Đề nghị điều chỉnh thời gian huấn luyện an toàn vệ sinh lao động

Đối với công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng thời gian huấn luyện quá dài; khó sắp xếp cho lao động tham gia huấn luyện mà không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh; quy định đối tượng tham gia huấn luyện chưa hợp lý…

Mới đây, Hội đồng An toàn vệ sinh lao động thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Đối thoại với các doanh nghiệp về pháp luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2019. Đồng chí Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đối thoại các vấn đề thường xảy ra trong thực tiễn như: Điều tra về tai nạn lao động, xử phạt hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh lao động; những yêu cầu về quản lý máy móc thiết bị, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động; những vấn đề về quan trắc môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động.

Nhiều ý kiến của đại diện các đơn vị, doanh nghiệp về an toàn vệ sinh lao động đã được gửi đến Hội đồng. Đối với nhóm vấn đề về huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, các ý kiến cho rằng thời gian huấn luyện quá dài; khó sắp xếp cho lao động tham gia huấn luyện mà không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh; quy định đối tượng tham gia huấn luyện chưa hợp lý.

Đối với nhóm vấn đề này, Hội đồng an toàn vệ sinh lao động Thành phố cho rằng đây là vấn đề có tính chất quan trọng, chương trình bắt buộc chung, có quy định phần nội dung phù hợp chuyên ngành của an toàn vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện dài nhằm đảm bảo nội dung huấn luyện lần đầu nên người sử dụng lao động phải chủ động bố trí, sắp xếp trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Đối với nhóm vấn đề về chế độ, chính sách an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Nhiều đại biểu nêu ý kiến cần bổ sung phương pháp xác định đặc điểm, điều kiện lao động và thống nhất văn bản đối với nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc có được xem là tai nạn lao động.

Trả lời về vấn đề này, Hội đồng an toàn vệ sinh lao động Thành phố cho rằng sẽ nghiên cứu và bàn thảo về quy định xác định ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thống nhất thực hiện.

Theo Hội đồng thành phố, hiện nay, chế độ tai nạn lao động đang dần trở thành chính sách an sinh xã hội hữu ích nhằm chia sẻ gánh nặng cho người lao động. Trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đối thoại nhiều vấn đề thiết thực như: Hoạt động hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; những quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; vấn đề bảo hộ lao động; quy định huấn luyện phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ và xử lý vi phạm phòng cháy chữa cháy, khám bệnh nghề nghiệp…

Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân khẳng định qua nhiều kênh khác nhau, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải đáp, trao đổi tháo gỡ các vấn đề của doanh nghiệp. Đồng thời, Hội đồng thành phố lắng nghe, tiếp thu tất cả các ý kiến để tham mưu Thành phố chỉ đạo thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

P.Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-nghi-dieu-chinh-thoi-gian-huan-luyen-an-toan-ve-sinh-lao-dong-98625.html