấu lại NSNN, tỷ trọng thu nội địa đã tăng lên so với các năm trước, nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra là “tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84 - 85% tổng thu ngân sách nhà nước”, dẫn đến chỉ tiêu của giai đoạn 2016-2020 không đạt. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về khả năng phấn đấu đạt mục tiêu này.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc cơ sở mức tăng thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Cần có giải pháp tích cực hơn để khai thác hiệu quả nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước.

Chính phủ dự kiến sản lượng khai thác trong nước là 9,02 triệu tấn, giảm so với năm 2019 (dự toán 10,43 triệu tấn, sản lượng thanh toán 10,82 triệu tấn). Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất về sản lượng khai thác, vì điều này phù hợp với xu hướng giảm tỷ trọng thu từ dầu thô và giảm khai thác tài nguyên quốc gia.

Về thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ dự kiến tăng 8% so với ước thực hiện năm 2019 sau khi trừ một số mặt hàng chịu sự tác động của điều chỉnh chính sách, nhưng giảm so với mức tăng của năm 2019 (tăng 11,8%) so với ước thực hiện 2018. Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, nhưng đề nghị lưu ý công tác quản lý thu thuế, hoàn thuế từ hoạt động này theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giảm thiểu tình trạng buôn lậu, hoàn thuế không đúng quy định, trốn thuế, chuyển giá…

Tán thành với định hướng bố trí dự toán chi NSNN năm 2020 của Chính phủ

Về dự toán chi NSNN, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng ý với nguyên tắc, định hướng bố trí dự toán chi NSNN năm 2020 và dự kiến tổng chi cân đối NSNN tăng 113,8 nghìn tỷ đồng (7%) so với dự toán năm 2019.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành với đề nghị của Chính phủ về dự kiến chi đầu tư phát triển nguồn NSTW trong năm chiếm 46,7% so với tổng chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, cơ cấu chi này chưa bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW theo quy định của Hiến pháp và Luật NSNN vì sau khi trừ các khoản bổ sung có mục tiêu cho địa phương, thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, thì nguồn lực NSTW còn lại chiếm 27,2% tổng chi đầu tư phát triển. Như vậy, khó có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển nguồn NSTW theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho rằng, Chính phủ dự kiến chi đầu tư phát triển năm 2020 tăng 41,3 nghìn tỷ đồng (tăng 9,6%) so với dự toán năm 2019, chiếm 26,9% tổng chi NSNN, là mức tăng hợp lý, góp phần thực hiện chỉ tiêu đã nêu trong Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Tán thành với đề xuất của Chính phủ về dự toán chi thường xuyên chiếm 60,5% tổng chi NSNN, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị từ năm 2020, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật NSNN: Ngân sách các cấp không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính (khoản 8 Điều 8) và việc ban hành thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp (khoản 4 Điều 9).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo

Về chi cải cách tiền lương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng. Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi NSNN mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi ĐTPT khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của NSĐP và 40% tăng thu của NSTW cho cải cách tiền lương.

Ngoài ra, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, để thực hiện tốt việc tăng lương cơ sở trong năm 2020, Ủy ban đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí bằng các hoạt động thực chất, hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn lực cho chi đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển. Chính phủ cần thực hiện các bước đi phù hợp, xác định vị trí việc làm, tính chất phức tạp của nghề nghiệp… để chuẩn bị tiến hành cải cách tiền lương từ năm 2021 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương Đảng. Đối với các khoản phụ cấp và thu nhập có tính chất lương, cần được rà soát theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề và lĩnh vực hoạt động.

Về bội chi, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ giữ mức bội chi NSNN 3,44%GDP. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc dự toán bội chi NSĐP là 0,24%GDP sau khi đã tính đến yêu cầu của các địa phương trọng điểm, để dành dư địa cho NSTW phát huy vai trò chủ đạo.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, dự kiến mức dư nợ công là 54,3%GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của NSNN như: nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của NSNN; đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42464