Đề nghị thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Phòng Tư pháp các quận, huyện, thị xã

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (Phiếu LLTP) trên địa bàn thành phố Hà Nội và đề xuất, kiến nghị thực hiện thí điểm phân cấp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện thực hiện cấp Phiếu LLTP.

Thiếu cơ chế bảo đảm trong phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin

Nhìn chung, công tác cấp Phiếu LLTP theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức và công dân trong những năm qua đã được triển khai thực hiện tốt tại Hà Nội. Mặc dù số lượng Phiếu LLTP cấp cho công dân ngày càng lớn nhưng cơ bản đảm bảo thời hạn theo quy định.

Bộ phận Một cửa Sở Tư pháp thực hiện tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Phiếu LLTP qua 3 hình thức (trực tiếp, trực tuyến và qua Bưu chính công ích). Tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023, tại Bộ phận Một cửa của Sở Tư pháp Hà Nội đã tiếp nhận 101.688 đề nghị và tiếp nhận qua bưu chính 68.752 đề nghị cấp Phiếu LLTP.

Từ tháng 4/2023, thành phố Hà Nội thực hiện tiếp nhận hồ sơ cấp Phiếu LLTP trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, tiếp nhận trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Thành phố Hà Nội tổng số 2.244 hồ sơ.

Để đảm bảo thời hạn cấp Phiếu LLTP cho công dân, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp đơn giản hóa, cải tiến lại quy trình giải quyết hồ sơ cấp Phiếu LLTP đảm bảo tính khoa học và hợp lý; tăng cường sự phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia, Phòng Hồ sơ - Công an Thành phố trong việc tra cứu, xác minh các hồ sơ...

Tại Bộ phận một cửa Sở Tư pháp, luôn có đông công dân đến làm thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.

Theo UBND thành phố Hà Nội, qua thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, một số quy định của Luật đã phát sinh bất cập, hạn chế. Cụ thể như quy định về cấp Phiếu LLTP số 2 đã gây nhiều khó khăn cho các trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có yêu cầu cấp Phiếu LLTP và những công dân đã từng có án tích và đã được xóa án tích thì Phiếu LLTP số 2 vẫn ghi nhận ngày tháng năm đã được xóa án và vẫn thể hiện án của công dân. Do đó, gây khó khăn cho công dân khi muốn tái hòa nhập cộng đồng và xin việc làm.

Khoản 1, Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp quy định thời hạn đối với những trường hợp phải xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích là không quá 15 ngày. Tuy nhiên, tổng thời gian để xác minh trên thực tế lớn hơn lớn hơn so với thời hạn giải quyết của Luật Lý lịch tư pháp.

Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho cơ quan Tư pháp. Nhưng hiện nay chưa có quy định về cơ chế bảo đảm thực hiện nhiệm vụ này, nên thực tế vẫn còn tình trạng một số cơ quan không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin lý lịch tư pháp cho cơ quan Tư pháp...

Cần xác định thủ tục Cấp phiếu lý lịch xóa án tích là một thủ tục hành chính

Sau khi Chính phủ ban hành văn bản về việc phân cấp cấp Phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, thành phố Hà Nội đề xuất Bộ Tư pháp ban hành văn bản về quy trình, cơ chế phối hợp Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và các cơ quan có liên quan khi thí điểm.

Trong đó, hướng dẫn cụ thể về đối tượng phân cấp như cấp Phiếu LLTP chung hay chỉ cấp Phiếu LLTP không án tích; thời gian phân cấp thí điểm trong thời hạn 12 tháng; xây dựng rõ quy trình tra cứu xác minh hồ sơ của các Phòng Tư pháp gửi xác minh đến Công an thành phố Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị thực hiện thí điểm tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Để thực hiện tốt việc phân cấp cho Phòng Tư pháp trực thuộc UBND cấp huyện, thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia, Cục công nghệ thông tin tiếp tục nâng cấp vận hành tạo điều kiện kết nối liên thông các phần mềm của Bộ với phần mềm của Thành phố, sớm tích hợp, hợp nhất phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung với phần mềm “kiềng ba chân” để các Sở Tư pháp không phải nhập chuyển tiếp qua 2 phần mềm của Bộ và phần mềm của Thành phố.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất và đề nghị các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án… thực hiện số hóa, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp, thông tin án tích, kết quả chấp hành, việc thực hiện thi hành án để cập nhật chung vào cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp và liên thông kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chia sẻ thông tin khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính yêu cầu có thông tin lý lịch tư pháp.

Bên cạng đó, thành phố Hà Nội cũng đề nghị xác định thủ tục Cấp phiếu lý lịch xóa án tích là một thủ tục hành chính riêng, khác với thủ tục đề nghị cấp Phiếu LLTP trong trường hợp không có án tích để tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-nghi-thi-diem-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-tai-phong-tu-phap-cac-quan-huyen-thi-xa-165387.html