Đề nghị lực lượng hộ đê theo dõi tình hình, chuẩn bị trang thiết bị cần thiết

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đề nghị lực lượng hộ đê theo dõi tình hình, chuẩn bị sẵn các trang thiết bị cần thiết, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra.

Trước những tổn thất do thiên tai gây ra, sáng 6/8, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cùng đoàn công tác của UBND tỉnh đã đến thăm, hỗ trợ bước đầu cho các hộ dân bị thiệt hại nặng tại ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.

Tại các địa phương trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã thăm hỏi, động viên người dân, đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương tích cực hơn nữa trong công tác hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: Thiên tai và thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến thất thường, phức tạp, nhiều lúc không theo quy luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (phải) trao quà hỗ trợ và động viên người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Vì thế, bà con cần nâng cao ý thức cảnh giác, phối hợp và chung tay tốt hơn nữa với cơ quan chức năng cùng các cấp chính quyền trong việc trồng và bảo vệ rừng ngay tại địa phương. Chỉ có như thế mới có thể phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Ngoài hư hỏng tài sản, triều cường dâng cao bất thường còn làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3 - 0,4m, đoạn từ Vàm Ba Tĩnh - Kinh Mới với chiều dài 12,5km, đe dọa vùng ngọt hóa phía Bắc của tỉnh Cà Mau. Trong đó, đoạn Đá Bạc - Kinh Mới (thuộc huyện Trần Văn Thời) bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 356m, nguy cơ phá vỡ đê, buộc tỉnh Cà Mau phải thực hiện các giải pháp hộ đê khẩn cấp.

Trong sáng 6/8, sau khi thăm và hỗ trợ bước đầu cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đến kiểm tra tình hình hộ đê, đoạn Đá Bạc - Kênh Mới.

Ghi nhận thực tế cho thấy, công tác hộ đê cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, trước tình trạng thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đề nghị lực lượng hộ đê theo dõi tình hình, chuẩn bị sẵn các trang thiết bị cần thiết, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh nhanh chóng thống kê cụ thể mức độ thiệt hại do thiên tai, triều cường gây ra để tỉnh có sự hỗ trợ cần thiết.

Trước đó, ngày 5/8, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có chuyến kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở đê điều tại tuyến đê biển Tây. Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Trường Sơn đã đánh giá cao công tác ứng phó thiên tai của tỉnh Cà Mau trong những ngày qua tại chân đê biển Tây (đoạn từ Cống Kênh Mới - Đá Bạc); đồng thời hoan nghênh địa phương đã rất chủ động, kịp thời huy động lực lượng hộ đê khẩn cấp, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Ông Nguyễn Trường Sơn cũng lưu ý việc gia cố đê của Cà Mau đang thực hiện chỉ đối phó với sóng gió ở mức độ bình thường chứ không bảo đảm trong điều kiện sóng lớn. Do đó, tỉnh cần ban bố tình trạng khẩn cấp để có giải pháp hiệu quả hơn về lâu dài, nhằm bảo vệ hữu hiệu tuyến đê, bảo vệ vùng ngọt hóa ven biển. Việc triều cường dâng cao kèm sóng lớn gây sạt lở đê nghiêm trọng là dấu hiệu bất thường của thời tiết, vì vậy tỉnh Cà Mau cần chủ động chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng ứng phó trong thời gian tới; tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, nhất là ứng phó với mưa bão và sạt lở, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 6/8, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan và triều cường xảy ra bất thường (từ ngày 2-3/8), trên địa bàn tỉnh có một người chết, một người bị thương; sập hoàn toàn 133 căn nhà, tốc mái 632 căn nhà; hơn 1.700 căn nhà, một trường học và 2.540m lộ giao thông bị ngập. Số thiệt hại tài sản ước tính ban đầu hơn 28,5 tỷ đồng.

Tin, ảnh: Huỳnh Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/de-nghi-luc-luong-ho-de-theo-doi-tinh-hinh-chuan-bi-trang-thiet-bi-can-thiet-20190806163411639.htm