Đề nghị công an điều tra hành vi tự thu tiền, đưa người đi XKLĐ của Giám đốc Công ty Wimex Việt Nam

Rất nhiều người đã phản ánh việc anh Nguyễn Văn Đông thu tiền nhưng không đưa được người lao động sang Nhật làm việc và mong muốn cơ quan công an sớm vào cuộc điều tra.

Liên quan đến việc cá nhân ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Công ty Wimex Việt Nam thu hàng nghìn đô la Mỹ để đưa người lao động tiếp tục sang Nhật làm việc nhưng không thực hiện được, đến khi bị đòi lại tiền thì vị này “cố tình” chây ì, thậm chí còn không trả.

Sự việc khiến những người đã đóng tiền cho ông Đông vô cùng bức xúc, phẫn nộ dẫn đến việc phải gửi đơn đến cơ quan báo chí nhờ giúp đỡ với mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý mà Báo Gia đình Việt Nam thông tin trước đó.

Sau khi, loạt bài được đăng tải, rất nhiều người cũng là nạn nhân của ông Nguyễn Văn Đông đã gọi điện vào đường dây nóng, gửi email đến tòa soạn kêu cứu và trình bày chi tiết về việc mình bị “lừa”.

Trang web của Công ty Wimex Việt Nam, nơi ông Nguyễn Văn Đông đang làm Giám đốc.

Trang web của Công ty Wimex Việt Nam, nơi ông Nguyễn Văn Đông đang làm Giám đốc.

Trường hợp của anh Lê C. (quê Nghệ An) là một ví dụ điển hình. Email anh C. gửi đến với nội dung như sau: “Tôi cũng là người trong cuộc bị ông Nguyễn Văn Đông lừa, theo tôi được biết còn có rất nhiều người bị lừa đảo theo đúng quy trình mà Đông sắp xếp từ trước. Tôi xin trình bày nội dung như sau:

Cụ thể, ngày 12/05/2017, tôi có gặp anh Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Công ty Wimex Việt Nam (sinh năm 1985).

Sau khi tôi gặp anh Nguyễn Văn Đông trao đổi để đi Nhật theo diện kỹ thuật viên thì anh này hứa sẽ đi được nhanh nhất là 3 tháng và bắt tôi cọc với số tiền là 70.000.000 VND cùng một bộ hồ sơ gốc bao gồm: hộ chiếu, hộ khẩu, bằng cao đẳng, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn...

Nhận số tiền cọc xong, anh Đông hứa 3 tháng tôi sẽ sang được Nhật theo diện bảo lãnh của công ty nhưng chờ đến 3 tháng không đi được tôi có gọi điện hỏi xem thế nào nhưng anh này cứ hẹn hết tháng này qua tháng khác.

Quá trình làm việc với anh Đông, tôi gặp rất nhiều người cũng bị anh này lừa giống tôi nên đã xin rút tiền và hồ sơ gốc thì vị này không những không cho rút mà còn cao giọng thách thức.

Tính từ thời điểm anh Đông thu tiền của tôi đến nay đã gần 2 năm nhưng tôi không hề nhận được bất kỳ thông tin gì liên quan đến việc có được sang Nhật làm việc hay không, cũng như đề nghị anh này trả lại tiền và hồ sơ cho tôi. Tôi và mọi người cũng đã gửi đơn lên công an quận Hoàng Mai hơn một năm nay nhưng không được giải quyết. Rất mong sự quan tâm và giúp đỡ từ Báo điện tử Gia đình Việt Nam”.

Phiếu thu do anh Nguyễn Văn Đông ký vừa là Giám đốc, vừa là người lập phiếu.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị Ng. (quê Quảng Ninh) cho biết: “Em là một trong số những lao động mà anh Nguyễn Văn Đông dùng phương thức tương tự để thu 5.000 đô la Mỹ với mục đích đưa em đi lao động sang Nhật Bản theo diện lao động mới. Em học tại nhà anh ta từ tháng 07/2018 đến tháng 11/2018.

Khi học ở nhà anh ta thấy có dấu hiệu của sự mập mờ em đã yêu cầu anh ta trả hồ sơ và giấy tờ, tài chính nhưng anh ta lấy lý do em phá vỡ hợp đồng nên ko trả lại tiền. Mặc dù, em cũng như các bạn học ở đó chưa từng tham dự bất kỳ một đợt tuyển dụng hay ký kết hợp đồng gì.

Em cũng như các lao động khác mong muốn các đơn vị cơ quan vào cuộc làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo của anh Nguyễn Văn Đông núp dưới danh nghĩa đưa người đi xuất khẩu lao động. Mong cơ quan pháp luật giúp đỡ để tìm lại công bằng cho chúng em”.

Trước đó, phân tích hành vi nhận tiền của anh Nguyễn Văn Đông, trên Báo Gia đình Việt Nam, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật Sư Hà Nội, nhận định: Hành vi nhận đưa người lao động ra nước ngoài làm việc của ông Nguyễn Văn Đông là trái quy định của pháp luật (vi phạm điều cấm của pháp luật) do đó giao dịch giữa ông Đông và những người lao động vô hiệu theo điều 123 Bộ luật dân sự.

Về một khía cạnh khác, theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội thì “Cá nhân không có chức năng nhiệm vụ thu tiền của người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động mà chỉ công ty có giấy phép về xuất khẩu lao động mới được thu tiền hợp pháp. Cá nhân hay công ty đứng ra thu mà không có giấy phép được quy vào hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Như vậy, qua những gì người lao động trình bày và phân tích của Luật sư nêu trên. Đề nghị, Công an TP. Hà Nội sớm vào cuộc điều tra làm rõ hành vi thu tiền để đưa người đi xuất khẩu lao động của cá nhân anh Nguyễn Văn Đông giúp người dân lấy lại công bằng.

Báo điện tử Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc!

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/de-nghi-cong-an-dieu-tra-hanh-vi-tu-thu-tien-dua-nguoi-di-xkld-cua-giam-doc-cong-ty-wimex-viet-nam-d145120.html