Đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Bộ Công an đang đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về 02 lĩnh vực rất khác nhau trong cùng một đạo luật, đó là lĩnh vực quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và lĩnh vực quản lý về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Với phạm vi điều chỉnh rộng và khác xa nhau như vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cần thiết phải được tách riêng thành 02 đạo luật độc lập.

Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 90% các loại hình tham gia giao thông và loại hình vận tải. Phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh, bình quân từ 10% đến 15%/năm và thực trạng tham gia giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay là giao thông hỗn hợp với rất nhiều các loại phương tiện giao thông cơ giới, thô sơ, xe 3 bánh, 4 bánh, xe tự chế…, có từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có các quy định để quản lý, kiểm soát sự gia tăng của phương tiện, nhất là yêu cầu kiểm soát bảo đảm sự phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; từ đó đã dẫn đến hệ quả là mất trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đã diễn ra nghiêm trọng tại các đô thị lớn.

Do vậy, việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là thực sự cần thiết.

Đánh giá tác động của chính sách trong dự án luật

Theo Bộ Công an, mục tiêu ban hành chính sách nhằm:Thống nhất hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thống nhất áp dụng các quy định về xử lý vi phạm giao thông đường bộ; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là mục tiêu rất quan trọng trong trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong quá trình thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải hết sức tôn trọng quyền lợi của các bên có liên quan, chú trọng bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tính công bằng trong quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông giúp nâng cao hiệu quả của công tác đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dựa trên kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và tham khảo kinh nghiệm của quốc tế về các chính sách quản lý trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an nghiên cứu và xác định các chính sách cơ bản được đánh giá, bao gồm:

1. Chính sách 1: Quy định cụ thể về hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe

2. Chính sách 2: Quy định về đi đường bộ

3. Chính sách 3: Thống nhất việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

4. Chính sách 4: Quy định cụ thể về tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ

5. Chính sách 5: Quy định về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ

6. Chính sách 6: Quy định về giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý

7. Chính sách 7: Vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

LP

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/de-nghi-xay-dung-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo/375724.vgp