Đề nghị cho tư nhân đầu tư vào đường sắt

Việc không tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh là nguyên nhân chính khiến ngành đường sắt hoạt động kém hiệu quả.

“Tại sao ngành đường sắt phát triển ì ạch?”. Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại phiên làm việc chiều 12-9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khi cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Hoạt động kém hiệu quả

Mở đầu phiên thảo luận, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận định hiện thị phần vận tải đường sắt chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong toàn ngành giao thông. Con số này giảm dần từ 1,3% trong năm 2008 xuống còn 0,7% trong năm 2012. “Bộ GTVT cho rằng ngành đường sắt phát triển sớm nhưng thị phần lại phát triển chậm là do luật cũ không sửa đổi. Vậy bây giờ sửa đổi thị phần sẽ tăng lên bao nhiêu? Ngoài ra, khi luật ra đời thì việc lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt tràn lan như hiện nay (theo quy định các công trình phải cách đường sắt 15 m nhưng hiện nhiều nơi khoảng cách này chỉ là 1,5 m - PV) có chấm dứt không? Muốn giải quyết được thì kinh phí ở đâu?” - bà Hải đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc không tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh là nguyên nhân chính khiến ngành đường sắt hoạt động kém hiệu quả trong thời gian qua. Bằng chứng là vừa qua Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có những sai phạm và bị cơ quan thanh tra chỉ rõ.

Thị phần vận tải của đường sắt liên tục giảm so với các lĩnh vực khác là thực tế diễn ra từ năm 2008 cho đến nay. Ảnh: HTD

“Tại sao cùng trong mảng chính sách giao thông nhưng ngành hàng không phát triển nhanh còn đường sắt phát triển chậm? Tôi lấy ví dụ, có nước nào xả thẳng chất thải từ trên tàu xuống đường ray như nước ta không?” - bà Nga nêu câu hỏi.

Bà Nga cũng đề nghị Chính phủ phải sớm cho biết kết quả tái cơ cấu lĩnh vực đường sắt ra sao, định hướng tái cơ cấu như thế nào. Đặc biệt, cần phải có cải tổ và đột phá trong lĩnh vực này.

Ủng hộ chủ trương tách bạch giữa quản lý và kinh doanh đường sắt, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị luật sửa đổi cần theo hướng đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích cho tư nhân vào kinh doanh lĩnh vực này.

Thị phần liên tục giảm

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng thị phần vận tải của đường sắt liên tục giảm so với các lĩnh vực khác là thực tế diễn ra từ năm 2008 cho đến nay. Trong hai năm 2014 và 2015, ngành đường sắt chỉ đạt 11,2 triệu lượt khách, giảm rất lớn so với những năm trước. Lượng hàng hóa vận chuyển cũng sụt giảm mạnh. Ông Đông thừa nhận: “Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý cả hạ tầng và vận tải nên tính cạnh tranh còn hạn chế. Mặt khác, tính kết nối giữa đường sắt với các cơ sở hạ tầng khác chưa cao, nhiều nơi hàng hóa từ bến cảng vận chuyển lên tàu phải bốc xếp thủ công rất mất thời gian, cho nên thị phần giảm”.

Ông Đông cũng giải thích thêm: “Nếu sửa đổi luật, sẽ tách hạ tầng cho thuê tuyến để khai thác. Chúng ta thu hút tư nhân vào dịch vụ đầu máy, toa xe, còn Nhà nước chỉ lo phần hạ tầng. Khi đường sắt kết nối được với các mối hàng trong các cảng thì thị phần vận tải hàng hóa sẽ tăng lên”.

Sẽ xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam sau năm 2020

Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) có một chương riêng về đường sắt tốc độ cao. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò chính trong việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh đường sắt tốc độ cao nhằm kết nối hiệu quả các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải khác. Hành lang an toàn của đường sắt tốc độ cao phải được bảo vệ nghiêm ngặt, chống mọi hành vi xâm nhập trái phép của người, phương tiện, súc vật.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin thêm, QH khóa XII chưa thông qua dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và yêu cầu làm rõ hiệu quả của dự án và lộ trình đầu tư, phương án huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân. Chính phủ đang giao Bộ GTVT cập nhật, nghiên cứu tiền khả thi dự án này, phấn đấu đến năm 2018 Bộ sẽ trình Chính phủ thẩm định lại. Nếu Chính phủ thông qua sẽ trình QH.

Hiện đơn vị tư vấn Hàn Quốc đang nghiên cứu hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Cần Thơ. Lộ trình cụ thể: Từ nay đến năm 2020 xây dựng chủ trương, sau năm 2020 xây dựng tuyến thí điểm từ TP.HCM đi Long Thành, sau đó làm tiếp đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Cần Thơ…

TRỌNG PHÚ

loading...

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/de-nghi-cho-tu-nhan-dau-tu-vao-duong-sat-652127.html