Đề nghị đánh giá tác động việc tăng tuổi phục vụ cao nhất của Công an nhân dân

Chính phủ đề xuất 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân.

Chiều 8-5, Ủy ban Quốc phòng, an ninh họp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Báo cáo tại phiên họp, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân gồm 2 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và hiệu lực thi hành.

Chính phủ cũng đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an. Ảnh minh họa

Chính phủ cũng đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an. Ảnh minh họa

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 22 quy định sĩ quan công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không đủ 3 năm công tác phải do Chủ tịch nước quyết định.

Lý do, theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Công an nhân dân hiện hành, tuổi để xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải không quá 57 tuổi, tức là với hạn tuổi phục vụ cao nhất của cấp tướng là 60 tuổi, sĩ quan được thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác.

Do đó, nếu tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan công an nhân dân thì cũng phải sửa đổi, bổ sung như trên.

Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 theo hướng Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.

Việc bổ sung nội dung này nhằm xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân, gồm 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng. Quy định Trưởng Công an ‘thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương’, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.

Cụ thể, bổ sung 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng đối với sĩ quan công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội.

5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, gồm: Hiệu trưởng trường ĐH Cảnh sát nhân dân và hiệu trưởng trường ĐH An ninh nhân dân; Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; 2 vị trí Phó cục trưởng và tương đương của 2 đơn vị trực thuộc Bộ Công an (trừ đơn vị có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25).

Về Công an ‘thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương’, Chính phủ cho rằng đây là đơn vị tương đương với Công an quận thuộc TP Hà Nội và TP.HCM. Do vậy, quy định Trưởng Công an ‘thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương’ có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá như Trưởng công an quận thuộc TP Hà Nội và TP.HCM là phù hợp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an, theo đó nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi; tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; riêng nữ sĩ quan cấp tướng vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành.

Thời gian tăng tuổi theo lộ trình, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên. Thời điểm tính toán tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ 1-1-2021…

Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chế độ, chính sách của công an nhân dân.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và hồ sơ dự án Luật bảo đảm các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để quyết định và đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.

Tuy nhiên, ông đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; có đánh giá tác động, nhất là tác động về giới đối với việc điều chỉnh tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ Thượng tá lên thêm 3 tuổi và nữ Đại tá lên thêm 5 tuổi…

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-nghi-danh-gia-tac-dong-viec-tang-tuoi-phuc-vu-cao-nhat-cua-cong-an-nhan-dan-post732360.html