Đề nghị phát động phong trào toàn dân đấu tranh phát hiện hoạt động mua bán người

Theo Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho thấy, 37,2% nạn nhân do gặp những chuyện éo le về tình cảm gia đình, trình độ học vấn thấp. 6,8% các cô gái trẻ, học sinh, sinh viên thiếu kỹ năng sống.

Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình công tác phòng chống tội phạm, đai biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) đã đề cập đến tình hình tội phạm mua bán người, với nhận định tình trạng này đang diễn biến phức tạp.

Đại biểu cho biết, theo Bộ Công an, tội phạm mua bán người xảy ra và có dấu hiệu xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, chủ yếu là mua bán người ở nước ngoài chiếm 85%, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền.

Cả nước hiện còn 519 nạn nhân chưa trở về trong tổng số 3.090 nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán. Ngoài ra, còn có 868 trường hợp phụ nữ vắng mặt lâu ngày ở địa phương và hàng nghìn người đang ở nước ngoài chưa có điều kiện xác minh, xác định họ có phải là nạn nhân hay không?

“Những con số này làm cho mỗi chúng ta phải suy nghĩ bao nhiêu nạn nhân chưa được giải cứu đồng nghĩa với bấy nhiêu cuộc đời đang phải sống trong nỗi khổ cùng cực, làm nô lệ cho kẻ buôn người.

Có lẽ con số này trên thực tế còn lớn hơn nhiều, bởi vì đây là loại tội phạm ẩn, việc xác định nạn nhân rất khó khăn. Hơn nữa, với tâm lý xấu hổ, không muốn hoặc chậm trễ trình báo cơ quan chức năng của nạn nhân, người nhà nạn nhân là một trong những nguyên nhân làm tỷ lệ ẩn của loại tội phạm này ngày càng cao”, địa biểu nói.

Đại biểu Phan Thị Thanh Thủy kiến nghị phát động phong trào toàn dân đấu tranh phát hiện tội phạm mua bán người (ảnh QH)

Theo đại biểu Phan Thị Thanh Thủy, thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu khiến nạn nhân thường sa vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người là do đời sống kinh tế còn nghèo khó, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết.

Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em chiếm 90%, đa số thuộc các dân tộc thiểu số chiếm 80%, thường tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho thấy, 37,2% nạn nhân do gặp những chuyện éo le về tình cảm gia đình, trình độ học vấn thấp. 6,8% các cô gái trẻ, học sinh, sinh viên thiếu kỹ năng sống, thiếu hiểu biết xã hội, thích thụ hưởng ăn chơi, đua đòi, thiếu cảnh giác nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả dẫn đến bị lừa bán.

Đáng bàn, công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người chưa thực sự hiệu quả, chưa đến được với người dân tại cơ sở. Đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao dễ bị mua bán ở các thôn bản, vùng sâu, vùng xa.

Cũng theo Bộ Công an, lợi dụng một số nước được miễn thị thực nên các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam cấu kết với đối tượng cò mồi, môi giới, tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Đặc biệt chúng thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức, lạm dụng tình dục và ép buộc lấy dân bản địa…

Từ thực trạng này, đại biểu Phan Thị Thanh Thủy đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, lực lượng chức năng phát động phong trào toàn dân đấu tranh phát hiện các hoạt động dụ dỗ, mua bán người, coi đây là hoạt động sinh hoạt cộng đồng thường xuyên để toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.

Đồng thời, đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tăng cường xây dựng mới nhiều chuyên trang, chuyên mục để truyền tải các thông điệp về phòng, chống mua bán người, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội để nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa tội phạm.

Đại biểu cũng đề nghị tăng cường đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, xảo quyệt của tội phạm; tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn dân cư, nhân khẩu, hộ khẩu và quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-nghi-phat-dong-phong-trao-toan-dan-dau-tranh-phat-hien-hoat-dong-mua-ban-nguoi-127778.html