Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Luật Điện ảnh hiện hành đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành Điện ảnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật Điện ảnh đã bộc lộ quy định chưa phù hợp với thực tế hoặc thay đổi của hoạt động điện ảnh nên không có tính khả thi hoặc tính khả thi không cao. Cụ thể:

Một là, một số quy định của Luật Điện ảnh chưa thể hiện đầy đủ tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, ví dụ như: Quy định về đặt hàng sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu; quy định về tổ chức Liên hoan Phim quốc gia, Liên hoan Phim quốc tế; quy định về chất liệu lưu chiểu, lưu trữ phim.

Hai là, một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh quy định tại Luật Điện ảnh chưa có tính khả thi, chưa được thực hiện nghiêm túc như: Chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động điện ảnh, chính sách đặc thù đối với các Đội chiếu phim lưu động; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh. Chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, thiếu nhi, phục vụ nhiệm vụ chính trị trên thực tế chưa được thực hiện triệt để do chưa có nguồn kinh phí…

Ba là, việc soạn thảo Đề án xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (quy định tại Điều 6 Luật Điện ảnh) đã được tiến hành từ năm 2010. Trong quá trình xây dựng đề án, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hai lần trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chưa được thành lập, lý do chính là chưa xác định nguồn thu ổn định hợp pháp để đảm bảo hoạt động của Quỹ.

Bốn là, việc quy định đối với doanh nghiệp sản xuất phim, ngoài việc phải có các điều kiện thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp còn phải có Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp hiện tại không còn phù hợp với thực tiễn và các văn bản pháp luật có liên quan.

Năm là, một số quy định của Luật Điện ảnh sau 12 năm chưa thực hiện trong thực tế do chưa nhận được hồ sơ nào hoặc nhận được nhưng không đáp ứng đủ quy định của Luật Điện ảnh như quy định về việc đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài hoặc quy định về văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam.

Sáu là, việc quy định doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim không còn phù hợp. Quy định này cho phép một công ty thực hiện đồng thời hai chức năng vừa phát hành vừa phổ biến phim, dẫn đến công ty nhập khẩu mạnh có hệ thống rạp lớn đã chi phối thị trường chiếu phim, thống lĩnh thị trường và thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép công ty nhỏ, yếu hơn.

Bảy là, một số hành vi vi phạm về phát hành phim, phổ biến phim, lưu trữ phim, nhân bản và tàng trữ phim,... quy định tại Luật Điện ảnh không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, mức xử phạt còn thấp, chưa bảo đảm tính răn đe.

Tám là, quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị tổ chức các Liên hoan Phim quốc gia và quốc tế cũng như cấp phép cho các hoạt động giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài chưa phù hợp với tình hình mới khi Nhà nước có chủ trương tăng cường xã hội hóa các dịch vụ công, sử dụng cơ chế thị trường trong việc cung cấp dịch vụ công.

Chín là, một số quy định của Luật Điện ảnh chưa tương thích hoặc chồng chéo với các luật, bộ luật mới được ban hành như quy định về “Bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm” (quy định tại Điều 7 Luật Điện ảnh) đã được điều chỉnh tại Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ; quy định về Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điện ảnh”(quy định tại Điều 7 Luật Điện ảnh) đã được điều chỉnh tại Luật Khiếu nại (2011) và Luật Tố cáo (2011); quy định về “doanh nghiệp điện ảnh” (quy định tại Chương II và Chương III của Luật Điện ảnh) chưa tương thích với các quy định của Luật Doanh nghiệp (2014) và Luật Đầu tư (2014).

Thêm vào đó, sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ số hóa của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 trong điện ảnh thế giới đã làm cho một số quy định của Luật Điện ảnh vốn được ban hành năm 2006 và 2009 trở nên lạc hậu, không còn phù hợp.

Các quy định của Luật Điện ảnh chưa theo kịp những tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Trong khi, công nghiệp điện ảnh đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ số, thì một số quy định của Luật Điện ảnh vẫn đang điều chỉnh việc sản xuất, phát hành và phổ biến phim theo công nghệ phim nhựa 35mm hoặc video (Betacam hoặc VHS); chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý phát hành và phổ biến phim trong môi trường số hóa, qua vệ tinh, trên internet và các phương tiện truyền thông khác. Luật Điện ảnh chưa quy định việc lưu trữ, sử dụng, khai thác với mục đích bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục đối với phim dạng số…

Vì vậy, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần thiết xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) thay thế Luật Điện ảnh nhằm khắc phục những bất cập, đồng thời bổ sung những vấn đề mới phát sinh cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, góp phần thúc đẩy phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với xu thế đổi mới và tăng cường hội nhập quốc tế.

Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/de-nghi-xay-dung-luat-dien-anh-sua-doi/370394.vgp