Đề nghị truy tố 29 người trong vụ án giết người ở xã Đồng Tâm

Với cáo buộc 'Giết người' và ' Chống người thi hành công vụ', 29 bị can đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) đề nghị truy tố.

Ngày 12/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Hà Nội đã hoàn tất kết luận vụ án "Giết người và Chống người thi hành công vụ" xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) vào ngày 9/1/2020, đồng thời đề nghị VKSND cùng cấp truy tố 29 bị can liên quan.

Trong số này, có 25 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Giết người", gồm: Lê Đình Công (SN 1964 – có 1 tiền án về tội Cố ý gây thương tích); Bùi Viết Hiểu (SN 1943); Nguyễn Văn Tuyển (SN 1974); Lê Đình Chức (SN 1980 – có 1 tiền án về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có); Lê Đình Doanh (SN 1988, có nhiều tiền án về các tội Cướp tài sản, Trộm cắp tài sản, Tàng trữ trái phép chất ma túy…); Nguyễn Quốc Tiến (SN 1980); Nguyễn Văn Quân (SN 1980, có tiền án về các tội Cố ý gây thương tích và Đánh bạc); Lê Đình Uy (SN 1993, có 1 tiền án về tội Đánh bạc); Lê Đình Quang (SN 1984); Bùi Thị Nối (SN 1958); Bùi Thị Đục (SN 1957); Nguyễn Thị Bét (SN 1961); Nguyễn Thị Lụa (SN 1956);

Trần Thị La (SN 1978); Bùi Văn Tiến (SN 1979); Nguyễn Văn Duệ (SN 1962, có tiền án về các tội Cố ý gây thương tích, Sử dụng vũ khí trái phép, Giết người, cướp tài sản công dân, tàng trữ vũ khí trái phép); Lê Đình Quân (SN 1976); Bùi Văn Niên (SN 1980); Bùi Văn Tuấn (SN 1991); Trịnh Văn Hải (SN 1988); Nguyễn Xuân Điều (SN 1952); Mai Thị Phần (SN 1963); Đào Thị Kim (SN 1983); Lê Thị Loan (SN 1966); Nguyễn Văn Trung (SN 1988, có 1 tiền án về tội Trộm cắp tài sản);

Số còn lại bị đề nghị truy tố về tội danh "Chống người thi hành công vụ", gồm: Lê Đình Hiển (SN 1989); Bùi Viết Tiến (SN 2000); Nguyễn Thị Dung (SN 1963) và Trần Thị Phượng (SN 1984).

Kết luận điều tra nêu rõ, trong thời gian Quân chủng Phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng) xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, một số đối tượng đã cố tình lôi kéo, kích động người dân cản trở bằng những hành vi manh động, mặc dù trước đó đã được các cấp có thẩm quyền nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích tính công khai, minh bạch và trọng yếu của dự án.

Bị can Lê Đình Công (ảnh tư liệu)

Bị can Lê Đình Công (ảnh tư liệu)

Trước thời điểm xảy ra vụ án, các bị can đã có sự chuẩn bị bằng việc tập hợp lực lượng, đóng góp tiền mua vũ khí, họp bàn phân công nhiệm vụ cụ thể từng đối tượng.

Cơ quan công an xác định ông Lê Đình Kình có vai trò chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên tổ chức xuyên tạc nguồn gốc đất Đồng Sênh, kích động lôi kéo người dân tham gia khiếu kiện. Mặc dù đã được Thanh tra Hà Nội thông báo kết luận thanh tra về nguồn gốc đất này là đất quốc phòng, ông Kình vẫn hứa hẹn nếu đòi được đất sẽ chia cho những người dân tham gia khiếu kiện.

Đầu tháng 12/2019, ông Kình đưa cho Lê Đình Doanh 500.000 đồng để mua 10 con dao phóng lợn. Ông Doanh đã làm thêm hơn 10 tuýp sắt để gắn dao phóng lợn.

Khi thấy lực lượng Công an, các đối tượng chủ động dùng vũ khí tấn công quyết liệt nhằm sát thương, tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ. Trong đó hành vi nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc 3 đồng chí Công an hy sinh.

Thanh Sơn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/de-nghi-truy-to-29-nguoi-trong-vu-an-giet-nguoi-o-xa-dong-tam-20200612190525852.htm