Để nhai được Cu-đơ!

Dịp cận tết Mậu Tuất - 2018, tôi về Hà Tĩnh dự tọa đàm về tác phẩm 'Sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi' của tiến sĩ, nhà báo Đặng Duy Báu, nguyên Bí Thư tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Kẹo Cu-đơ, một đặc sản của xứ Nghệ

Tại đây, giờ giải lao, tôi gặp nhà báo Nguyễn Khắc Hiển, Trưởng Cơ quan đại diện Báo Nhà báo và Công luận khu vực Bắc miền Trung, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh. Mấy anh em nhâm nhi chén trà Bắc, nhắc lại chuyện đời, chuyện nghề một thời của nhà báo, thiếu tướng Trần Công Mân. Chuyện xảy ra đã gần nửa thế kỷ mà Khắc Hiển vẫn nhớ như in. Hai vị tướng, 2 trí thức xứ Nghệ trí tuệ uyên thâm mà bình dị, đơn sơ trong bộ quân phục bạc màu. Những câu chuyện tâm tình của họ với các đồng nghiệp lớp đàn em quê nhà thật dung dị, sâu lắng.

Anh kể, dịp Báo Hà Tĩnh kỷ niệm 30 năm ngày xuất bản số đầu, từ những năm 80 của thế kỷ trước. Báo Hà Tĩnh được đón 2 vị tướng, 2 anh em Trần Công Mân (Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân) và Trần Công Hàm (chuyên gia quân sự cấp cao của nước bạn Lào), quê huyện Kỳ Anh về dự.

Tổng Biên tập, nhà báo, Trần Công Mân vừa nhấp ngụm chè xanh vừa nói, cũng là sự nhắc khéo: Chè xanh này mà đi với kẹo cu-đơ thì tuyệt. Lập tức kẹo cu-đơ quê hương được đưa ra, mọi người cùng thưởng thức. Nhà báo Trần Công Mân kể vanh vách sự tích kẹo cu-đơ đã thành giai thoại và lý giải cu - đơ mà vắng chè xanh như anh thiếu em; chè xanh mà thiếu cu-đơ như vợ thiếu chồng. Cả hội cười vang, nể phục sự hài hước, dí dỏm và trí nhớ tuyệt vời của vị tướng, Tổng Biên tập một tờ báo lớn, uy tín của quân đội ta.

Nhà báo Nguyễn Khắc Hiển vui chuyện, kể tiếp: Năm 1994, tôi và nhà báo Lê Xuân Thụ đến thăm nhà báo Trần Công Mân tại nhà riêng, số 6 Lý Nam Đế, Hà Nội. Anh chị mừng lắm đưa kẹo cu-đơ và chè xanh đãi khách. Thì ra cu-đơ và chè xanh là món đặc sản quê nhà mà anh chị rất mê. Biết Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh mới chia tách còn thiếu thốn trăm bề, anh lấy giấy bút viết thư tay nhờ Chủ tịch Nguyễn Ký và Tư lệnh quân khu IV, tướng Nguyễn Quốc Thước, vốn là đồng đội thân thiết của anh giúp đỡ. Lá thư tay thân tình của nhà báo Trần Công Mân đã tạo điều kiện cho Hội Nhà báo tỉnh hoạt động thuận lợi hơn.

Nguyễn Khắc Hiển nhấp thêm ngụm trà, thủng thẳng như trò chuyện:

Chị Mùi, vợ nhà báo Trần Công Mân, vốn là bác sĩ nha khoa, làm việc tại khoa răng hàm mặt, Bệnh viện quân y 354, cũng là người rất nặng tình với quê hương. Trước khi tôi và anh Lê Xuân Thụ chia tay ra về, chị Mùi “bắt” tôi và anh Lê Xuân Thụ ngồi lên ghế chuyên dụng nha khoa, như ra lệnh: “Hai chú ngồi lên đây, chị kiểm tra giúp bộ răng, miễn phí trăm phần trăm”. Chúng tôi chỉ còn cách nhăn răng cười với chị và chấp hành lệnh.

Xử lý xong bộ răng, chị nhắc: “Muốn chiến đấu với cu-đơ, cứ 3 tháng các chú phải tới nha khoa một lần cạo cao răng, làm vệ sinh sạch sẽ. Nếu chủ quan, chưa già đã phải ly dị em cu-đơ thì tiếc lắm”. Sự ân cần, chăm bẵm của anh chị Mân - Mùi với những đứa em quê nhà làm chúng tôi vô cùng xúc động và nhớ mãi.

Những câu chuyện trên đây, Nguyễn Khắc Hiển viết trong tập sách “Trần Công mân, tác phẩm báo chí chọn lọc” và trong bài viết “Tết này nhớ nhà báo Trần Công Mân” đăng trên Báo Nhà báo và Công Luận số Tết Mậu Tuất 2018. Đời và Nghề ghi lại, nhân 20 năm ngày nhà báo Trần Công Mân ra đi - về với thế giới người hiền; nhân cuộc tọa đàm nhà báo Trần Công Mân, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2018.

Ông là vị tướng cương trực, uyên thâm, nho nhã theo phong thái thầy đồ Nghệ xưa. Nhà báo, Tổng Biên tập, Phó Tổng thư ký Thường trực (tương đương chức danh Phó Chủ tịch Thường trực) Hội Nhà báo Việt Nam - một trong những người Anh đáng kính của các đồng nghiệp báo chí Việt Nam đương đại./.

Hải Vân

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/de-nhai-duoc-cu-do-n8983.html