Đề nghị quy định 'mở' về các loại động vật được phép chăn nuôi

Nhằm tạo thuận lợi cho DN, VCCI đề nghị cơ quan tiếp nhận không được phép yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với những thành phần hồ sơ đã được quy định và chỉ được trả lời về tính đầy đủ của thành phần hồ sơ một lần.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý vào Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi.

Nhằm tạo thuận lợi cho DN, VCCI đề nghị cơ quan tiếp nhận không được phép yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với những thành phần hồ sơ đã được quy định và chỉ được trả lời về tính đầy đủ của thành phần hồ sơ một lần.

Với các bản dịch tiếng Việt từ tài liệu chữ nước ngoài, cho phép DN được tự dịch, tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch, hoặc có thể sử dụng dịch vụ công chứng bản dịch, khi đó cơ quan tiếp nhận không được phép từ chối hồ sơ vì lý do bản dịch không chính xác.

Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, VCCI cho rằng, việc quy định thẩm quyền cấp phép của Cục Chăn nuôi thường sẽ gây tốn kém về chi phí và mất thời gian hơn đối với các DN so với Sở NN&PTNT. Trong khi đó, nếu các điều kiện kinh doanh được quy định đủ rõ ràng, minh bạch thì các Sở NN&PTNT hoàn toàn có thể thực hiện toàn bộ các công việc này, nên cần sửa đổi theo hướng giao toàn bộ thẩm quyền cấp phép cho các Sở NN&PTNT.

Trong danh mục chăn nuôi hiện tại không có loài trùn quế. Ảnh minh họa

Trong danh mục chăn nuôi hiện tại không có loài trùn quế. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc Dự thảo quy định danh mục vật nuôi khác được phép nuôi là phương pháp quản lý chọn cho, người dân và DN chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Phương pháp quản lý này vừa gây rủi ro rất lớn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường vừa cản trở rất lớn đến sự sáng tạo, khả năng phát triển những hình thức chăn nuôi mới, những loài vật nuôi mới.

Cụ thể, chỉ cần cơ quan quản lý “quên” một loại vật nuôi nào đó sẽ khiến toàn bộ hoạt động của các cá nhân, tổ chức trên thực tế trở thành bất hợp pháp. Ví dụ, hiện nay trong danh mục này không có loài trùn quế, điều này khiến cho toàn bộ hoạt động nuôi trùn quế hiện nay là bất hợp pháp và các cá nhân, tổ chức đã đầu tư nuôi trùn quế có thể sẽ bị mất trắng tài sản hoặc lâm vào nợ nần bất kỳ lúc nào.

Hay khi cá nhân, tổ chức nào đó phát hiện ra cơ hội kinh doanh mới, nuôi một loài sinh vật mới cho giá trị kinh tế cao nhưng không có trong danh mục thì sẽ không thể tiến hành kinh doanh như nhiều người thử nghiệm nuôi côn trùng để làm thức ăn chăn nuôi cho lợn, gà, thủy sản và có nhiều hứa hẹn thành công. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo có quy định mở về các loại động vật khác được phép nuôi để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phụ lục VI của Dự thảo quy định về mật độ chăn nuôi của các vùng. Dựa trên phụ lục này, các tỉnh, TP sẽ ban hành quy định về mật độ chăn nuôi cho tỉnh, thành của mình. Do diện tích của các vùng sinh thái hầu như không thay đổi, diện tích các tỉnh, thành phố cũng không đổi, nên bản chất quy định này được hiểu sẽ giới hạn số lượng bao nhiêu con lợn, bao nhiêu con gà được nuôi tại mỗi đơn vị hành chính. Nhiều DN e ngại liệu đây có phải là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường, không phù hợp với các quy luật thị trường hay không?

“Về bản chất, với cách quy định về mật độ chăn nuôi hiện nay có thể không khác với quy hoạch chăn nuôi trước đây, được lập để xác định vùng nào được nuôi bao nhiêu, con gì. Thậm chí, quy hoạch chăn nuôi trước đây chỉ mang tính tham khảo, định hướng thì quy định này mang tính bắt buộc thông qua việc cấp phép cho các trang trại phải phù hợp với mật độ chăn nuôi”, VCCI nêu rõ.

Trong khi đó, quy hoạch chăn nuôi đã được bãi bỏ bởi Điều 13.2 của Luật Quy hoạch, cấm các quy hoạch “về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ”. Vì vậy, quy định tại Phụ lục VI của Dự thảo, theo VCCI, dường như đang có dấu hiệu trái với tinh thần của Luật Quy hoạch.

Nếu cho rằng việc quản lý mật độ chăn nuôi như Dự thảo là nhằm bảo vệ môi trường hoặc phòng dịch bệnh thì cũng không hợp lý. Vì việc bảo vệ môi trường và phòng dịch bệnh hoàn toàn có thể được thực hiện bằng rất nhiều biện pháp kỹ thuật khác (như khoảng cách an toàn, biện pháp phòng dịch) chứ không nên áp dụng biện pháp ấn định số lượng vật nuôi tại mỗi địa phương. “Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về việc quy định mật độ chăn nuôi”, VCCI góp ý.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-nghi-quy-dinh-mo-ve-cac-loai-dong-vat-duoc-phep-chan-nuoi-160024.html