Đề nghị việc yêu cầu bổ sung hồ sơ hành chính chỉ được thực hiện không quá 1 lần

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội – ông Nguyễn Chí Đoàn đề nghị bổ sung vào Dự thảo quy định về 'thủ tục dịch vụ công' để phân biệt với thủ tục hành chính (dịch vụ hành chính công).

Chiều 9-5, Ban soạn thảo Dự án Luật hành chính công đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự án luật này.

Trưởng ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh cho biết, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau là tên gọi dự án luật, phạm vi điều chỉnh và quản lý và cung ứng dịch vụ công.

Về tên gọi, đa số ý kiến đề nghị sử dụng tên luật là Luật hành chính công để phù hợp với nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị đổi tên là Luật hoạt động hành chính công để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.

Đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo vì cho rằng, khái niệm hành chính công theo nghĩa rộng còn nhiều vấn đề khác như tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính công, quản trị doanh nghiệp nhà nước; quản lý các tổ chức phi chính phủ…

Nhưng phạm vi điều chỉnh trong dự luật chỉ tập trung vào những nội dung như mối quan hệ giữa nhà nước vào người dân, doanh nghiệp, nên những vấn đề về thủ tục hành chính, quản lý và cung ứng dịch vụ công, hành chính điện tử… có mối quan hệ biện chứng, logic với nhau. Đặc biệt, những vấn đề này chưa được quy định ở tầm luật, mới ở văn bản dưới luật.

Các chuyên gia góp ý vào Dự án Luật hành chính công

Cũng theo Tờ trình, thủ tục hành chính hiện được quy định ở nhiều đạo luật khác nhau, với phương thức vẫn nặng về “trực tiếp”, “nhiều hồ sơ”, “giấy tờ photo, công chứng”… Tuy Chính phủ đã tập trung cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa nhưng thực tế vẫn còn vướng mắc, chưa đồng bộ, thống nhất.

Bên cạnh đó, việc quản lý và cung ứng dịch vụ công trong cơ chế thị trường từ trước đến nay chưa được quan tâm nghiên cứu, quy định thống nhất trong một đạo luật mà quy định rải rác với khái niệm và cơ chế pháp lý khác nhau. Việc đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ công còn nhiều khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực.

Vì vậy, Ban soạn thảo hy vọng, sự ra đời của Luật hành chính công sẽ góp phần khắc phục các bất cập này.

Từ thực tiễn quản lý nhà nước ở địa phương, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho hay, mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, nên cũng có nhiều mô hình hành chính công khác nhau. Có nơi quy định trung tâm hành chính công của tỉnh do Sở Nội vụ quản lý, có nơi do Văn phòng UBND tỉnh quản lý và có nơi lại trực thuộc luôn UBND tỉnh.

Cũng theo ông Chương, thực tế có TTHC được quy định rất rõ ràng về thời gian giải quyết, thành phần hồ sơ… nhưng lại có những TTHC vẫn chưa thể công khai, mỗi địa phương, bộ, ngành lại có quy định riêng. Vì vậy, cần phải thống nhất để dễ thực hiện và Luật hành chính công cần góp phần tạo hành lang pháp lý để giải quyết bất cập này.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội - ông Nguyễn Chí Đoàn đề nghị bổ sung nguyên tắc việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá một lần.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội – ông Nguyễn Chí Đoàn đề nghị bổ sung vào Dự thảo quy định về “thủ tục dịch vụ công” để phân biệt với thủ tục hành chính (dịch vụ hành chính công) do cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền quản lý nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền thực hiện. Việc phân biệt này sẽ là cơ sở quan trọng trong quá trình kiểm soát thủ tục dịch vụ công và tổ chức triển khai cung ứng dịch vụ công.

Cũng theo ông Đoàn, hiện nay, việc kiểm soát thủ tục hành chính và tổ chức giải quyết các TTHC đã được quy định chặt chẽ, cụ thể tại các văn bản, tuy nhiên, hệ thống văn bản về kiểm soát thủ tục do các đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng dịch vụ công ích chưa có mô hình, cơ chế cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị này.

“Trên thực tế, hàng ngày, hàng giờ, trên cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đang diễn ra hàng triệu giao dịch cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích (giáo dục, y tế, nước sạch, môi trường, thể thao, du lịch...) cần có sự kiểm soát trong quá trình rà soát, công khai dịch vụ, tổ chức cung ứng dịch vụ”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội nói.

Bên cạnh đó, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Vậy, đối với các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước thì việc phê duyệt/phê chuẩn danh mục dịch vụ công này do cơ quan nào thực hiện? Vì, mặc dù dịch vụ công nhà nước đã ủy quyền, chuyển giao cho doanh nghiệp, tư nhân thực hiện nhưng nhà nước vẫn phải điều tiết để đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân không bị xâm phạm.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chí Đoàn cũng cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc và các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện TTHC như nguyên tắc về việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan, tránh tình trạng hôm nay đến được hướng dẫn một tí, mai hướng dẫn một tí…

Đồng thời, bổ sung nguyên tắc công khai kết quả giải quyết hồ sơ, cấm việc yêu cầu bổ sung thành phần hồ sơ ngoài quy định.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/de-nghi-viec-yeu-cau-bo-sung-ho-so-hanh-chinh-chi-duoc-thuc-hien-khong-qua-1-lan-115085.html