Để nguồn lực mềm trở thành sức mạnh mềm

Chia sẻ về câu chuyện phát huy sức mạnh mềm văn hóa, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương – Giám đốc Trung tâm phát triển Công nghiệp văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) cho rằng, nếu không tỉnh táo, thiếu thực tế, thiếu linh hoạt dẫn đến áp dụng rập khuôn kinh nghiệm quốc tế chắc chắn khó tạo được sự thành công.

Hội thảo quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về sức mạnh mềm văn hóa vừa được VICAS phối hợp với UNESCO tổ chức. Đâu là thành công nổi bật của Hội thảo, thưa bà?

Hội thảo Quốc tế về “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” được tổ chức nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề tài khoa học cấp nhà nước “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội”. Đây là đề tài do tôi là chủ nhiệm, VICAS là cơ quan chủ trì, UNESCO là đơn vị phối hợp.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu)

Chúng ta trân trọng Giáo sư Đại học Harvard Joseph Nye và sự ra đời của học thuyết sức mạnh mềm dựa trên thực tiễn Mỹ. Nhưng thực tiễn Việt Nam khác thực tiễn Mỹ. Việt Nam là một nước đang phát triển, chúng ta giàu nguồn lực văn hóa, nhưng tiềm lực kinh tế chưa mạnh, vì thế, cần phải tính toán, lựa chọn một hướng đi phù hợp với thực tiễn đất nước thay vì rập khuôn cơ sở lý luận hay kinh nghiệm quốc tế có nhiều khác biệt.

Do đó, thành công của hội thảo về mặt chuyên môn là đã tìm được tiếng nói chung giữa các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu ở hướng tiếp cận cần phải tạo ra được một cơ chế chuyển hóa các nguồn lực mềm văn hóa Việt Nam thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua sự vận hành có hệ thống, có sự gắn kết, linh hoạt giữa các kênh tác động như ngoại giao văn hóa, công nghiệp văn hóa, truyền thông và xây dựng thương hiệu thành phố Hà Nội.

Nhiều năm nghiên cứu từ các nước Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, bà cho rằng, Việt Nam nên học tập mô hình gì để có thể chuyển hóa thành công nguồn lực mềm văn hóa?

Cá nhân tôi cho rằng, cần phải tỉnh táo hơn, có tư duy chiến lược hơn trong việc lựa chọn và phối hợp các kinh nghiệm quốc tế trong việc chuyển hóa thành công nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Vì nếu không tỉnh táo, thiếu thực tế, thiếu linh hoạt dẫn đến áp dụng rập khuôn kinh nghiệm quốc gia này vào quốc gia khác chắc chắn khó tạo được sự thành công. Đây là câu chuyện không hiếm đối với nhiều quốc gia nên chúng ta cần tránh.

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, chúng ta đã học được kinh nghiệm của tất cả quốc gia trong top 5 soft power là cần lựa chọn và chuyển hóa các nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Còn trong thời điểm này, nếu đặt ưu tiên lựa chọn học hỏi một mô hình thì Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc.

Trước khi tạo thành làn sóng văn hóa Hàn Quốc, quốc gia này vừa trải qua khủng hoảng kinh tế và họ lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp nội dung (công nghiệp văn hóa), có trọng điểm như Kpop, phim truyền hình, game và phát huy tối đa nền tảng công nghệ rất tốt của họ. Sau khi Kpop đã trở thành thương hiệu của Hàn Quốc, quốc gia này tiếp tục tận dụng lợi thế của Làn sóng Hàn Quốc mở rộng ra thế giới, nhưng chú trọng hơn đến các sản phẩm tương tác trên môi trường số như webtool, manhwa, truyện tranh nhân vật. Bởi vậy, Việt Nam cần tham khảo cách mà người Hàn Quốc đã tính toán trong giai đoạn đầu tiên để cân nhắc việc lựa chọn nguồn lực mềm văn hóa nào là cần thiết và tập trung vào việc giải bài toán chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa.

Vậy trước mắt, Việt Nam nên ưu tiên vào nguồn lực mềm văn hóa nào?

Theo tôi, du lịch Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững. Nhưng du lịch lại là ngành có thể chuyển hóa nhiều nguồn lực mềm văn hóa như các làng nghề, di sản tự nhiên và phi vật thể, không gian văn hóa, thành sức mạnh mềm văn hóa, nếu chúng ta tập trung ưu tiên phát triển các nguồn lực trên một các bài bản, kết hợp với ứng dụng công nghệ trong sản xuất và dịch vụ du lịch.

Bà đánh giá thế nào về sự phát triển của công nghiệp văn hóa tại Việt Nam? Chúng ta đã và đang khai thác tiềm năng này ra sao?

Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã qua giai đoạn manh mún, nhưng vẫn trong trạng thái “dò đá qua sông” . Về tổng thể, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển, nhưng chưa có sự phát triển mang tính đột phá, mặc dù đã có những bước tiến mới. Ví dụ, điện ảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập và chuyên nghiệp hơn, thời trang Việt Nam đang được biết đến là thị trường tiềm năng, du lịch Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, mạng lưới các không gian sáng tạo của Việt Nam đang kết nối với thế giới…

Cá nhân tôi cho rằng, sau khi đã ban hành Chiến lược quốc gia, chúng ta nên tính toán đến các mục tiêu cụ thể hơn, khả thi hơn bằng việc bắt đầu từ một thành phố từ đó rút kinh nghiệm và mở rộng mô hình phát triển. Theo tôi, vào thời điểm hiện nay, Hà Nội là lựa chọn phù hợp.

Bà có thể chia sẻ dự định của nhóm nghiên cứu trong thời gian tới?

Sắp tới, trong khuôn khổ hợp tác của đề tài, VICAS và UNESCO cùng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có chuyến đi thực tế tới Hàn Quốc với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước bạn để tìm hiểu về việc phát triển du lịch, và các trung tâm sáng tạo văn hóa. Từ kinh nghiệm khảo sát đạt được, chúng tôi sẽ phối hợp với UNESCO và thành phố trong việc thúc đẩy Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Xin cảm ơn bà!

Trọng Vũ

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/de-nguon-luc-mem-tro-thanh-suc-manh-mem-84007.html