Đề nghị thêm trách nhiệm đơn vị phổ biến phim trên mạng

Đơn vị thẩm tra đề nghị quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động...

Trình bày tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước Quốc hội vào sáng 23/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối với quy định về phổ biến phim trên không gian mạng, dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.

Theo đó, nhà phát hành, phổ biến phim thực hiện theo các quy định về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh và phân loại phim để tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại, cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.

Đây được xem là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, để thực hiện phương án cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), các quy định về tiêu chí, nội dung phân loại cần hết sức cụ thể. Bên cạnh đó cần xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm soát, hệ thống phản hồi cùng lực lượng thanh tra hoạt động thường xuyên, liên tục để giám sát và xử lý kịp thời những vi phạm.

Có ý kiến đề nghị, dự thảo Luật quy định: “Chỉ được phổ biến phim khi có Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp hoặc Quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình thì được phép phổ biến trên không gian mạng”.

Theo đó, cần xem xét kỹ lưỡng đặc biệt về mặt kỹ thuật, về nhân lực và khả năng thực hiện kiểm soát, thẩm định nội dung phim trong bối cảnh phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử xuyên biên giới. Với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này. Nghiên cứu, đầu tư, xây dựng trung tâm kiểm soát với nhân lực trình độ cao, áp dụng công nghệ hiện đại để có thể kiểm tra, giám sát các nền tảng trực tuyến cung cấp nội dung phim. Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ thống chế tài mạnh mẽ và hiệu quả để xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh; đồng thời nhất trí với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.

Đối với nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động; hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem phản ánh nội dung vi phạm; quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý; tăng cường năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra, giám sát; nghiên cứu cơ chế huy động các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, kiểm soát phổ biến phim.

Về Hội đồng thẩm định và phân loại phim, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn quyền hạn, trách nhiệm, hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim; bổ sung thành phần Hội đồng có các chuyên gia ở các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo, dân tộc và một số lĩnh vực khác (cùng với các nhà chuyên môn, quản lý điện ảnh như Dự thảo Luật). Ngoài ra, nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế trao đổi giữa đơn vị xin cấp phép và cơ quan cấp phép trong trường hợp không thống nhất về kết quả phân loại.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-nghi-them-trach-nhiem-don-vi-pho-bien-phim-tren-mang-3440937/